Chiều 15-8, tại Nhà Quốc hội,
tiếp tục chương trình tại Phiên họp chuyên đề pháp luật, dưới sự chủ trì
của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó chủ tịch
Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Tại sao không bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là tổ chức?
Trình bày Tờ trình của Chính phủ tại Phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội,
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, dự thảo luật lần
này sửa đổi khái niệm người tiêu dùng theo hướng làm rõ người tiêu dùng
chỉ là cá nhân mua, bán sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không vì mục đích
thương mại. Việc sửa đổi nêu trên nhằm tạo căn cứ xác định chính xác
người tiêu dùng trong quá trình thực thi các quy định pháp luật về bảo
vệ quyền lợi người tiêu dùng.
|
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trình bày tờ trình. |
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường do Chủ
nhiệm Lê Quang Huy trình bày cho thấy, nhiều ý kiến của Thường trực ủy
ban đề nghị cân nhắc, nghiên cứu giữ lại đối tượng là “tổ chức” trong
khái niệm “người tiêu dùng”. Khái niệm này đã được sử dụng ổn định từ
Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999, Luật Bảo vệ quyền
lợi người tiêu dùng hiện hành và trên thực tế cũng có nhiều trường hợp
tổ chức mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng; kinh
nghiệm quốc tế cũng cho thấy cần bảo vệ quyền lợi của nhóm đối tượng
này. Do đó, cần cân nhắc giữ lại đối tượng “tổ chức” hoặc làm rõ căn cứ
thuyết phục cho việc loại bỏ đối tượng này trong dự thảo luật.
Đây cũng là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong
phiên thảo luận chiều 15-8. Cho ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy
ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng có quan điểm tương tự khi cho rằng
tổ chức cũng cần được bảo vệ quyền lợi với tư cách là người tiêu dùng.
Ví dụ như trường hợp tổ chức đó mua hàng hóa, sản phẩm dịch vụ cho các
thành viên, người lao động của tổ chức đó sử dụng, thì quyền lợi của họ
sẽ được bảo đảm như thế nào?
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: DUY LINH |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
cho rằng, theo quy định hiện hành thì người tiêu dùng bao gồm cả cá
nhân và tổ chức. Dự thảo luật lần này loại đối tượng là tổ chức, chỉ giữ
lại đối tượng là cá nhân là một sự thay đổi chính sách rất lớn. Tuy
nhiên, trong hồ sơ dự án luật, trong đó có báo cáo thuyết minh, giải
trình chưa đủ rõ vì sao có sự thay đổi chính sách rất lớn như thế?
Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
nói, quy định như vậy nhằm tập trung nguồn lực giải quyết các yêu cầu,
khiếu nại liên quan đến cá nhân, nhóm đối tượng yếu thế trong giao dịch,
không phải phân tán trong việc bảo vệ tổ chức vốn được trang bị đầy đủ
kiến thức và nguồn lực để bảo đảm vị thế cân bằng với các tổ chức, cá
nhân kinh doanh khác.
Đồng thời, pháp luật về cạnh tranh thương mại cũng đã có cơ chế có
thể được sử dụng để bảo vệ quyền lợi của tổ chức. Đa số các nước trên
thế giới hiện nay cũng lựa chọn cách tiếp cận khái niệm người tiêu dùng
là cá nhân.
Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dịch vụ công như thế nào?
Cũng liên quan tới đối tượng và phạm vi áp dụng, Chủ tịch Quốc hội
Vương Đình Huệ đặt vấn đề về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dịch
vụ công như thế nào? Dịch vụ công bao gồm có dịch vụ quản lý nhà nước,
chẳng hạn như chúng ta đang cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,
mức độ 4; dịch vụ sự nghiệp công, chẳng hạn như các dịch vụ về y tế,
giáo dục; dịch vụ công ích, chẳng hạn như điện, nước sạch, vệ sinh môi
trường…
|
Quang cảnh phiên họp. |
Mảng dịch vụ này rất lớn, cung cấp những sản phẩm dịch vụ thiết yếu,
liên quan trực tiếp tới toàn dân, nhưng dường như chưa được đề cập tới
trong dự luật. Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi: Luật hiện hành đã quy định
nội dung này chưa? Nếu Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa quy
định nội dung này thì có luật nào quy định chưa? Lần sửa đổi luật này có
đặt ra vấn đề bao quát cả mảng dịch vụ này không?
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo
nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng về chính sách đặc thù trong điều kiện
chuyển đổi số, nhất là những vấn đề liên quan tới bảo vệ dữ liệu cá
nhân, giao dịch điện tử…
|
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: DUY LINH |
Dự luật cũng cần bảo đảm tính tương thích với 10 lĩnh vực pháp luật
khác, bao gồm Bộ luật Dân sự; pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân; bảo
vệ quyền lợi của người tiêu dùng thuộc nhóm yếu thế; pháp luật về xử lý
vi phạm hành chính; pháp luật về giao dịch điện tử; pháp luật về tố tụng
như hòa giải, thương lượng, đối thoại; tương thích với pháp luật về
quảng cáo; pháp luật về cung ứng dịch vụ công; các điều ước quốc tế và
hợp tác quốc tế…
Trả lời về các vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
cho biết, việc cung cấp dịch vụ công thuộc lĩnh vực dịch vụ công ích
cũng thuộc đối tượng điều chỉnh của dự luật này.
Đây là lần đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án
Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi). Dự kiến, dự luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ tư.
Theo qdnd.vn