Trải qua thăng trầm của lịch sử, đình
Phạm Xá ở xã Ngô Quyền (Thanh Miện, Hải Dương) đến nay vẫn còn lưu giữ
được nét cổ kính với nhiều hiện vật cổ giá trị.
Đình Phạm Xá có kiến trúc kiểu chữ nhị
Giai thoại về 5 vị thành hoàng
Căn cứ theo thần tích do Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính
phụng soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), Lý trưởng xã Phạm Xá phụng
sao ngày 1 tháng 11 năm Duy Tân thứ 2 (1908) tại di tích, thời Hùng
Vương thứ 6, ở xã Dị Sử, phủ Thiên Trường, xứ Nam Định có người họ Trần
gia cảnh giàu có nhưng muộn đường con cái. Hai ông bà đi lễ cầu tự tại
chùa Yên Tử, khi trở về qua trang Phạm Xá, xứ Hải Dương thì ở lại nơi
đây sinh sống. Sau đó, ông bà sinh được 4 người con trai đặt tên là
Nghiêm, Trụ, Đức và Cao. Lớn lên cả 4 anh em đều giỏi cả văn lẫn võ.
Thời gian này, thiên hạ chẳng may gặp nạn đại hồng thủy, nhân dân lâm
vào cảnh đói khát bệnh dịch. 4 anh em cho lập cung sở tại bến Phạm Xá để
chỉ đạo đắp đê ngăn chặn nước lũ, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản
cho nhân dân. Cảm phục tài năng, vua Hùng ban thưởng cho 4 anh em và mời
ra làm quan trong triều nhưng các ngài đều từ chối, xin ở lại quê nhà.
Năm đó, trong trang Phạm Xá có gia đình họ Lê húy là Tuyên Công có một
người con gái tên gọi Quý Hoa tuổi vừa 16 xinh đẹp, nết na nhưng không
biết nói, người anh cả (Nghiêm công) nghe tiếng động lòng bèn cho mời
Quý Hoa đến. Khi gặp bỗng nhiên Quý Hoa lại nói được. Hai người kết
duyên chồng vợ.
Bấy giờ, giặc Ân tiến quân sang xâm lược do tướng giặc Thạch Linh dẫn
đầu sang xâm lược nước ta. Nhà vua triệu 4 anh em ra nhập nghĩa quân của
triều đình đi đánh giặc và chém đầu được tướng giặc.
Dẹp giặc xong, 4 anh em đi thuyền về đến bến Phạm Xá và gặp Quý Hoa thì tự nhiên tất cả cùng hóa (mất).
Nhân dân trang Phạm Xá làm sớ tâu lên triều đình. Nhà vua thương tiếc
người tài, truy phong 5 vị là: Thủ chính cư sĩ hiển ưng uy linh hộ quốc
cứu dân pháp Nghiêm Đại vương; Ngọc phi hoàng bà hồ thanh phái quốc
giang hà nam động đằng vân giá vũ Quý phụ Đại vương; Cao hoàng đô đại
phượng trục trấn quốc chiêu khánh hùng uy phù quốc tế thế thượng Trụ Đại
vương; Càn nam hách hách, trấn thủ nam phương, bảo quốc trấn Đức Đại
vương và Cai gia uy linh, thần vũ đại lược hùng tài trí dũng Đại vương;
truyền cho nhân dân nơi đây lập đền thờ cúng, tôn làm thành hoàng.
Lưu giữ nhiều cổ vật giá trị
Trong đình còn lưu giữ nhiều cổ vật như ngai thờ 5 vị thành hoàng tại hậu cung
Đình Phạm Xá xây dựng ở trung tâm của làng trên một khu đất cao, thoáng rộng, mặt hướng tây nam.
Các cụ cao niên tại địa phương kể lại, ngôi đình không chỉ thờ thành
hoàng mà còn là nơi gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của
địa phương. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân
Pháp, di tích được sử dụng làm lớp học cho học sinh bậc tiểu học. Đồng
chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị,
nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, người con quê hương Ngô
Quyền từng theo học lớp nhì tại đây. Lớp học do thầy giáo Trần Sĩ Tịnh
quê ở thôn Lương Đường, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang dạy.
Từ năm 1950 - 1951, giặc Pháp tiến hành nhiều cuộc càn quét, lôi kéo lực
lượng phản động lập Tề hòng phá hoại kháng chiến tại huyện Thanh Miện.
Trong thời kỳ này xã Ngô Quyền đã cho đào hầm bí mật tại hậu cung đình
để bảo vệ cán bộ và chỉ đạo kháng chiến.
Năm 1952, thực hiện “Tiêu thổ kháng chiến”, chính quyền địa phương đã
cho giải hạ 5 gian đại bái và 2 gian trung đình, ngăn chặn quân Pháp
chiếm đóng nên đình cũ chỉ còn lại 3 gian hậu cung. Chất liệu công trình
bằng gỗ lim, tường xây gạch chỉ.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, hai bên đầu hồi hậu cung đình, địa
phương xây dựng 2 dãy nhà làm kho thóc và kho đạm phục vụ sản xuất.
Năm 1971, xã Ngô Quyền bị ngập lụt, nền hậu cung bị lún sụt nặng. Ngay sau đó địa phương đã huy động công đức tu sửa lại.
Sắc Phong thời Nguyễn
Sau nhiều thăng trầm của lịch sử, đình
Phạm Xá hiện nay có kiến trúc kiểu chữ nhị và vẫn bảo lưu được kiến
trúc gỗ lim của tòa hậu cung nguyên vẹn. Trong đình còn lưu giữ 27 cổ
vật chất liệu gỗ, gốm và giấy gồm 1 bộ thần phả, 1 bộ ván in khắc gỗ chữ
Hán về duệ hiệu của các thành hoàng, 5 cỗ ngai, 8 sắc phong và nhiều đồ
thờ tự giá trị đều có niên đại vào thời Nguyễn.
Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bí thư chi bộ, trưởng thôn Phạm Xá cho biết rất
tự hào khi địa phương còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị, đặc biệt
là 8 đạo sắc phong quý do vua ban cho 5 vị thành hoàng của làng dưới
các triều vua. Những sắc phong này được người dân nơi đây giữ gìn, bảo
quản nguyên vẹn, nét chữ và triện vua ban còn sắc nét.
Để tưởng nhớ công lao của các vị thần, dân làng lấy ngày 10.2 âm lịch
hàng năm để tổ chức lễ hội truyền thống. Đây là dịp để người dân địa
phương cũng như con em xa quê tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ tới công lao của
các thế hệ cha ông đã có công giúp dân, giúp nước.
Tháng 1 năm 2015, đình Phạm Xá được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.