AN NINH NGUỒN NƯỚC LÀ AN NINH ĐẶC BIỆT
Với quan
điểm “nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu
của sự sống và môi trường, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững
của đất nước”, Việt Nam luôn nỗ lực tăng cường và hoàn thiện thể chế,
chính sách trong lĩnh vực tài nguyên nước. Mới đây, Bộ Chính trị vừa ban
hành Kết luận 36-KL/TW ngày 23/6/2022 về bảo đảm an ninh nguồn nước và
an toàn đập, hồ chứ nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo ước
tính của Liên hợp quốc, năm 2020, hơn 2 tỷ người trên thế giới sinh sống
trong điều kiện không đủ nước uống trong nhà, 771 triệu người phải di
chuyển quãng đường ít nhất 30 phút xa nhà để có nguồn nước sạch và hơn
100 triệu người đang sử dụng nguồn nước uống trực tiếp chưa qua xử lý,
nước chất lượng không bảo đảm. Báo cáo mới nhất của Tổ chức Lương – Nông
Liên hợp quốc (FAO) cũng cho biết có khoảng 2,3 tỷ người hiện đang sống
ở các quốc gia nguy cơ thiếu nước thường trực, với hơn 733 triệu người
(chiếm 10% dân số thế giới) sống ở các nước có nguy cơ ở mức cao và đặc
biệt cao. Dân số thế giới tăng, nhu cầu sử dụng nước nhiều hơn dẫn tới
tình trạng khan hiếm nước và các xung đột vì tranh chấp nguồn nước… Vấn
đề an ninh nguồn nước không chỉ là thách thức của riêng Việt Nam mà là
câu chuyện thế giới đã, đang và sẽ phải đối mặt.
An ninh
nguồn nước là loại an ninh đặc biệt tác động đến sự phát triển bền vững
của đất nước. Tiềm năng tài nguyên nước của Việt Nam khoảng 830-840 tỷ m3,
tuy nhiên an ninh nguồn nước nước ta đứng trước nguy cơ mất đảm bảo và
nguy cơ này sẽ ngày càng gia tăng nếu không kịp thời có những đánh giá
và các biện pháp bảo đảm an ninh nguồn nước.
Trong bối
cảnh thực tế đặt ra gay gắt đó, Bộ Chính trị kịp thời ban hành Kết luận
36-KL/TW, khẳng định mối quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với bảo đảm an
ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước.
Bộ Chính
trị đánh giá công tác bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa
nước hiện nay còn nhiều hạn chế. Cụ thể là, công tác quản trị nguồn nước
còn yếu, chưa hiệu quả; ý thức, trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức,
địa phương và người dân trong việc quản lý, khai thác, sử dụng nước
chưa cao; ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng. Hệ thống pháp luật,
cơ chế, chính sách liên quan đến bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn
đập, hồ chứa nước còn thiếu, chưa đồng bộ. Nhiều công trình thuỷ lợi
xuống cấp; rủi ro, mất an toàn đập, hồ chứa nước có xu hướng gia tăng.
Việc phát triển công nghiệp, đô thị chưa gắn với bảo đảm an ninh nguồn
nước, làm suy giảm số lượng, chất lượng nguồn nước, thậm chí gây mất an
ninh nguồn nước. Hợp tác quốc tế về bảo đảm an ninh nguồn nước hiệu quả
chưa cao...
NHẬN THỨC CHƯA ĐẦY ĐỦ
Nguyên
nhân của những hạn chế yếu kém chịu tác động bởi những yếu tố khách
quan và chủ quan. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường
ngày càng phức tạp, khó lường, các khó khăn đặt ra cho bảo vệ nguồn nước
ngày càng lớn. Việt Nam lại trong hoàn cảnh phụ thuộc nhiều vào nguồn
nước từ các quốc gia thượng nguồn. Trong khi đó, công tác quản lý mặc dù
có nhiều cố gắng nhưng còn nhiều bất cập, thiếu thống nhất; thể chế,
chính sách chậm được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; chưa chú trọng đến
quản trị nguồn nước, kinh tế tài nguyên nước; nguồn lực đầu tư cho bảo
đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước chủ yếu là ngân sách
nhà nước, huy động nguồn lực xã hội còn hạn chế; chế tài xử lý các hành
vi vi phạm chưa nghiêm...
Đáng nói
đầu tiên trong những nguyên nhân chủ quan được chỉ ra là nhận thức của
một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân về bảo đảm an ninh nguồn
nước, an toàn đập, hồ chứa nước, bảo vệ, sử dụng nước chưa đầy đủ. Do
đó, khi đề ra 9 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu, Bộ Chính trị đặt lên
hàng đầu là yêu cầu nâng cao nhận thức về tầm quan trọng bảo đảm an ninh
nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới.
Mục tiêu
tổng quát đến 2005, 2030, 2045 được Bộ Chính trị xác định là nhằm bảo
đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh tỏng mọi tình huống; đáp
ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh
vực, đặc biệt là các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu; mọi người dân,
mọi đối tượng được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý. Chủ động
tích trữ, điều hòa nguồn nước, khai thác, sử dụng hiệu quả đi đôi với
với bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; ứng phó hiệu quả với các thảm
họa, thiên tai liên quan đến nước, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo
vệ môi trường, khắc phục tình trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn
nước.
Mục tiêu cụ thể chia thành 3 giai đoạn:
- Đến năm
2025: Hoàn thành việc lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch có tính
chất kỹ thuật chuyên ngành liên quan đến nước; 95% hộ gia đình ở thành
thị và 60% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy
chuẩn; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước cho sản
xuất, đặc biệt là các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Nam
Trung Bộ, miền núi phía Bắc; cơ bản sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn
các đập, hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp, chưa đủ khả năng chống lũ
theo thiết kế.
- Đến năm
2030: Cân đối đủ nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội;
100% hộ gia đình ở thành thị và 80% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng
nước sạch theo quy chuẩn. Giải quyết căn bản nước sinh hoạt cho các đảo
có đông dân cư; hoàn thiện đồng bộ hệ thống công trình điều tiết nước
mặn, nước ngọt, tích trữ nước trên các lưu vực sông lớn; hoàn thành sửa
chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp, thiếu năng lực
phòng, chống lũ; bước đầu khắc phục tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn
nước nghiêm trọng tại một số lưu vực sông, hệ thống công trình thuỷ lợi
lớn; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu;
xây dựng và vận hành hệ thống theo dõi, đánh giá, giám sát an ninh nguồn
nước quốc gia theo phương thức quản trị nguồn nước của quốc tế.
- Đến năm
2045: Chủ động được nguồn nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế -
xã hội; bảo đảm hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy
chuẩn; dự báo, cảnh báo dài hạn để xử lý ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt
nguồn nước, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu; kiểm soát và khắc
phục tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước tại các lưu vực sông, hệ
thống công trình thuỷ lợi; hoàn thiện chính sách về nước đồng bộ, thống
nhất liên ngành, liên vùng, bảo đảm an ninh nguồn nước.
Để thực
hiện các mục tiêu tổng quát và cụ thể đó, 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ
yếu được Bộ Chính trị yêu cầu là: (1) Nâng cao nhận thức về tầm quan
trọng bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trong tình
hình mới; 2) Hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu
quả quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ
chứa nước; 3) Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thuỷ lợi, tài
nguyên nước và điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng nguồn nước; 4) Chủ
động tích trữ, điều hoà, phân phối nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng
nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội; 5) Nâng cao chất
lượng, hiệu quả quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; 6)
Phòng, chống, giảm thiểu tác động bất lợi do thiên tai liên quan đến
nước và biến đổi khí hậu; 7) Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học
và công nghệ, chuyển đổi số trong bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn
đập, hồ chứa nước; 8) Tăng cường bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sinh
thủy, phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; 9) Tăng cường
bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sinh thuỷ, phòng, chống ô nhiễm, suy
thoái, cạn kiệt nguồn nước; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về bảo đảm an ninh
nguồn nước.
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN NÂNG CAO NHẬN THỨC VÀ HÀNH ĐỘNG
Đứng trước
yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, công tác tuyên truyền, giáo dục
nâng cao nhận thức cần được đẩy cao hơn. Thực hiện Kết luận 36, đối với
nhóm nhiệm vụ giải pháp thứ nhất, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng
bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình
mới, yêu cầu đặt ra là công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận
thức, ý thức trách nhiệm và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về quản
lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu cần
được tăng cường để cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là người đứng đầu
cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp nhận thức đúng, đầy
đủ về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước là nhiệm
vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, liên quan trực tiếp đến đời
sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh
đất nước.
Trên cơ sở
đó xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các cấp, các ngành và người
dân trong thực thi pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và
ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát huy vai trò giám sát của người dân,
cộng đồng; vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính
trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp trong tuyên truyền, vận động
nhân dân quản lý, chủ động tích trữ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Thời
gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước cũng đã triển
khai các hoạt động truyền thông bám sát vào thực tiễn, nhu cầu của cộng
đồng, một số hoạt động truyền thông tiêu biểu như: điều tra, thu thập
thông tin để đánh giá nhu cầu, nhận thức của cán bộ, người dân về bảo vệ
nguồn nước, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn; tổ chức học tập kinh
nghiệm nước ngoài về truyền thông bảo vệ nguồn nước và phòng chống hạn
hán, xâm nhập mặn; Biên soạn và in ấn các tài liệu, sách, tờ rơi, phim…
về bảo vệ nguồn nước và phóng chống hạn hán, xâm nhập; tăng cường tổ
chức các hội chợ, triển lãm, quảng bá sản phẩm thích ứng với điều kiện
thiếu nước; các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng bề
bảo vệ nguồn nước; tổ chức các diễn đàn, hội thảo tuyên truyền nâng cao
nhận thức cho các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị xã hội; các cơ
quan thông tấn, báo chí, phóng viên…. về bảo vệ tài nguyên nước và phòng
chống hạn hán, xâm nhập mặn; Xây dựng và triển khai các chương trình
giáo dục bảo vệ tài nguyên nước: Xây dựng modun hướng dẫn tổ chức các
hoạt động bảo vệ nguồn nước cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở, tổ
chức các chương trình giáo dục, lớp học thí điểm trên cả nước; tăng
cường vận động, phối hợp với các KOLs để truyền tải các thông điệp, hoạt
động truyền thông về bảo vệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên nước
tới cộng đồng; truyền tải thông điệp qua các video ngắn, poster; các
buổi nói chuyện, chia sẻ trực tiếp tại các sự kiện, các trường học, cơ
sở giáo dục, các địa điểm công cộng…; phối hợp đăng tải các thông điệp,
ấn phẩm trên các kênh truyền thông, mạng xã hội...
Thời gian tới, công tác tuyên truyền, giáo dục cần bám sát các tiến trình và sản phẩm của quá trình hoàn
thiện các văn bản pháp luật, chính sách quản lý tài nguyên nước; hoạt
động cung cấp và tiêu thụ nước sạch, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất
lượng nước sạch cấp cho mục đích sinh hoạt. Nâng cao nhận thức về trách
nhiệm của các tổ chức, cá nhân sở hữu công trình tài nguyên nước hoặc
thực hiện các dịch vụ về nước, trách nhiệm, thẩm quyền quản lý về tài
nguyên nước của các Bộ có quản lý ngành sử dụng tài nguyên nước và chính
quyền địa phương các cấp. Phân định rõ giữa quản lý nguồn nước và quản
lý hoạt động khai thác, sử dụng trong các lưu vực sông. Đồng thời với
việc các cơ quan quản lý xây
dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước cần có cơ chế chia sẻ thông tin,
dữ liệu về quản lý tài nguyên nước giữa Trung ương và địa phương. Đồng
thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các biện pháp sự dụng
nước tiết kiệm hiệu quả đến tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức, cá
nhân và cộng đồng dân cư.
Tại
các diễn đàn quốc tế, các chuyên gia cũng đều nhấn mạnh, bên cạnh các
biện pháp chính sách trọng tâm và các thể chế hoạt động hiệu quả hơn
đóng vai trò căn cơ để bảo vệ an ninh nguồn nước, vai trò tham gia của
toàn dân để tiến tới một sự chuyển đổi ý nghĩa trong khai thác và sử
dụng nước rất quan trọng. Sự hưởng ứng và cùng hành động của người dân
cùng các chính sách, sáng kiến, phản biện xã hội sẽ giúp tăng hiệu quả
và năng suất, giảm rủi ro, tạo việc làm và tăng thu nhập cho chính người
dân. Ở góc độ cá nhân, các chuyên gia cho rằng mỗi người có ý thức tự
giác tiết kiệm nước sử dụng, tăng cường bảo vệ môi trường,… sẽ tạo nên
sức mạnh cộng đồng to lớn./.
Theo tuyengiao.vn