Tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề Pháp luật tháng 9-2022,
sáng 21-9, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần
Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Sửa luật để giữ chân cán bộ y tế
Cho ý kiến về dự thảo luật, đánh giá cao quá tình tiếp thu, giải
trình và chỉnh lý dự thảo Luật, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định
chia sẻ, không gì so sánh được sự hy sinh của đội ngũ cán bộ y tế trong
lịch sử từ xưa đến nay, nhất là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua thì sự hy sinh gian khổ ”không kém gì trên chiến trường”.
Theo Phó
chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, cán bộ, nhân viên y tế đang rất
mong đợi có Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới – một khuôn khổ pháp lý mới,
thuận lợi hơn để thực thi nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn,
công bằng, bình đẳng hơn.
”Tuy nhiên, nếu Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) ban hành được sớm
thì tốt nhưng cũng không nên vội vàng, bởi nếu luật khắc phục được một
số hạn chế hiện nay nhưng lại “đẻ ra” những hạn chế mới thì có khi lại
còn khó khăn hơn”, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói.
Do đó, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc định đề nghị Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế dành
thời gian, huy động lực lượng chuyên gia, cán bộ, cùng với Ủy ban Xã
hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp tục rà soát để hoàn thiện dự án
luật trình Quốc hội thảo luận, nếu đủ điều kiện để thông qua sớm được là
tốt nhất.
|
Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp. Ảnh: VPQH. |
Đáng chú ý, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề cập đến tình
trạng đội ngũ cán bộ y tế chuyển từ khu vực công sang khu vực tư, mà
theo một số quan điểm là ”chảy máu chất xám”.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, nhân lực đó vẫn ở trong
quốc gia mình, nhân dân vẫn được hưởng thì không thể xem là chảy máu
chất xám. "Đấy là do cơ chế chính sách, công sử dụng không tốt thì anh
em chuyển sang tư, vẫn đóng góp cho đất nước mình. Tuy nhiên, mình cũng
phải sửa chính sách để giữ cán bộ", Phó chủ tịch Quốc hội nói.
Có nên cấm khuyến mại người đến khám bệnh, chữa bệnh?
Báo cáo về việc dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật
Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội
Nguyễn Thúy Anh lưu ý đến các hành vi bị cấm trong dự thảo luật; trong
đó có đề nghị cấm hành vi thu dung, khuyến mại người đến khám bệnh, chữa
bệnh.
Về vấn đề này, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, có hai loại ý kiến
khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất cho rằng không nên cấm các cơ sở khám
bệnh, chữa bệnh, khuyến mại vì việc này phù hợp với quy định của pháp
luật hiện hành. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, khuyến mại nếu áp dụng với
dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh sẽ có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người
bệnh, gây lãng phí xã hội..., cần quy định cấm tương tự như cấm khuyến
mại thuốc chữa bệnh trực tiếp cho người dùng.
Nhấn mạnh đây là vấn đề phức tạp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc
hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu thực tiễn để cụ thể hóa, bổ sung vào các
quy định cấm cho phù hợp.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần
Thanh Mẫn chỉ rõ, đến nay vẫn còn một số nội dung lớn của dự thảo luật
chưa thống nhất, chưa quy định cụ thể, chưa đáp ứng được yêu cầu khắc
phục những vướng mắc, bất cập của luật hiện hành; một số vấn đề quan
trọng của hoạt động khám bệnh, chữa bệnh mới được đề nghị bổ sung…
Từ đó, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị đồng chí quyền Bộ
trưởng Bộ Y tế, ngành y tế khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức
năng chuẩn bị trên tinh thần tích cực; còn việc thông qua mấy kỳ họp sẽ
do đại biểu Quốc hội quyết định.
Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, đây là luật có tính chất
xương sống của ngành y tế, định hướng cho công tác quản lý và sự phát
triển bền vững của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, có tác
động lớn đến người dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế, được nhân dân,
ngành y tế mong đợi.
Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội, chúng ta mong đợi
có luật mới nhưng cũng không vội vàng, mà phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng,
bảo đảm chất lượng, bảo đảm tính khả thi và "tuổi thọ" của luật chứ
không thể ban hành năm nay rồi năm sau lại thấy phải sửa.
”Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra chủ động phối hợp với tinh thần cao
nhất, tích cực chuẩn bị nội dung phương án như ý kiến của Ủy ban Thường
Quốc hội để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tư sắp tới”, Phó
chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị.
Theo qdnd.vn