Tham dự phiên họp có các đồng chí: Bí thư Trung ương Đảng, Phó thủ
tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Phó
thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ
Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Tại phiên họp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo một số nhiệm vụ, giải pháp để ứng phó với tình hình.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, do dịch Covid-19,
các nước nới lỏng chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa nên lạm phát
tăng cao. Do đó, các nước phải sử dụng công cụ lãi suất để hút tiền về,
kéo theo hệ lụy là tăng giá trị đồng tiền của các nước, làm giảm giá trị
đồng tiền của các nước khác.
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Dương Giang
|
Đối với Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, quy mô nền kinh
tế nhỏ, sức chống chịu của nền kinh tế không lớn, một biến động nhỏ trên
thế giới cũng tác động tình hình trong nước; trong khi đó, thị trường
lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc… đều có xu hướng bị thu hẹp
lại do khó khăn của nền kinh tế. Tình hình thế giới như trên đã ảnh
hưởng tiêu cực tới tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng, giá trị đồng
tiền, tác động quỹ điều hòa ngoại hối của Việt Nam.
Trước tình hình đó, Thủ tướng chỉ đạo, chúng ta không được hoang
mang, dao động; không lơ là, chủ quan mất cảnh giác; chủ động nắm bắt
tình hình, bình tĩnh, tự tin, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều
hành kinh tế. Theo đó, tiếp tục mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô,
kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của
nền kinh tế.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện thật
tốt Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15-9. Trong đó có các
đánh giá, nhận định, dự báo tình hình; các quan điểm, mục tiêu chỉ đạo;
các nhiệm vụ, giải pháp trước mắt và lâu dài, phân công cụ thể cho từng
bộ, ngành, từng cấp thực hiện.
Thủ tướng lưu ý các quan điểm phải bảo đảm ổn định trong điều kiện
bất định; giữ thế chủ động trước diễn biến phức tạp, khó lường, bất ngờ
của thế giới; kiên định, nhất quán, phù hợp, hiệu quả trước sự tác động
nhiều chiều từ thế giới, trong nước; kiểm soát rủi ro, kịp thời ứng phó
nguy cơ suy thoái và khủng hoảng; tạo dựng phòng tuyến hợp tác cạnh
tranh kinh tế quốc tế trong điều kiện hội nhập hiện nay.
Về định hướng chính sách, Thủ tướng nhấn mạnh phải thực hiện chính
sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt,
hiệu quả. Ngân hàng Nhà nước phải điều hành chủ động, linh hoạt phù hợp
công cụ tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng, lựa chọn thứ tự ưu tiên,
trước mắt nghiên cứu hướng tăng lãi suất huy động; ổn định hoặc giảm
lãi suất cho vay; đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh
nghiệp; đẩy mạnh công tác truyền thông, tránh kỳ vọng tiêu cực.
Thủ tướng yêu cầu thực hiện chính sách tài khóa phải mở rộng, hợp lý,
có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả. Bộ Tài chính tiếp tục chỉ
đạo rà soát giảm thuế, phí, lệ phí, có chính sách hỗ trợ phù hợp cho
người dân, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo công
ăn việc làm; tăng thu, giảm chi, tiết kiệm tối đa chi thường xuyên.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, hai chính sách này (tiền tệ và
tài khóa) phải phối hợp hài hòa, nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả cùng các
chính sách để giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc
đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn.
Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi sát tình hình, kịp
thời phản ứng chính sách; đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công của
3 Chương trình mục tiêu, chương trình đầu tư công quốc gia, chương
trình phục hồi và phát triển kinh tế; thúc đẩy đầu tư.
Bên cạnh đó, phải bảo đảm an ninh, an toàn về tiền tệ, tín dụng, tài
chính, nợ công, lương thực, năng lượng và thông tin; làm tốt công tác
quy hoạch; rà soát hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật để
tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; xử lý kịp thời phát sinh,
giải quyết những vấn đề tồn đọng hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh phát triển
công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ tạo nền tảng vật chất ổn định xã hội,
phát triển trước mắt và lâu dài.
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì bảo đảm
tuyệt đối an ninh lương thực, thực phẩm; đẩy mạnh cơ cấu lại phát triển
sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế nông nghiệp hiệu quả, bền vững;
thúc đẩy xuất khẩu nông sản; khẳng định chuỗi giá trị toàn cầu của
lương thực, trái cây, thủy sản; phải "làm đủ ăn và xuất khẩu".
|
Quang cảnh phiên họp. |
Bộ Công Thương chủ trì thúc đẩy mạnh mẽ thị trường trong nước, mở
rộng quốc tế, thúc đẩy cả cung và cầu; đẩy mạnh cơ cấu lại lĩnh vực
thương mại, dịch vụ, bảo đảm tuyệt đối an ninh năng lượng, không được để
thiếu xăng, dầu, điều hành theo cơ chế kinh tế thị trường có điều tiết
của Nhà nước khi cần thiết; bảo đảm "xuất đủ nhập, có thặng dư".
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải chủ trì phát triển thị
trường lao động bền vững, an toàn, hiệu quả; bảo đảm đủ lao động, không
để thiếu lao động, làm gián đoạn sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy mạnh mẽ
đào tạo lao động có trình độ tay nghề cao đón xu thế chuyển dịch về đầu
tư; làm tốt công tác an sinh xã hội, chú trọng quan tâm người yếu thế,
người dân vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn.
Các cơ quan truyền thông, báo chí phải nắm chắc tình hình, phản ánh
đúng, trúng, khách quan, chân thực, chính xác tình hình, tạo sự đoàn kết
thống nhất trong cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận tin tưởng, ủng hộ
của nhân dân vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, sự điều
hành chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành; trên tinh thần chia sẻ,
cùng vượt qua khó khăn.
Các bộ, ngành, địa phương nắm chắc tình hình, căn cứ chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn, chủ động xử lý theo thẩm quyền; nếu vượt thẩm quyền phải
báo cáo cấp trên có thẩm quyền; tiếp tục chú trọng phát triển văn hóa,
xã hội, môi trường, bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh cải cách hành
chính, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ổn định chính trị,
bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh,
chống biến đổi khí hậu.
"Đây chính là những yếu tố có tính chất nền tảng để chúng ta bảo đảm
ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn;
các bộ, ngành, địa phương phải bám sát, thực hiện", Thủ tướng nhắc nhở.
Theo qdnd.vn