Chiều 11-7, tại Hà Nội, Ủy viên
Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây
dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” chủ trì Hội
nghị Thường trực Ban Chỉ đạo làm việc với Ban Cán sự đảng Chính phủ về
dự thảo Đề án.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị:
Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng ban Chỉ đạo; Phan Đình
Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó
trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Phạm Bình Minh, Phó thủ tướng Thường
trực Chính phủ; Đại tướng Phan Văn Giang, Phó bí thư Quân ủy Trung
ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Cùng dự có các Phó thủ tướng Chính phủ;
đại diện một số bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học pháp
lý.
Các ý kiến đóng góp, thảo luận tại hội nghị đánh giá cao dự thảo Đề
án được xây dựng công phu, bài bản, là sản phẩm của trí tuệ tập thể và
đóng góp nhiều ý kiến về nội dung của dự thảo Đề án liên quan đến tổ
chức và hoạt động của Chính phủ; trong đó nhấn mạnh kết quả đạt được và
hạn chế, nhiệm vụ, giải pháp.
|
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Ban Cán sự Đảng Chính phủ về Đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền.
|
Cùng với đó, một số ý kiến đề cập đến một số vấn đề quan trọng còn có
ý kiến khác nhau về tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan thi hành
án, hoàn thiện cơ chế thi hành án hình sự; phân tích về vấn đề bảo đảm,
bảo vệ quyền con người - nội dung quan trọng trong tiến trình xây dựng
đất nước, hội nhập quốc tế, là đặc trưng, giá trị cốt lõi của Nhà nước
pháp quyền. Nhiều ý kiến làm rõ thêm về đổi mới cơ chế phân cấp, phân
quyền trong bộ máy nhà nước, trong đó tập trung làm nổi bật vấn đề còn
có ý kiến khác nhau là sắp xếp lại các đơn vị hành chính.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh
giá cao sự nghiêm túc, trách nhiệm của Ban Cán sự đảng Chính phủ đã
hoàn thành ba chuyên đề theo sự phân công của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề
án. Trong quá trình triển khai xây dựng Đề án, Ban Cán sự đảng Chính phủ
đã phối hợp chặt chẽ với Ban Nội chính Trung ương, Thủ tướng Chính phủ
với vai trò Phó trưởng Ban Chỉ đạo đã đồng chủ trì các hội thảo quốc gia
lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các cấp, các
ngành, các địa phương.
Chủ tịch nước nêu rõ, các cơ quan hành pháp đã có nhiều đóng góp
tích cực trong phát triển đất nước, hệ thống pháp luật của Việt Nam được
đổi mới, bộ máy tinh gọn hơn. Chính phủ và các bộ, ngành đã tập trung
điều hành vĩ mô và đạt được nhiều kết quả tích cực, dù đối mặt với nhiều
khó khăn, thử thách thời gian qua nhưng kinh tế vĩ mô ổn định, gây dựng
được niềm tin của nhân dân đối với chế độ, đất nước hội nhập quốc tế
sâu rộng, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng nâng cao, tuy
nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, cần tiếp tục khắc phục trong thời
gian tới.
|
Đại biểu dự buổi làm việc.
|
Chủ tịch nước đánh giá cao tại Hội nghị, Ban Cán sự đảng Chính phủ,
các chuyên gia, nhà khoa học đã đóng góp ý kiến tâm huyết, thẳng thắn,
có căn cứ lý luận và thực tiễn vững chắc về các nội dung liên quan đến
tổ chức và hoạt động của Chính phủ; trong đó nhiều ý kiến nêu rõ quan
điểm, thể hiện lập luận sắc sảo, thuyết phục, có cơ sở khoa học về những
vấn đề còn có ý kiến khác nhau; gợi mở hướng bổ sung, chỉnh sửa.
Những vấn đề góp ý, thảo luận rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy hành chính
Nhà nước, trong đó có các vấn đề về thành lập các thiết chế mới, những
điểm mấu chốt để tạo sự đột phá trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước
pháp quyền XHCN Việt Nam. Nhiều ý kiến thể hiện rõ tâm huyết, tinh thần
trách nhiệm cao với các vấn đề hệ trọng của đất nước, vì sự trường tồn
của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Nhiều vấn đề đã được làm rõ, được
đồng thuận cao ngay tại hội nghị.
Đề cập theo kế hoạch, thời gian hoàn thiện dự thảo Đề án trình Bộ
Chính trị và Hội nghị Trung ương 6 không còn nhiều, Chủ tịch nước nhấn
mạnh yêu cầu đòi hỏi các cấp, các ngành phải nỗ lực hơn nữa tích cực
tham gia đóng góp, xây dựng để có dự thảo Đề án bảo đảm tiến độ, có chất
lượng tốt nhất.
Chủ tịch nước đề nghị Thường trực Ban chỉ đạo tiếp thu các ý kiến
đóng góp, hoàn thiện dự thảo đề án trên tinh thần cầu thị lắng nghe, với
quan điểm những nội dung đạt thống nhất cao thì đưa vào văn kiện, những
vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau cần tiếp tục xem xét, nghiên cứu và
đưa ra bàn thảo tại phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo.
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính,
Phó trưởng Ban Chỉ đạo đánh giá cao đề án được xây dựng kỹ lưỡng,
phương pháp làm việc khoa học, tinh thần trách nhiệm cao, hiệu quả, sự
cầu thị, kiên trì lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp của Thường
trực Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập.
Dự thảo đề án là công trình nghiên cứu đồ sộ không chỉ phục vụ cho
Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Việt Nam mà còn phục vụ nhiều công việc quan trọng khác. Thủ tướng ghi
nhận một số vấn đề mới, khó đã đạt được sự thống nhất trên tinh thần
phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe nhiều chiều, tôn
trọng ý kiến phản biện.
Thủ tướng Chính phủ tán thành việc phân cấp, phân quyền, đi đôi với
phân bổ nguồn lực, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cấp được phân cấp,
phân quyền; việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính theo đề xuất của Tổ
Biên tập dự án.
Theo TTXVN