Nền kinh tế thế giới đang đối mặt với nguy cơ tăng trưởng thấp kéo dài do hậu quả của đại dịch Covid-19, khủng hoảng Ukraine
Theo bản cập nhật giữa năm của báo cáo
Triển vọng và Tình hình Kinh tế thế giới công bố hồi tháng 1.2023, tình
trạng lạm phát cao dai dẳng ở cả các nước phát triển và đang phát triển
do hậu quả của đại dịch đã thúc đẩy các ngân hàng trung ương đưa ra
những đợt tăng lãi suất mạnh nhất trong nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên, sự giảm tốc tăng trưởng toàn cầu vào năm 2023 có thể sẽ ít
nghiêm trọng hơn so với dự đoán trước đây, chủ yếu nhờ chi tiêu hộ gia
đình tăng liên tục ở các nền kinh tế lớn cũng như đà phục hồi của Trung
Quốc.
Dự báo tăng trưởng toàn cầu đã được điều chỉnh tăng từ 1,9% trong báo
cáo tháng một lên 2,3% cho năm 2023. Song mức tăng trưởng toàn cầu cho
năm 2024 được điều chỉnh giảm từ 2,7% xuống 2,5%.
Theo báo cáo, tốc độ tăng trưởng toàn cầu vẫn thấp hơn nhiều so với mức
tăng trưởng trung bình 3,1% trong hai thập kỷ trước đại dịch.
Đối với Mỹ, chi tiêu hộ gia đình ổn định đã thúc đẩy Liên hợp quốc (LHQ)
điều chỉnh tăng dự báo cho nước này từ mức 0,4% lên 1,1% cho năm nay.
Tương tự, dự báo cho Liên minh châu Âu (EU) cũng được tăng lên 0,9% thay
vì 0,2%. Ước tính tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay được điều
chỉnh từ 4,8% lên 5,3%.
Đối với các nền kinh tế lớn khác, tăng trưởng của Nhật Bản hiện được dự
báo ở mức 1,2%, thấp hơn con số trước đó là 1,5%. Nền kinh tế của Anh dự
kiến sẽ suy giảm ít hơn ước tính đầu tiên, giảm 0,1% thay vì 0,8%. Nga,
quốc gia đang chịu các lệnh trừng phạt nặng nề của phương Tây liên quan
tới cuộc khủng hoảng Ukraine, sẽ chứng kiến nền kinh tế suy giảm 0,6%,
một kịch bản tốt hơn nhiều so với dự báo hồi tháng Một về mức giảm 2,9%.
Dự báo cho tăng trưởng kinh tế Ấn Độ vẫn được giữ nguyên ở mức 5,8%.
Thương mại toàn cầu dự kiến sẽ vẫn chịu áp lực. Kịch bản cơ sở dự đoán
rằng khối lượng thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu sẽ tăng 2,3% vào
năm 2023, cao hơn so với dự báo trước đây về mức tăng trưởng gần như
bằng không.
Tuy nhiên, những tác động kéo dài của Covid-19, căng thẳng địa chính trị
gia tăng và thắt chặt tiền tệ sẽ tiếp tục kìm hãm thương mại toàn cầu,
mặc dù những hạn chế về chuỗi cung ứng và chi phí vận chuyển đã giảm
bớt.
Lạm phát trung bình toàn cầu ước vào khoảng 5,2% trong năm 2023, giảm từ
mức cao nhất trong hai thập kỷ là 7,5% hồi năm 2022. Báo cáo lưu ý
trong khi áp lực tăng giá dự kiến sẽ “hạ nhiệt” dần, lạm phát ở nhiều
quốc gia sẽ vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu của các ngân hàng trung
ương.
Theo TTXVN