Chùa Huề Trì là trung tâm sinh hoạt tôn
giáo lâu đời của nhân dân thôn Huề Trì, phường An Phụ (Kinh Môn). Ngôi
chùa có nhiều cổ vật, di vật giá trị về mặt lịch sử, khoa học, nghệ
thuật.
Tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn
Chùa Huề Trì thờ Phật theo thiền phái
Đại thừa, một thiền phái phổ biến ở nhiều ngôi chùa tại miền Bắc. Chùa
khởi dựng từ bao giờ hiện chưa thấy tài liệu nào ghi chép. Tương truyền,
chùa từng có quy mô khá lớn, toàn bộ khu nội tự rộng 1,1 mẫu. Công
trình được xây dựng trên mảnh đất rộng, cao ráo, nằm phía đầu thôn, mặt
bằng công trình kiểu “nội công, ngoại quốc”, mặt trước hướng đông-nam.
Xưa kia khuôn viên di tích gồm các công trình như: tam quan, tam bảo,
hậu đường, sân vật, nhà tổ... Chùa được xây bằng gỗ tứ thiết (gỗ lim),
tường xây gạch chỉ, mái lợp ngói mũi truyền thống, xung quanh có nhiều
cây cổ thụ xanh tốt quanh năm.
Toà tiền đường chùa Huề Trì
Trải qua năm tháng và chiến tranh, chùa
Huề Trì vẫn cơ bản giữ được kiến trúc như xưa. Hệ thống cổ vật, di vật
còn được bảo lưu khá nguyên vẹn, từ chất liệu gỗ, gốm, giấy, đá có cách
đây hàng trăm năm. Đặc biệt, ngôi chùa còn lưu giữ được pho tượng Phật
Quan Âm thiên thủ thiên nhãn (Phật bà nghìn mắt nghìn tay) có giá trị
nghệ thuật cao. Tượng đặt chính giữa hàng thứ hai bên trong tòa thượng
điện, làm bằng gỗ khắc họa Phật bà trong tư thế ngồi tọa thiền trên tòa
sen, 2 chân xếp bằng, bàn chân phải đặt trên đùi trái. Tượng cao 160 cm,
gương mặt phúc hậu, trán rộng, tai dài đeo hoa, mặc áo có nhiều nếp gấp
mềm mại. Trên đỉnh đầu (thay cho vương miện) có 5 lớp đầu tượng nhỏ xếp
cao dần, mắt nhìn về 4 hướng. Tượng có 42 tay xếp từng đôi đăng đối
nhau. Hai tay chính để trong lòng trong tư thế “thiền ấn”. Hai tay phía
trước để trước ngực trong thế “kết ấn hộ thân”. Phía sau lưng có hai tay
trong thế chắp lễ. Các tay còn lại xếp dọc hai bên sườn… Trên mỗi bàn
tay đều có con mắt trí tuệ, trong tay cầm nhiều pháp khí dùng hàng phục
ma chướng. Những cánh tay cầm kiếm, búa, tràng hoa, châu báu, vải lụa
gấm vóc, hoa sen, bánh xe pháp, bình tịnh thủy, chày kim cang… tượng
trưng cho mọi ngành nghề trong cuộc sống, đồng thời mang ý nghĩa bồ tát
có đầy đủ năng lực khắc chế sự trói buộc của mọi cảnh trần, không khuất
phục ngoại đạo tà giáo, tuyệt đối bình đẳng trong khi cứu độ chúng sinh,
biểu trưng công đức và phước đức siêu việt.
Hoạ tiết hoa văn chạm khắc trên bệ tượng
Tượng được tạc ngồi trên bệ sen hai tầng
hình lục lăng. Trên thân bệ có nhiều bức chạm hoa sen, cúc, mai và hoa
lá cách điệu. Bệ tượng cao 70 cm, chiều rộng 90 cm và dài 100 cm. Cấu
tạo bệ tượng được chia thành 3 phần: chân, thân và mặt. Chân bệ loe rộng
xuống dưới, chạm khắc 3 lớp cánh sen và hoa lá cách điệu. Thân bệ thót
lại kiểu hình trụ, xung quanh có 6 bức chạm hoa lá. Mặt bệ loe rộng lên
trên, chạm 3 lớp cánh sen. Đây là một tác phẩm điêu khắc nguyên gốc, với
hình thức độc đáo và được coi là một trong những pho tượng đẹp nhất
trong hệ thống tượng thờ Phật tại Hải Dương vào thời hậu Lê thế kỷ thứ
XVIII mà đến nay chưa có pho tượng nào thuộc thời kỳ này có thể so sánh
được.
Về mặt mỹ thuật Phật giáo, tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn xuất hiện ở
Việt Nam từ thời Trần. Tuy nhiên, khi du nhập vào nước ta lại được
những người thợ thủ công khéo léo sáng tạo, làm nên những nét đặc sắc
riêng biệt mang tính bản địa, phù hợp với đời sống văn hóa con người
Việt Nam của từng thời đại. Vì vậy, pho tượng này mang giá trị lịch sử,
văn hóa tiêu biểu, minh chứng rõ nét về quá trình tồn tại và phát triển,
sự ảnh hưởng lâu dài của Phật giáo ở Việt Nam qua các thời kỳ. Những
nét điêu khắc vô cùng tinh xảo và độc đáo trên bức tượng phản ánh rất rõ
tinh thần sáng tạo nghệ thuật, đặc trưng quy trình kỹ thuật-nghệ thuật
tạo tác tượng của những nghệ nhân dân gian xưa khiến cho pho tượng trở
thành vốn quý trong nền nghệ thuật điêu khắc của nước ta.