“Cách mạng Tháng Tám 1945 - Biểu tượng
sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc” bài viết của Thiếu tá, Tiến sỹ
Trần Hữu Huy - Viện Lịch sử quân sự.
Đông đảo nhân dân tập trung tại Quảng trường Ba Đình nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc Lập ngày 2.9.1945 (Ảnh: TTXVN)
Tháng Tám 1945, chớp thời cơ “ngàn năm
có một,” dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh,
nhân dân ta không phân biệt giàu nghèo, giai tầng, không phân biệt tôn
giáo, xu hướng chính trị vùng lên tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa “long
trời, lở đất” giành chính quyền trên phạm vi cả nước, mở ra kỷ nguyên
cho đất nước.
Nhân dịp kỷ niệm 77 năm sự kiện trọng
đại này, Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết: “Cách
mạng Tháng Tám 1945-Biểu tượng sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc”
của Thiếu tá, Tiến sỹ Trần Hữu Huy-Viện Lịch sử quân sự (Bộ Quốc phòng).
Đường lối đại đoàn kết dân tộc đúng đắn, sáng tạo của Đảng
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược
Việt Nam. Triều đình phong kiến nhà Nguyễn rơi vào khủng hoảng và bất
lực, chịu thất bại rồi đi đến đầu hàng (ký Hiệp ước Giáp Thân 1884),
chấp nhận làm tay sai cho giặc.
Từ đó, để phục vụ mục đích nô dịch thuộc
địa và bóc lột lâu dài, thực dân Pháp thi hành chính sách “chia để trị”
hết sức thâm độc. Nhân dân sống trong cảnh “nước mất, nhà tan,” cuộc
đời lầm than cơ cực.
Dù những cuộc đấu tranh anh dũng của bao
thế hệ người Việt vẫn liên tục diễn ra, tiêu biểu như phong trào Cần
Vương (cuối thể kỷ XIX), khởi nghĩa nông dân (cuối thể kỷ XIX, đầu thể
kỷ XX), phong trào dân tộc theo khuynh hướng dân chủ tư sản (đầu thể
kỷ XX)... nhưng đều bị kẻ thù “dìm trong biển máu.”
Một trong những nguyên nhân căn bản nhất
dẫn tới sự thất bại đó là các phong trào yêu nước chưa phát huy được
sức mạnh đại đoàn kết toàn dân do thiếu cơ sở lý luận, thiếu phương tiện
và sách lược phù hợp.
Trải qua một quá trình tích cực vận
động, ngày 3.2.1930, Đảng Cộng sản Việt Nam-chính đảng của giai cấp vô
sản (công nhân) được thành lập (tháng 10.1930 đổi tên thành Đảng Cộng
sản Đông Dương), khẳng định con đường phát triển tất yếu của cách mạng
Việt Nam là con đường kết hợp và giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và
chủ nghĩa xã hội (“chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa
cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”).
Để thực hiện mục tiêu chiến lược đó,
Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra đường lối đại đoàn kết dân tộc rất đúng
đắn, đó là Đảng chủ trương tập hợp được đại bộ phận giai cấp công nhân,
làm cho giai cấp công nhân lãnh đạo được quần chúng, phải thu phục cho
được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo, xây dựng
liên minh công nông vững chắc; đồng thời “phải hết sức liên lạc với tiểu
tư sản, trí thức, trung nông... để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp.
Còn đối với phú nông, trung, tiểu địa
chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít
lâu mới làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản cách
mạng... thì phải đánh đổ”. Chủ trương, đường lối cách mạng khoa học,
đúng đắn đó là tiền đề quan trọng nhất dẫn đến mọi thắng lợi của cách
mạng Việt Nam.
Sau khi ra đời, căn cứ vào bối cảnh thế
giới, tình hình trong nước ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, Đảng tiếp
tục có sự chuyển hướng về chỉ đạo chiến lược và sách lược nhằm tập hợp
mọi lực lượng yêu nước trong một mặt trận dân tộc thống nhất đặt dưới sự
lãnh đạo của Đảng.
Theo đó, công tác vận động và tổ chức
quần chúng có nhiều hình thức đổi mới sáng tạo, như việc thành lập: Hội
Phản đế Đồng minh (11.1930-3.1935), Hội Phản đế Liên minh
(3/1935-10/1936), Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương
(10.1936-3.1938), Mặt trận Dân chủ Đông Dương (3.1938-11.1940), Mặt trận
Dân tộc thống nhất phản đế (11.1940-5.1941), Mặt trận Việt Minh (từ
tháng 5.1941). Qua đó, Đảng đã xây dựng, giáo dục được một đội quân
chính trị hàng triệu người, sức mạnh đại đoàn kết không ngừng được củng
cố, tăng cường.
Đại
tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chung vui cùng các chiến sĩ trong lễ
mừng chiến thắng, tổ chức tại Sở chỉ huy ở Mường Phăng trong chiến dịch
Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. (Ảnh: TTXVN)
Đặc biệt, Hội nghị Ban Chấp hành Trung
ương Đảng lần thứ 8 (từ 10-19.5.1941) họp tại Pác Bó (Cao Bằng), do lãnh
tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì tiếp tục khẳng định giải phóng dân tộc là
nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng, quyết định giải quyết vấn đề dân tộc
giải phóng trong phạm vi từng nước Đông Dương.
Mỗi nước Đông Dương thành lập một mặt
trận dân tộc thống nhất riêng. Ở Việt Nam sẽ thành lập Mặt trận Việt Nam
độc lập đồng minh (gọi tắt Mặt trận Việt Minh), gồm các tổ chức quần
chúng lấy tên “hội cứu quốc.”
Ngày 19.5.1941, Mặt trận Việt Minh chính
thức ra đời. Tháng 10/1941, Mặt trận Việt Minh công bố Tuyên ngôn,
Chương trình và Điều lệ, khẳng định chủ trương “liên hiệp hết thảy các
tầng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính
trị nào, giai cấp nào, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp-Nhật giành
quyền độc lập cho xứ sở.”
Sau khi thành lập, Mặt trận Việt Minh
triển khai đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát triển cả về tổ chức và
lực lượng, hình thành hệ thống từ trung ương đến cơ sở.
Đến giữa năm 1945, Việt Minh đã có
khoảng 5 triệu hội viên. Đến đây, khối đại đoàn kết được mở rộng, từng
bước phát triển lên mức cao nhất, sẵn sàng phát huy sức mạnh vĩ đại vùng
lên giành chính quyền khi thời cơ chín muồi!
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết, tiến hành tổng khởi nghĩa thắng lợi
Đầu năm 1945, cục diện Chiến tranh thế
giới thứ hai đang đi đến giai đoạn kết thúc. Chủ nghĩa phátxít đứng
trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn. Trong tình thế khó khăn đó,
phátxít Nhật tiến hành cuộc đảo chính lật đổ Pháp (9.3.1945) để độc
chiếm Đông Dương.
Phong
trào Thanh niên "Ba sẵn sàng" của Thái Bình: Người lên đường chiến đấu,
người ở lại hậu phương thi đua sản xuất dưới bom đạn, (tháng 8.1964),
sau khi Mỹ mở rộng đánh phá bằng không quân ra miền Bắc trong kháng
chiến chống Mỹ, cứu nước. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp, Ban
Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng tại Đình Bảng (Bắc Ninh), ra chỉ
thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (12.3.1945), xác định
rõ kẻ thù cụ thể trước mắt duy nhất của nhân dân Đông Dương lúc này là
phátxít Nhật.
Hội nghị quyết định phát động một cao
trào “Kháng Nhật cứu nước” mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa.
Phong trào đấu tranh vũ trang và các cuộc khởi nghĩa từng phần liên
tiếp diễn ra ở nhiều địa phương, đẩy quân Nhật và chính quyền tay sai
rơi vào khủng hoảng trầm trọng.
Ngày 13.8.1945, Chính phủ Nhật hoàng
phải tuyên bố đầu hàng các nước Đồng minh không điều kiện. Tin tức đầu
hàng nhanh chóng lan đi khắp các mặt trận. Quân đội Nhật chiếm đóng ở
Đông Dương bị tê liệt, mất tinh thần chiến đấu, chính phủ tay sai bù
nhìn hoang mang cực độ.
Không khí cách mạng sục sôi trong cả
nước. Theo sự thỏa thuận của các nước Đồng minh thắng trận, quân đội
Tưởng Giới Thạch (Trung Hoa dân quốc) sẽ tiến vào miền Bắc Việt Nam,
quân đội Anh-Pháp sẽ vào miền Nam Việt Nam (lấy vĩ tuyến 16 phân chia)
làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật, nhưng thực chất đều muốn thực hiện
ý định tiêu diệt lực lượng cách mạng và Đảng Cộng sản Đông Dương, thành
lập chính quyền tay sai phục vụ mưu đồ cai trị.
Trước sự chuyển biến mau lẹ của tình
hình, Đảng triệu tập Hội nghị toàn quốc (từ 13-15.8.1945) họp tại Tân
Trào (Tuyên Quang), nhận định thời cơ đã đến, quyết định phát động tổng
khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước trước khi quân Đồng minh vào.
Hội nghị quyết định thành lập Ủy ban
khởi nghĩa toàn quốc để kịp thời chỉ đạo thống nhất phong trào khởi
nghĩa các địa phương. Ngay sau đó, Đại hội quốc dân cũng họp ở Tân Trào
(ngày 16/8/1945), bao gồm đại biểu của ba xứ (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ)
đại diện cho các giới, các đoàn thể, các dân tộc, tiêu biểu cho ý chí và
nguyên vọng toàn dân.
Đại hội nhất trí tán thành quyết định
tổng khởi nghĩa, bầu Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam (Chính phủ lâm
thời) do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, thông qua một số chính sách quan
trọng của Mặt trận Việt Minh.
Hưởng ứng lệnh Tổng khởi nghĩa, nhân dân
cả nước với khí thế sục sôi đồng loạt nổi dậy giành chính quyền. Ngày
19.8.1945, Tổng khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23.8, Thừa Thiên-Huế
giành được chính quyền. Ngày 25/8, nhân dân Sài Gòn-Gia Định giành được
chính quyền... Sức mạnh vùng dậy "long trời, lở đất” của hàng triệu
quần chúng, tạo nên một ưu thế áp đảo, giáng đòn quyết định vào tất cả
cơ quan đầu não của chính quyền bù nhìn, làm tê liệt mọi sự kháng cự của
các thế lực thù địch, khiến chúng không kịp trở tay.
Cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền
Cách mạng Tháng Tám đã thành công rực rỡ trong cả nước vào ngày
28.8.1945. Ngày 30.8.1945, Bảo Đại-vị vua cuối cùng của triều Nguyễn
tuyên bố thoái vị, trao ấn vàng, kiếm nạm ngọc lại cho đại diện Việt
Minh. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam, chính quyền cả nước
thuộc về tay nhân dân.
Ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình
lịch sử, trước hàng chục vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt
Chính phủ cách mạng lâm thời đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa-nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Trong giờ phút thiêng liêng trọng đại
ấy, Người tiếp tục khẳng định sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân
tố nền tảng để bảo vệ thành quả cách mạng vĩ đại vừa giành được: “Nước
Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước
tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và
lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.”
Cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 thực sự là
biểu tượng cho sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Sức mạnh đó trước
hết bắt nguồn từ chủ nghĩa yêu nước nồng nàn của mỗi con dân đất Việt,
được bồi dưỡng trao truyền qua hàng ngàn năm lịch sử, tiếp tục được nhân
lên và phát huy cao độ bởi đường lối cách mạng khoa học, đúng đắn, sáng
tạo của Đảng.
Trên cơ sở thắng lợi vĩ đại vừa giành
được, Đảng kịp thời đúc rút những bài học kinh nghiệm quý báu, trong đó
có bài học về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, nội dung cụ
thể là: Đánh giá đúng và biết tập hợp, tổ chức lực lượng các giai cấp
cách mạng, trong đó lấy liên minh công nông làm nền tảng. Trên cơ sở đó,
biết khơi dậy tinh thần dân tộc trong mọi tầng lớp nhân dân, tập hợp
mọi lực lượng yêu nước tiến bộ trong mặt trận dân tộc thống nhất rộng
rãi, phân hóa và cô lập cao đội kẻ thù, chớp thời cơ tiến lên đánh bại
chúng. Bài học kinh nghiệm này được Đảng chắt lọc, vận dụng sáng tạo vào
các chặng đường cách mạng tiếp theo.
Gần 80 năm đã trôi qua, song cuộc Cách
mạng Tháng Tám 1945 vẫn vẹn nguyên tầm vóc và giá trị lịch sử, là niềm
tự hào thôi thúc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiếp tục phát huy
truyền thống đại đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vì mục
tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Theo TTXVN