TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐOÀN KẾT TÔN GIÁO
Có
nhiều cách tiếp cận, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn
giáo. Trong phạm vi bài viết, tác giả khai thác khía cạnh gắn với nhận
diện và đấu tranh với các thế lực thù địch, phản động lợi dụng tôn giáo
để chống phá cách mạng Việt Nam.
Thứ nhất, tập trung xây dựng khối đoàn kết lương giáo và giữa các tôn giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc.
Đoàn
kết lương giáo và những người có tín ngưỡng, tôn giáo với những người
không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo tôn giáo khác
nhau trong khối đại đoàn kết dân tộc là quan điểm chủ đạo, bao trùm
trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm mục tiêu tối cao là đấu tranh giành độc
lập dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con
người. Người đã chỉ ra cơ sở vững chắc của khối đoàn kết dân tộc là lợi
ích chung, mẫu số chung, điểm đại đồng để đoàn kết mọi người Việt Nam,
giáo cũng như lương, đó là “nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được
hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học
hành”(1). Từ đó, Người tin tưởng, tôn trọng đồng bào các tôn giáo, hướng họ vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc.
Do am hiểu sâu sắc bản chất niềm tin tôn giáo của tín đồ; biết kết hợp
khéo léo niềm tin tôn giáo với niềm tin vào cách mạng, vào tương lai của
dân tộc, Hồ Chí Minh đã tập hợp, hướng đồng bào các tôn giáo
vào thực hiện nhiệm vụ chung giải phóng dân tộc, xây dựng cuộc sống mới
“tốt đời, đẹp đạo”. Người đoàn kết quần chúng trong khối đại đoàn kết
dân tộc để thực hiện ước nguyện chung của mọi người Việt Nam là Độc lập -
Tự do - Hạnh phúc. Người yêu cầu tín đồ “Kính Chúa và yêu nước” phải
kết hợp với nhau; “tốt đời, đẹp đạo” phải đi liền với nhau, không thể
phân chia. Tốt đời tạo cơ sở vật chất, xã hội để đẹp đạo. Muốn đẹp đạo
cần phải đi theo cách mạng xây dựng cuộc sống mới. Vì thế, không lý do
gì đồng bào các tôn giáo không đoàn kết cùng toàn thể dân tộc kháng
chiến, kiến quốc. Ai không thực hiện điều đó không phải là người Việt
Nam yêu nước chân chính và cũng không phải tín đồ chân chính. Từ đó,
Người kêu gọi phải đoàn kết, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, già,
trẻ, gái, trai... “Đoàn kết của ta không những rộng rãi mà còn là đoàn
kết lâu dài. Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ
đoạn chính trị... Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và
phụng sự nhân dân thì ta đoàn kết với họ”(2). Và Người đã tổng kết thành chân lý: Đoàn kết, Đoàn kết, Đại đoàn kết. Thành công, Thành công, Đại thành công.
Hồ Chí Minh quan tâm sâu sắc đến lợi ích thiết thực của giáo dân cả phần đời và phần đạo.
Theo Người, nước độc lập mà dân không được ấm no hạnh phúc thì độc lập
cũng không có nghĩa lý gì. Đồng bào các tôn giáo theo cách mạng mà Đảng,
Nhà nước không quan tâm đến lợi ích thiết thân của đồng bào để “phần
xác ấm no, phần hồn thong dong” thì không thể đoàn kết được. “Nếu giáo
dục tốt thì giáo dân có thể đấu tranh... sống theo Đảng, chết theo
Chúa.... Ta quan tâm đời sống quần chúng thì quần chúng sẽ theo ta. Ta
được lòng dân thì không sợ gì cả...”(3). Từ đó, Người đặc
biệt quan tâm đến mọi mặt đời sống sản xuất, ăn ở, học hành của đồng bào
tôn giáo; nhắc nhở cán bộ chú ý phát triển sản xuất, nâng cao đời sống
vật chất, tinh thần của giáo dân; gửi thư thăm hỏi, động viên, tặng
quà... Với những người lầm đường lạc lối, Người kiên trì thuyết phục,
cảm hoá với thái độ khoan dung độ lượng, lời lẽ chân tình, bởi họ đều là
“ruột thịt”, “con Lạc, cháu Hồng”, đều có lòng yêu nước nhưng do mắc
mưu kẻ địch nên chưa nhận ra lẽ phải. Vì thế, Người luôn “mong những
đồng bào đó mau mau giác ngộ và quay về với kháng chiến để phụng sự
Chúa, phụng sự Tổ quốc”. Chính phủ luôn “hoan nghênh rộng rãi như những
người con đi lạc mới về”(4). Tấm gương ứng xử của Người đối
với đồng bào các tôn giáo đã cảm hoá được đa số chức sắc, tín đồ các tôn
giáo theo Đảng làm cách mạng.
Thực hiện bình đẳng các quyền lợi và nghĩa vụ công dân, nhằm “tốt đời, đẹp đạo”. Mọi
công dân Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Đồng bào tôn
giáo trước tiên là công dân Việt Nam nên tất yếu cần được đối xử bình
đẳng như mọi công dân khác, đồng thời họ là tín đồ của một tôn giáo nên
quyền tự do tôn giáo được tôn trọng, bảo đảm. Tôn trọng tự do tín ngưỡng
phải đi đôi với không ngừng tạo điều kiện để đồng bào các tôn giáo tiến
bộ về mọi mặt. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, nhắc nhở: “Chúng ta
kháng chiến, cứu nước, thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, cải cách
ruộng đất và làm cho người cày có ruộng, tín ngưỡng tự do”(5).
Đây là phương pháp, biện pháp có ý nghĩa nền tảng, tiên quyết trong
thực hiện chính sách đoàn kết tôn giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bản
thân Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hình mẫu về tuyên truyền, giáo dục cán
bộ và đồng bào các tôn giáo. Phương pháp tuyên truyền giác ngộ của
Người luôn thiết thực, sinh động, lời lẽ giản dị, lấy việc thực, người
thực làm gương, mượn chuyện xa lý giải việc gần nên mọi người dễ tiếp
thu, thực hiện. Người không đem lý luận chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa
Mác - Lênin nói với những người tín hữu. Người phê bình, uốn nắn các cán
bộ cố nhồi nhét chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa vô thần cho người theo
đạo, dù họ đã đi với cách mạng. Về chính trị, Người chỉ nói đến chủ
nghĩa yêu nước theo cách giản dị là lòng yêu nước, yêu quê hương; đất
nước có độc lập, quê hương có được giải phóng thì giáo dân mới có tự do
hành đạo...
Thứ hai, kiên quyết bài trừ mê tín dị đoan và các hủ tục.
Chủ
tịch Hồ Chí Minh khuyên cán bộ một mặt phải tôn trọng và bảo đảm tự do
tín ngưỡng, mặt khác phải kiên trì giáo dục quần chúng xoá bỏ “mê tín
nhảm” và các hủ tục. Người nhắc nhở cán bộ không thành kiến, hẹp hòi,
không xúc phạm tín ngưỡng, không mắc bệnh dùng lý luận không đúng lúc,
hay đao to búa lớn “nào khách quan, chủ quan”, “nào tích cực, tiêu cực”,
“nào khoa học hoá”, “gì gì hoá” mà “tốt nhất là miệng nói, tay làm làm
gương cho người khác bắt chước”. Cán bộ phải: “Dạy cho đồng bào: 1.
Thường thức vệ sinh để cho dân bớt đau ốm. 2. Thường thức khoa học để
bớt mê tín nhảm”(6).
Người
đã soạn ra 12 điều răn với 6 điều không nên và 6 điều nên làm, trong đó
có: “không nên xúc phạm tín ngưỡng, phong tục của dân…”, “Nghiên cứu
cho hiểu rõ phong tục mọi nơi, trước là gây cảm tình, và sau là để dần
dần giải thích cho dân bớt mê tín”. Người cũng nêu ra 8 điều mệnh lệnh
của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trong đó điều thứ 4 là: “Bảo vệ
đền chùa nhà thờ, trường học, nhà thương và các cơ quan văn hóa xã hội
khác… Chính quyền, quân đội và đoàn thể phải tôn trọng tín ngưỡng, phong
tục, tập quán của đồng bào”(7).
Theo
Hồ Chí Minh, phương pháp giáo dục khắc phục mê tín, hủ tục phải thận
trọng, kiên trì, gần gũi với đồng bào; với phương châm lấy cái tốt mà bỏ
dần cái xấu, “dần dần nói cho người ta hiểu, để người ta vui lòng làm,
chứ không có quyền ép người ta”(8), không thể nóng vội xoá bỏ hết mọi sự mê tín một cách cực đoan.
Thứ ba, luôn nâng cao cảnh giác để không mắc mưu những kẻ “phản Chúa, phá đạo”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, lợi dụng tôn giáo để chống lại cách mạng luôn là thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm
kích động mâu thuẫn, chia rẽ đoàn kết lương-giáo, phá hoại đoàn kết dân
tộc. Chúng tuyên truyền: “Cộng sản là vô thần sẽ tiêu diệt tôn giáo”,
“thà mất nước còn hơn mất Chúa”… Và thực tế, một bộ phận giáo dân đã mắc
mưu, tin theo luận điệu thâm độc đó.
Ngay từ năm
1924, Người đã lên án mạnh mẽ và tố cáo những giáo sỹ Pháp làm gián
điệp, bắn giết đồng bào ta. “Chính những tên giáo sĩ đã vẽ bản đồ An Nam
cho quân xâm lược. Chính bọn họ đã đưa tin cho gián điệp dẫn đường cho
đội viễn chinh và tố giác những người yêu nước”(9). Trong
thời kỳ thực dân xâm lược, Người chỉ rõ: Thực dân Pháp là bọn đốt nhà
thờ, hiếp bà phước, giết tín đồ chức sắc, giết dân ngoại đạo... “Thực
dân là lũ Sa Tăng/ Phản Chúa, phá đạo là thằng thực dân”(10). Người luôn phân định rạch ròi tôn giáo với việc lợi dụng tôn giáo
để làm điều xấu. Người coi những phần tử đội lốt tôn giáo để chống phá
cách là “Việt gian đồng thời cũng là giáo gian”, là những kẻ bất chính,
giả danh tín đồ để làm điều xấu độc. Người kêu gọi: “đồng bào cảnh giác
và chớ mắc mưu những kẻ tuyên truyền lừa bịp”, “Bảo vệ tự do tín ngưỡng,
nhưng cương quyết trừng trị những kẻ đội lốt tôn giáo để phản Chúa,
phản nước”(11).
NHẬN DIỆN, ĐẤU TRANH VỚI CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH LỢI DỤNG TÔN GIÁO ĐỂ CHỐNG PHÁ
Trong
giai đoạn hiện nay, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá Đảng,
Nhà nước và nhân dân ta ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Chúng lợi dụng con
đường công khai, hợp pháp để triển khai các hoạt động xâm phạm lợi ích
quốc gia - dân tộc; chúng tìm mọi “mưu ma chước quỷ” hòng xóa bỏ vai trò
lãnh đạo của Đảng, thay đổi thể chế chính trị của đất nước... trong đó,
có chiêu bài lợi dụng vấn đề tôn giáo, đội lốt tôn giáo để thực hiện
mưu đồ chống phá.
Có thể nhận diện các thế lực thù địch, phản động lợi dụng tôn giáo để chống phá sự nghiệp cách mạng Việt Nam, gồm:
Ở
nước ngoài: 1) số đối tượng có tư tưởng chống phá Việt Nam trong các tổ
chức nhân quyền, tôn giáo thế giới, chủ yếu ở Mỹ và Châu Âu. 2) một số
nghị sĩ, chính khách ở các nước TBCN có tư tưởng cực đoan chống CNXH. 3)
các báo, đài phản động chống Việt Nam. 4) các tổ chức phản động, lưu
vong người Việt ở nước ngoài. 5) các tổ chức chống đối trong các tôn
giáo ở hải ngoại.
Ở
trong nước: 1) số đối tượng chống đối trong các tôn giáo (không thừa
nhận các tôn giáo, tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận). 2) các tổ
chức tôn giáo trong các tôn giáo chưa/ không được Nhà nước công nhận (cả
trong 16 tôn giáo và các “hiện tượng tôn giáo mới”, đạo lạ, tà đạo). 3)
các đối tượng phản động, cơ hội chính trị, thoái hóa, biến chất, vi
phạm pháp luật.
Tuy
âm mưu, hoạt động lợi dụng tôn giáo để chống phá có khác nhau, nhưng
chúng luôn câu kết, móc nối chặt chẽ với nhau, cùng hướng đến chiến lược
“diễn biến hoà bình”, xác định các mục tiêu cơ bản, xuyên suốt là: chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; kích động đồng bào các tôn giáo chống lại đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đối lập họ với Đảng; làm mất hiệu lực và tính hiệu quả trong hoạt động quản lý của Nhà nước đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội; gây mất ổn định chính trị xã hội, tạo cớ can thiệp hoặc khi thời cơ đến kích động bạo loạn lật đổ; thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; làm chệch hướng, tiến tới xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và lật đổ chế độ XHCN ở Việt Nam.
Theo
đó, chúng thường lợi dụng các vấn đề như: đức tin và sự gắn kết cộng
đồng tôn giáo để lôi kéo, tập hợp lực lượng chống đối; khoét sâu những
mâu thuẫn, vấn đề nảy sinh về tôn giáo để chống phá; lợi dụng những sơ
hở, bất cập, yếu kém trong thực hiện công tác tôn giáo và các vấn đề
nhạy cảm được dư luận quan tâm để thổi phồng, xuyên tạc “đặt điều dựng
chuyện”; lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu
số và các hiện tượng tôn giáo mới, mạng xã hội để công kích, vu khống…
Cụ thể hơn, có thể nhận diện các hoạt động của chúng ở nước ngoài gồm: Thứ nhất, thu
thập thông tin từ những đối tượng phản động, chống đối trong các tôn
giáo, các tổ chức tôn giáo trái pháp luật, không được Nhà nước công nhận
để xuyên tạc tình hình
tôn giáo, quan điểm, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước. Trên cơ sở
đó, chúng ban hành các đạo luật, báo cáo, kiến nghị... vu cáo, can thiệp
vào công việc nội bộ của Việt Nam, kích động các thế lực thù địch ở
trong nước đẩy mạnh các hoạt động chống phá. Thứ hai, tổ
chức các hoạt động chỉ đạo, hỗ trợ các đối tượng phản động, chống đối ở
trong nước tiến hành các hoạt động chống phá. Các tổ chức phản động,
lưu vong người Việt ở nước ngoài và các tổ chức chống đối trong các tôn
giáo ở hải ngoại trực tiếp thực hiện âm mưu, thủ đoạn thâm hiểm này với
nhiều hoạt động như: tổ chức các diễn đàn nhằm xuyên tạc, vu cáo Đảng,
Nhà nước ta vi phạm tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, kêu gọi “quốc
tế” can thiệp; đẩy mạnh xuyên tạc, chống phá trên các phương tiện thông
tin đại chúng, nhất là mạng xã hội; tổ chức các hội luận, tập huấn, huấn
luyện các hoạt động tuyên truyền, biểu tình, gây rối...; trực tiếp móc
nối, hỗ trợ vật chất, tinh thần cho các thế lực thù địch trong nước.
Là
lực lượng chủ yếu, trực tiếp thực hiện âm mưu chống phá, hoạt động của
các thế lực thù địch, phản động ở trong nước tập trung vào những khía
cạnh: Một là, thường xuyên liên kết, câu kết chặt
chẽ với nhau (Hội đồng liên tôn, Bàn tròn đa tôn giáo...) và tiếp nhận,
thực hiện sự chỉ đạo, hỗ trợ của các thế lực thù địch ở nước ngoài. Hai là,
đẩy mạnh các hoạt động soạn thảo, tán phát tài liệu kích động chống
phá, cung cấp cho các thế lực thù địch ở nước ngoài những nội dung sai
sự thật, thổi phồng sự kiện. Ba là, lợi dụng các
ngày lễ của tôn giáo, các sự kiện nhạy cảm để kích động, lôi kéo tín đồ
tập trung đông người, gây rối, biểu tình, gây mất an ninh trật tự. Bốn là,
lợi dụng các “hiện tượng tôn giáo mới” để trục lợi, làm lệch chuẩn đạo
đức, văn hóa xã hội, gây hoang mang dư luận và mất ổn định chính trị -
xã hội.
Một
sự thật hiển nhiên là, các thế lực thù địch, phản động lợi dụng tôn
giáo không phải vì lợi ích của các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ,
cũng không vì “tự do tôn giáo” như chúng thường rêu rao, mà là nhằm thực
hiện mưu đồ chính trị phản động hòng phá hoại sự nghiệp cách mạng của
chúng ta. Đây là điều đi ngược lại lợi ích chân chính của đồng bào có
tín ngưỡng, theo tôn giáo, của các chức sắc, tín đồ tôn giáo mong muốn
có cuộc sống “tốt đời đẹp đạo”, “đồng hành cùng dân tộc”, thực sự hạnh
phúc trong một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng tôn giáo là một bộ phận của chiến lược “diễn biến hòa bình”, đặc
biệt nguy hiểm đối với cách mạng Việt Nam và đối với chính đồng bào
theo tôn giáo. Nó trực tiếp “đẩy” đồng bào theo tôn giáo về phía đối lập
với chính quyền và cách mạng. Do đó, Đảng ta đã xác định: “Vận
động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống
“tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của
pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy
những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo
cho sự phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh
những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã
hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết
toàn dân tộc”(12). Đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài trong quá trình xây dựng CNXH ở nước ta, là
yêu cầu cơ bản và cấp bách của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của
nhân dân ta trong tình hình mới, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm cao của
cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó có đồng bào theo tôn
giáo.
Đấu
tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản
động lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam là một bộ phận của
cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, được tiến hành bằng hệ thống
các giải pháp đồng bộ vừa mang tính cấp bách vừa mang tính lâu dài; kết
hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa, ngăn chặn với xử lý nghiêm minh theo pháp
luật. Trước mắt, cần thực
hiện tốt các định hướng chủ yếu: tuyên truyền, giáo dục; xác định nội
dung, hình thức, biện pháp; tổ chức thực hiện; điều kiện bảo đảm. Trong
đó, chú trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho toàn xã hội; phát huy sức mạnh tổng hợp, tổ chức thực hiện “thích ứng” với từng giai đoạn, hoàn cảnh; có cơ chế, chính sách phù hợp.../.
_____________________________________
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.4, tr.65.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.244.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.141-142.
(4) (6) (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.249, 604, 127.
(5) (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.337, 313.
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.488.
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.442.
(10) Viện Nghiên cứu Tôn giáo: Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng, Nxb. Khoa học xã hội, H, 1998, tr.255.
(12) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.171.
Theo tuyengiao.vn