Những người di cư được đưa vào bờ từ tàu 'BF Ranger' của Lực lượng Biên
phòng Anh ở Dover, khi cố vượt Eo biển Manche từ Pháp để sang Anh, ngày
6.3.2023
Trả lời phỏng vấn ở Geneva (Thụy Sĩ),
ông Turk cho biết từ góc độ của luật tị nạn quốc tế và luật nhân quyền
quốc tế, Liên hợp quốc (LHQ) rất quan ngại về Dự luật Di trú bất hợp
pháp mới của Anh, vì văn bản này sẽ cấm mọi người xin tị nạn vào Anh.
Ông đã chính thức bày tỏ quan ngại về dự luật này với phía Anh vào tháng
4 vừa qua. Ông nhận định các nước phát triển đang sử dụng các luật và
quy định để hạn chế người nhập cư, dù số người được nhập cư vào các quốc
gia này ít hơn hẳn so với các nước nghèo hơn như Uganda và Bangladesh.
Anh và khoảng 150 quốc gia khác đã phê chuẩn Công ước 1951 về Quy chế tị
nạn của LHQ. Tuy nhiên, theo ông Turk, quy chế này đang không được tôn
trọng. Ông cũng lấy ví dụ quy định nhập cư mới của Mỹ gây khó khăn cho
việc xin tị nạn ở biên giới, song ông hoan nghênh việc chính quyền Tổng
thống Joe Biden đã nỗ lực giải quyết vấn đề trên bằng việc tạo ra các
tuyến đường di cư an toàn.
Cùng ngày, người phát ngôn phái Bộ Ngoại giao Anh ở Geneva khẳng định
các chính sách mới của nước này là hợp pháp và tuân thủ công ước của LHQ
về quy chế tị nạn, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục thảo luận với Cao ủy
LHQ về dự luật trên.
Trước đó, Hạ viện Anh đã thông qua Dự luật Di trú bất hợp pháp do chính
phủ đệ trình. Quy định mới sẽ ngăn chặn người đến Anh bằng thuyền nhỏ
xin tị nạn, buộc họ hồi hương hoặc sang các nước thứ ba an toàn, như
Rwanda. Dự luật cũng có những nội dung sửa đổi bao gồm việc làm rõ các
trường hợp hạn chế trục xuất đối với trẻ em không có người đi kèm và cam
kết vạch ra “các tuyến đường an toàn và hợp pháp” cho những người xin
tị nạn ở Anh. Dự luật đang được chuyển đến Thượng viện Anh để xem xét.
Theo TTXVN