Sáng 17.8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh
Chính dự sự kiện "Hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và Ngày hội
việc VNUA – 2022" do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức.
Sự kiện nhằm thực hiện Nghị quyết số
19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp,
nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số
1665/QĐ-TTg về việc “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm
2025”; Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Hỗ trợ hệ
sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.
Cùng dự có Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn; Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo các bộ, ban,
ngành của Trung ương và thành phố Hà Nội. Đặc biệt, sự kiện có sự tham
gia trực tiếp và trực tuyến của 15.000 sinh viên, 120 doanh nghiệp, nhà
tuyển dụng, 700 hiệu trưởng các trường Trung học phổ thông, 3.000 học
sinh Trung học phổ thông và 1.300 giáo viên của Học viện.
Tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ và các
đại biểu tham quan các mô hình, các sản phẩm khoa học công nghệ, sản
phẩm của các doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ của Học viện và các đối
tác, với các sản phẩm thuộc các lĩnh vực dược phẩm, phân bón, sinh vật
cảnh, hoa cây cảnh, nấm, vi tảo...
Thực hiện Đề án 1665 của Chính phủ về
việc "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025", từ năm 2014
đến nay, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đăng cai tổ chức cuộc thi Khởi
nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo hàng năm. Cuộc thi thu hút hơn 2.500
dự án khởi nghiệp từ hàng trăm trường Đại học, Cao đẳng, trường Trung
học phổ thông, các địa phương tham gia, trong đó trên 50% số dự án là
của sinh viên Học viện. Cùng với đó, sự kiện này hàng năm có khoảng
3.000-4.000 vị trí việc làm được các doanh nghiệp tuyển dụng.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính
phủ Phạm Minh Chính khẳng định, nông nghiệp là lợi thế của nước ta, thế
giới dù có thay đổi thế nào thì con người vẫn cần lương thực, thực phẩm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ vai trò quan trọng của nông nghiệp đối
với nước ta, Người dạy: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền
kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu.
Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”.
Phát triển nông nghiệp là một trong
những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã
hội của đất nước. Nông nghiệp đã, đang và sẽ vẫn luôn là trụ đỡ của nền
kinh tế, góp phần ổn định đời sống nhân dân. Hơn 2 năm qua, đại dịch
COVID - 19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội. Trong bối cảnh đó,
ngành nông nghiệp đã thể hiện vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế và an
ninh lương thực nước ta; và chúng ta đã trở thành một trong những nước
xuất khẩu nông lâm thủy sản hàng đầu trên thế giới với trị giá hơn 48 tỷ
USD năm 2021.
Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã ban
hành nhiều Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị liên quan đến nông nghiệp, nông
dân, nông thôn. Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII đã ban hành 3 Nghị
quyết liên quan đến nông nghiệp. Theo đó, nông nghiệp, nông dân, nông
thôn có vai trò, vị trí chiến lược trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng quan trọng để phát triển nhanh, bền
vững kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu;
giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo tồn và phát
huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
cho nông nghiệp đã được Đảng, Nhà nước ta chú trọng từ sớm. Học viện
Nông nghiệp Việt Nam, tiền thân là Trường Đại học Nông Lâm đã được thành
lập (ngày 12.10.1956), đây là một trong 4 trường đại học đầu tiên của
cả nước.
Cũng theo Thủ tướng, Đảng, Nhà nước ta
rất quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Thủ tướng Chính
phủ đã ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30.10.2017 về việc phê
duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, với
ba nội dung lớn là: Hỗ trợ đào tạo khởi nghiệp, tạo môi trường khởi
nghiệp và hỗ trợ vốn cho các dự án khởi nghiệp.
Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc
gia và nền kinh tế về đổi mới sáng tạo toàn cầu và có hơn 1.000 tổ chức
có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, 100% cơ sở đào tạo có kế hoạch hỗ trợ
học sinh, sinh viên khởi nghiệp.
Thủ tướng cho rằng, đối với một đất nước
“lấy canh nông làm gốc”, khởi nghiệp nông nghiệp phải dựa vào 3 trụ
cột: Đào tạo nâng cao năng lực khởi nghiệp; tạo dựng môi trường khởi
nghiệp và hỗ trợ vốn và pháp lý cho thanh niên và những người muốn khởi
nghiệp. Đây là khâu đột phá cho sự phát triển nông nghiệp và xây dựng
nông thôn mới.
Nhân sự kiện, Thủ tướng mong muốn thông
qua Ngày hội việc làm, Học viện Nông nghiệp nói riêng và các cơ sở giáo
dục đại học, cơ sở nghiên cứu nói chung cần tiếp nhận các yêu cầu đào
tạo và nghiên cứu khoa học từ thực tiễn, lắng nghe ‘tiếng nói’ của thị
trường lao động để xác định chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo
phù hợp, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học,
đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thực tế của người học và tiêu chí
tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Trong đào tạo và nghiên cứu khoa học
phải sát với nhu cầu của thực tiễn. Muốn vậy, phải chuyển đổi mạnh mẽ
phương pháp đào tạo, coi người học là trung tâm của quá trình đào tạo,
gắn đào tạo với thực tiễn, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong
học sinh, sinh viên.
Thủ tướng đề nghị phát triển hệ sinh
thái đổi mới sáng tạo, trong đó cần thúc đẩy hơn nữa tinh thần khởi
nghiệp của học sinh, sinh viên, giúp các em thay đổi tư duy, nhận thức,
dám nghĩ, dám làm và có khát vọng lớn để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện
thực.
Các trường cần tạo ra một môi trường
giảng dạy sáng tạo, liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp,
cho các em “không gian” để thử nghiệm kiến thức đã học trong việc giải
quyết những bài toán tình huống thực tế không chỉ trên giảng đường mà
quan trọng hơn là từ thực tiễn sản xuất kinh doanh, từ thực tiễn cuộc
sống.
Đối với các em học sinh, sinh viên, Thủ
tướng cho rằng, điều quan trọng là cần hình thành hoài bão, lý tưởng;
trang bị cho mình thật nhiều kiến thức chuyên môn, kiến thức xã hội, kỹ
năng chuyên môn và kỹ năng sống trong môi trường với thị trường lao động
mở, cạnh tranh. Thủ tướng chúc các em sẽ khởi nghiệp thành công và có
những đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định,
chính doanh nghiệp - nhà tuyển dụng mới là nơi đặt ra đề bài cho bài
toán giáo dục. Do đó, các doanh nghiệp, doanh nhân cần gắn kết chặt chẽ,
đồng hành và hỗ trợ hơn nữa cho giáo dục đại học, tham gia tích cực vào
quá trình đào tạo từ việc dự báo nhu cầu lao động, ký hợp đồng đặt hàng
đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra, nội dung, cấu trúc của chương trình đào
tạo, đánh giá chất lượng đào tạo, hỗ trợ quỹ ươm mầm sáng tạo và nghiên
cứu khoa học, hỗ trợ sinh viên, hỗ trợ phát triển nhân tài, tạo môi
trường để các em cọ xát thực tế, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp…
Tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm
Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, đại biểu đã thực
hiện nghi thức cắt băng khai mạc "Hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng
tạo và Ngày hội việc VNUA – 2022".
* Sáng cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ có
buổi làm việc với cán bộ chủ chốt, chuyên gia, nhà khoa học của Học
viện Nông nghiệp Việt Nam.
Báo cáo với Thủ tướng tại cuộc làm việc,
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện cho biết, hiện nay
Học viện có gần 700 giảng viên, trong đó có hơn 100 Giáo sư, Phó Giáo
sư, hơn 300 Tiến sĩ, hơn 100 Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú.
Trải qua hơn 65 năm xây dựng và phát
triển, Học viện đã đào tạo trên 100.000 kỹ sư/cử nhân, 10.000 thạc sỹ,
gần 600 tiến sỹ. Nhiều cựu sinh viên của Học viện đã và đang đảm nhận
những vị trí quan trọng trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị,
tổ chức chính trị - xã hội và doanh nghiệp. Kết quả điều tra trong 5 năm
gần đây cho thấy, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp
luôn ở mức cao, đạt trên 90%.
Năm 2022, Học viện đào tạo 47 ngành
trình độ đại học. Bên cạnh những ngành truyền thống, hiện Học viện đã
đào tạo nhiều ngành mà xã hội có nhu cầu rất cao hiện nay như Công nghệ
sinh học, Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Kinh tế số, Logistic
và Quản lý chuỗi cung ứng, Ngôn ngữ Anh…
Tại cuộc làm việc, các chuyên gia, nhà
khoa học của Học viện trao đổi, đề xuất với Thủ tướng nhiều vấn đề đang
được Đảng, Nhà nước và xã hội đặc biệt quan tâm như việc triển khai Nghị
quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về tuyển sinh,
đào tạo đại học; vấn đề tự chủ đại học; đào tạo theo cơ chế Nhà nước đặt
hàng; việc thúc đẩy giá trị hóa, thương mại hoá các kết quả nghiên cứu
khoa học công nghệ thông qua các doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ...
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng
Phạm Minh Chính khẳng định, Học viện Nông nghiệp Việt Nam là một trong 4
trường đại học được thành lập đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hoà sau khi nước ta giành được độc lập.
Trải qua 66 năm xây dựng và trưởng
thành, Học viện Nông nghiệp Việt Nam luôn xứng đáng cánh chim đầu đàn
trong đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển nông
nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và đánh
giá cao những cố gắng và kết quả rất ấn tượng của ngành nông nghiệp và
phát triển nông thôn, trong đó có những đóng góp tích cực của Học viện
Nông nghiệp Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao đề xuất
của Học viện về doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ (spin-off). Đây là mô
hình gắn kết giữa nhà trường với xã hội, nhiều trường đại học hàng đầu
trên thế giới đang áp dụng và thành công như ở Hà Lan, Mỹ, Australia...
Mục tiêu quan trọng nhất của các doanh nghiệp spin-off là nhanh chóng
thương mại hóa các kết quả nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ra thị trường,
để khoa học công nghệ nhanh chóng trở thành sức mạnh vật chất, tạo
thành của cải và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng cho biết, Đảng, Nhà nước ta
luôn coi nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật
thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng
trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng
to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng
với biến đổi khí hậu, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an
ninh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam.
Thủ tướng nhất quán với quan điểm “phải
chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp”. Để nông
nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, hiệu quả và sức cạnh tranh cao,
phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa kinh nghiệm truyền thống với khoa học
công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo.
Với trọng trách là một cơ sở đào tạo lớn
trong lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng đề nghị Học viện tiếp tục bám sát
chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển nông
nghiệp, nông dân, nông thôn để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đào tạo nguồn
nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp phát triển nông nghiệp và
nông thôn.
Việt Nam là nước xuất khẩu hàng đầu trên
thế giới về nông sản, Học viện cần phải trở thành một trường Đại học
hàng đầu trên thế giới về nông nghiệp. Muốn vậy, Học viện phải không
ngừng đổi mới tư duy dạy và học, thay đổi phương thức cung cấp kiến thức
cho người học, đào tạo phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của người
học, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Phải gắn đào
tạo với nghiên cứu chuyển giao công nghệ tạo ra sản phẩm mới; thu hút
cán bộ, sinh viên tham gia vào các hoạt động đào tạo, nghiên cứu.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Học
viện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nhà giáo cho đội
ngũ cán bộ, giảng viên, phấn đấu tăng nhanh tỷ lệ giảng viên có trình
độ cao. Các thầy, cô giáo phải là tấm gương sáng về tự học và sáng tạo
để sinh viên noi theo.
Đồng thời quan tâm, chăm lo đến đời sống
tinh thần và vật chất, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, giảng viên, công
nhân viên của mình nhằm động viên, khích lệ sự đoàn kết, gắn bó xây dựng
Đảng bộ Học viện trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh
đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Quan tâm công tác
phát triển Đảng trong sinh viên.
Học viện phải tạo điều kiện thuận lợi và
khuyến khích để sinh viên học tập, nghiên cứu, tự bồi dưỡng, tự rèn
luyện kiến thức, nhân cách, lý tưởng, hoài bão, phát huy năng lực bản
thân. Học viện phát huy và đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp trong sinh
viên và cả tập thể cán bộ, giảng viên, nhà khoa học của Học viện; có các
chính sách cụ thể khuyến khích sinh viên khởi nghiệp, coi đây là nhiệm
vụ chính trị quan trọng của Đảng ủy, Ban Giám đốc, các đoàn thể.
Đồng thời, cần phải đặc biệt quan tâm
đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống
và chăm lo đời sống, sinh hoạt của học sinh, sinh viên ngày càng tốt
hơn. Quan tâm bảo đảm tốt các điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật và
các phương tiện phục vụ để sinh viên chủ động, sáng tạo trong học tập và
tham gia nghiên cứu khoa học.
Thủ tướng đề nghị Học viện chủ động phối
hợp với các cơ quan liên quan, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các
nhà khoa học của Học viện tham gia vào thực tiễn phát triển nông nghiệp
và xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, nâng cao hàm
lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm nông nghiệp để nâng cao khả năng
cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Cùng với đó, tăng cường hợp tác quốc tế
để tranh thủ nguồn lực, kiến thức khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao
trình độ giảng dậy, nghiên cứu; mở rộng các hình thức liên kết đào tạo
đa dạng với các doanh nghiệp, tổ chức xã hội nhằm bảo đảm chất lượng học
viên đào tạo ra trường có năng lực, có công ăn việc làm.
Thủ tướng mong muốn các thầy giáo, cô
giáo, các chuyên gia, nhà khoa học và sinh viên của Học viện Nông nghiệp
Việt Nam phát huy truyền thống của một trường Đại học Anh hùng, thi đua
giảng dạy, học tập, nghiên cứu sáng tạo và khởi nghiệp thanh công, để
đạt được nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa, tiếp tục tô thắm thêm truyền
thống vẻ vang của Học viện, thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ
Chí Minh khi Người về thăm Học viện ngày 24.5.1959 “Đoàn kết chặt chẽ,
cố gắng không ngừng, để tiến bộ mãi”.
Đối với các ý kiến trao đổi và đề xuất
của các chuyên gia, nhà khoa học của Học viện, cùng với lãnh đạo các bộ,
ngành, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, ghi nhận, giải đáp một phần
các vấn đề, đồng thời yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ
Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục trao
đổi thêm với Học viện; tiếp thu, nghiên cứu, giải quyết theo thầm quyền,
phù hợp tình hình thực tế; những vấn đề vượt thẩm quyền thì tổng hợp,
trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Theo TTXVN