Tin trong nước
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
22/09/2022 03:37:36

Tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật, sáng 22-9, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Luật Đất đai (sửa đổi) là 1 trong 4 dự án luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9-2022.

Phát biểu tại buổi khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là dự án luật cho ý kiến lần đầu, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ tư sắp tới và sẽ được xem xét, thông qua sau 3 kỳ họp.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) này sẽ thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Thời gian qua, các cơ quan của Quốc hội đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm về lĩnh vực này. Tại diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022 vừa qua, các đại biểu, chuyên gia, nhà quản lý đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu về lĩnh vực đất đai tại phiên hội thảo chuyên đề.

Phát biểu điều hành nội dung thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau gần 8 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013 đã tạo ra hành lang pháp lý cho việc khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đất đai đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Tuy nhiên, luật cũng bộ lộ nhiều bất cập, hạn chế, ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai, hiệu quả sử dụng đất, tài chính đất đai: Vi phạm về đất đai còn diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc nghiêm trọng, phải xử lý hình sự, chưa bảo đảm hài hòa quyền lợi của người dân bị thu hồi đất, nguồn lực đất đai chưa được khai thác, phát huy đầy đủ. Vì vậy, Chính phủ đã tổng kết, đánh giá việc thực hiện và đề nghị sửa đổi luật với 11 nhóm chính sách lớn.

Nhấn mạnh đây là dự án luật khá phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, là nhiệm vụ lập pháp quan trọng của nhiệm kỳ, Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về các vấn đề trong dự án luật như: Sự cần thiết sửa đổi Luật Đất đai; tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; các quy định về áp dụng pháp luật; người sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp đất chưa được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: thu hồi đất, trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
 Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn

Tại phiên họp, đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai và nhấn mạnh việc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cũng là một trong những nhiệm vụ lập pháp trọng tâm đã được đề ra trong Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5-11-2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Nói rõ về tính thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đề nghị trong quá trình soạn thảo cần lưu ý, bảo đảm sự phù hợp, tương thích giữa Luật Đất đai và các luật có liên quan, thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 18-NQ/TW là đến năm 2023, hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Đồng thời, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị rà soát, đánh giá kỹ hơn về tính tương thích của dự thảo luật với với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên...

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cũng đánh giá, hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Điều 64, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đề nghị tiếp tục hoàn thiện hồ sơ tài liệu dự án luật để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư (tháng 10-2022).

Theo qdnd.vn
Về Trang Chủ
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TUYÊN GIÁO HẢI DƯƠNG
Địa chỉ: Số 104 Trần Hưng Đạo, TP Hải Dương
Giấy phép số 733/GP-STTTT do Sở TT&TT Hải Dương cấp ngày 12/12/2014
Điện thoại: (03203) 852609 Fax: (03203) 837768  Email: trangtintghd@gmail.com
Trưởng Ban Biên Tập : Ông Nguyễn Quang Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 25
Tháng này: 2,079
Tất cả: 34,379