Ngày 11-8, Thủ tướng Chính phủ
Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp,
với chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững”.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu trụ sở Chính phủ với UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự hội nghị tại đầu cầu trụ sở Chính phủ còn có Phó thủ tướng Chính
phủ Lê Minh Khái; Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; các bộ trưởng,
thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các ban
của Đảng, ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp. Dự
tại đầu cầu các tỉnh, thành phố có chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố;
lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và các doanh nghiệp, hiệp hội
doanh nghiệp trên địa bàn.
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Dương Giang |
Hội nghị đã nghe báo cáo tình hình hoạt động, phát triển doanh nghiệp
thời gian qua; lãnh đạo các doanh nghiệp phát biểu ý kiến về những khó
khăn, vướng mắc; đề xuất giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo
việc làm, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền
vững; lãnh đạo các bộ, ngành liên quan giải đáp về những ý kiến, kiến
nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng
định, sau hơn 2 năm chống dịch, cả nước kiểm soát được dịch bệnh, giữ
ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giữ được đà tăng trưởng kinh
tế; đảm bảo các cân đối lớn; đời sống vật chất, tinh thần của người dân
được nâng lên; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, độc
lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ; hoạt động đối ngoại tiếp tục được tăng
cường. Trong thành tựu chung đó có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng
doanh nghiệp.
Một lần nữa, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh
Chính chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp về những khó khăn, mất mát, hy
sinh trong 2 năm qua; ngay cả từ đầu năm đến nay, do phải đối phó với
cạnh tranh chiến lược, tăng giá xăng dầu do xung đột Nga - Ukraine, đối
phó tăng giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất, kinh doanh; sức ép lạm
phát, chính sách thay đổi của các nước đều tác động doanh nghiệp Việt
Nam, làm khó khăn chồng chất.
Nhận định về tình hình thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh
Chính cho biết, có cả thời cơ, thuận lợi, thách thức, khó khăn đan xen.
Song khó khăn, thách thức nhiều hơn do sức ép lạm phát gia tăng; nhiều
thị trường thay đổi chính sách; giá cả nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng;
thiếu hụt lao động cục bộ; khó khăn trong tiếp cận vốn cho sản xuất,
kinh doanh; thị trường khó khăn, xuất khẩu hàng hóa có nguy cơ thu hẹp;
tồn tại một số vướng mắc, rào cản về pháp lý; quy mô, năng lực sản xuất
kinh doanh của doanh nghiệp còn hạn chế; sức chống chịu với các cú sốc
từ bên ngoài còn yếu; việc ứng dụng thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp
lần thứ tư còn khó khăn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, mục tiêu của Việt Nam
là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm
bảo các cân đối lớn; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các loại thị trường,
an toàn, công khai, minh bạch; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư,
kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; xây dựng chính phủ
số, xã hội số, công dân số; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn
xã hội, an ninh, an toàn, an dân; đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo
việc làm cho người dân.
Các ngành, nhất là các địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu
quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện tốt Nghị quyết 38 của
Chính phủ về chương trình phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn
2022-2023, trước mắt là tập trung cho tiêm vắc xin. Trong đó, Bộ Y tế,
các địa phương cần thần tốc, quyết liệt hơn nữa.
|
Quang cảnh hội nghị. |
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động; đào tạo, đào
tạo lại, nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực
trong thời kỳ mới; đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng
chiến lược; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục cải cách
thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong kinh doanh, tạo điều kiện
thuận lợi cho doanh nghiệp, chống tham nhũng, tiêu cực.
Về nhóm nhiệm vụ dài hạn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục hoàn
thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thực chất thủ tục hành
chính; đẩy mạnh công tác xây dựng chiến lược ngành, quy hoạch, đầu tư
xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, tạo thuận lợi và niềm tin cho
doanh nghiệp xây dựng định hướng đầu tư sản xuất kinh doanh dài hạn và
bền vững. Thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ,
nâng cao năng lực cạnh tranh, nắm bắt đón đầu các xu hướng kinh doanh,
hướng vào chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, kinh tế xanh, kinh tế
tri thức…
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị
cộng đồng doanh nhân, hiệp hội doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ,
giải pháp để cùng các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, phục hồi
nhanh, phát triển bền vững.
Thủ tướng đề nghị các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp cần phát huy vai
trò trong hỗ trợ doanh nghiệp thành viên, đặc biệt đẩy mạnh các hoạt
động kết nối, giúp các doanh nghiệp cùng nhau vượt qua khó khăn, thích
ứng với giai đoạn mới.
Chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh
nghiệp gắn với chuyển đổi số, đổi mới và sáng tạo để tìm ra cơ hội trong
thách thức, xoay chuyển và thích ứng; nâng cao năng suất, năng lực, sức
cạnh tranh; quan tâm đến việc giữ chân người lao động, tái cấu trúc lao
động; đầu tư hơn nữa cho công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao,
trình độ quản lý và quản trị doanh nghiệp; tạo chuẩn giá trị mới, quan
tâm hơn đến phục vụ người dân và nhu cầu trong nước; mở rộng thị trường,
tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, lịch sử dân tộc Việt
Nam đã chứng minh: Tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và sức mạnh
đoàn kết đã giúp Việt Nam “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn cũng
vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Vì một cộng đồng doanh nghiệp chủ động thích ứng, phát triển bền vững
góp phần xây dựng một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng, Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ luôn đồng hành, sát cánh, chia sẻ, tiếp thu tối đa
các ý kiến của tổ chức hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời, đề
nghị cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục giữ vững niềm tin, nêu
cao tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường vượt qua khó khăn. Mỗi doanh
nhân hãy là một chiến sĩ tinh nhuệ, quả cảm trên mặt trận kinh tế, nỗ
lực cùng Chính phủ sớm giành được chiến thắng trong cuộc chiến đấu với
đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi kinh tế và phát triển bền vững.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc cộng đồng doanh nhân Việt
Nam sức khỏe, bền bỉ, tự tin, vững bước vượt qua khó khăn, thách thức
hiện nay, phát triển ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng, xây
dựng hình ảnh doanh nhân có bản sắc Việt Nam, tiếp tục đóng góp nhiều
hơn vào quá trình xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân
chủ, công bằng, văn minh; với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro, khó
khăn chia sẻ; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp”.
Theo qdnd.vn