Đất và Người xứ Đông
Không gian đậm nét xưa ở đình An Nghĩa
08/09/2022 09:55:41

Nằm ở trung tâm thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng), đình An Nghĩa vẫn giữ được không gian xưa yên bình với quy mô lớn, kiến trúc đẹp.
 

Không gian yên bình ở đình An Nghĩa
 
Nơi thờ người giúp vua Hùng đánh giặc

Đình An Nghĩa thờ thành hoàng làng là Đào Thanh Vân, người thứ 2 trong 5 anh em họ Đào, từng có công giúp vua Hùng Duệ Vương dẹp loạn vùng Tuyên Quang và đánh giặc Thục. Theo thần tích còn lưu lại tại địa phương, vào thời vua Hùng Duệ Vương, tại thành Phong Châu có 1 người họ Đào, tên húy là Tạo, thường gọi Tạo Công, là người thông minh xuất chúng, được vua cử làm quan ở huyện Đa Cẩm (nay là huyện Cẩm Giàng).

Sau này Tạo Công nên duyên với Quý Nương. Quý Nương quê ở trang Cách Chỉ (nay là thị trấn Lai Cách), là cháu vua Hùng Duệ Vương. Hai vợ chồng Tạo Công sinh được 5 anh em họ Đào, trong đó người con thứ 2 là Đào Thanh Vân. Khi trưởng thành cả 5 người đều khôi ngô tuấn tú, tinh thông kim cổ, văn võ kiêm toàn, được vua tin dùng lo việc chính sự.

Giai đoạn này, tại vùng đất nay là Tuyên Quang có 4 anh em trai họ Trương tổ chức thành đội quân cố ý làm loạn, gây oán hận trong nhân dân, triều đình nhiều lần cử tướng sĩ đánh dẹp mà không được. Lúc này 5 anh em xin vua cho phép cầm quân dẹp loạn. Nhà vua lập tức đồng ý, cấp cho 70 vạn quân lên đường dẹp giặc cướp.

Nhờ sự anh dũng, mưu trí của 5 anh em, chẳng mấy chốc bọn tạo phản đã được dẹp yên. Thắng trận trở về, 5 anh em được nhà vua mở tiệc chúc mừng, ban thưởng nhiều vàng bạc, châu báu và miễn cho trang Cách Chỉ binh lương, thuế khóa. Sau đó 5 anh em trở về trang Cách Chỉ sinh sống.

Về quê, 5 anh em dạy dân việc nông trang, canh cửi, được nhân dân tin yêu. Một thời gian sau 5 anh em tiếp tục xin vua ra trận đánh đuổi quân Thục xâm chiếm và giành được chiến công oanh liệt. Sau này cả 5 anh em lần lượt qua đời, nhà vua thương tiếc, ghi nhớ công lao, cho phép trang Cách Chỉ đón thần hiệu về và lập miếu phụng thờ, sai quan quân triều đình về tế lễ. Triều đình cũng giao cho làng An Nghĩa thờ người anh thứ 2 là Đào Thanh Vân, các làng khác thờ cha mẹ và 4 người còn lại. Tương truyền, đến các triều đại Trần, Lê, Nguyễn, 5 anh em đã linh thiêng hiển ứng và được các triều đại ban nhiều sắc phong.

Trong kháng chiến chống Pháp, ngôi đình tiếp tục là nơi tập trung lực lượng du kích địa phương và bộ đội chủ lực, phục kích các đoàn tàu hỏa của địch trên đường sắt, các xe vận tải của địch trên đường 5 và tập kích các đồn bốt xung quanh xã. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1967-1974), ngôi đình là trụ sở làm việc của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Cẩm Giàng. Đặc biệt, đây là địa điểm được đồng chí Lê Thanh Nghị, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước làm việc với cán bộ và nhân dân huyện Cẩm Giàng về vấn đề phát triển sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Kiến trúc đẹp
 

Chi tiết trên các bức chạm thể hiện trình độ nghệ thuật cao của nghệ nhân dân gian tại đình An Nghĩa
 
Hiện ngôi đình còn lưu giữ được tương đối nguyên vẹn kiến trúc qua nhiều thế kỷ mà nhiều di tích khác đến nay không còn. Đình được khởi dựng vào thời hậu Lê (thế kỷ XVIII) trên một khu đất cao ráo, trùng tu nhiều lần vào thời Nguyễn. Những năm gần đây, đình cũng được nhân dân địa phương quan tâm tôn tạo.

Di tích có kiến trúc chữ nhị, gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung. Tòa đại bái gồm 3 gian chính và 2 gian dĩ với chiều dài gần 19 m, rộng gần 8,7 m. Ba gian giữa toà đại bái có 2 vì kèo gian trung tâm, kết cấu kiểu chồng giường; 2 vì kèo gian cạnh kiểu kẻ chuyền, giá chiêng. Tại gian trung tâm, 2 vì kèo chính gồm các chi tiết liên kết tạo thành vì kèo hoàn chỉnh; bẩy hiên, cột quân (đường kính 40 cm), xà lách, các con thuận, cột cái (đường kính 47 cm), câu đầu, các con giường, đấu liên kết nhau ở phía trước và phía sau khá chặt chẽ.

Tại 2 vì kèo này, có 8 bức cốn trên xà lách, các con thuận. Đề tài chủ yếu của các bức chạm là "tứ linh". Các chi tiết như rồng hút cá chép, rùa núp dưới lá sen, chim phượng sải cánh bay cao được các nghệ nhân xưa thể hiện rất sinh động bằng lối chạm lộng, chạm kênh bong, biến các chi tiết gỗ khô cứng trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Ngoài các bức cốn, tại 2 vì kèo này còn một số bức chạm trên đấu, câu đầu, đặc biệt 4 đầu dư là 4 tác phẩm nghệ thuật. Các đầu dư được các nghệ nhân tạo hình 4 con rồng theo lối điêu khắc mộc thời Nguyễn điển hình, các đường nét trên đầu dư sinh động, toát lên vẻ uy nghiêm của linh vật.

Ông Vũ Xuân Việt, Phó Bí thư Chi bộ thôn Nghĩa, Thủ từ ngôi đình cho biết ngôi đình được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2005, có quy mô lớn, kiến trúc đẹp. Đây là công trình hiếm hoi còn giữ được cơ bản nguyên vẹn quy mô và kiến trúc chưa bị xuống cấp sau hàng trăm năm tồn tại. Đình rất cần được các cấp, ngành liên quan tiếp tục quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị.
Về Trang Chủ
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TUYÊN GIÁO HẢI DƯƠNG
Địa chỉ: Số 104 Trần Hưng Đạo, TP Hải Dương
Giấy phép số 733/GP-STTTT do Sở TT&TT Hải Dương cấp ngày 12/12/2014
Điện thoại: (03203) 852609 Fax: (03203) 837768  Email: trangtintghd@gmail.com
Trưởng Ban Biên Tập : Ông Nguyễn Quang Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Số lượt truy cập
Đang truy cập: 3
Hôm nay: 8
Tháng này: 1,825
Tất cả: 28,140