Amos Hochstein, điều phối viên đặc trách
về năng lượng toàn cầu của Chính phủ Mỹ, đã khởi hành đến Paris và
Brussels để thảo luận về kế hoạch dự phòng của Mỹ - châu Âu trong trường
hợp thiếu khí đốt vào mùa đông.
Theo hãng thông tấn Tass, chính quyền
Tổng thống Mỹ Joe Biden lo ngại tình hình thiếu hụt khí đốt do Nga cắt
giảm nguồn cung có thể làm suy yếu sự đoàn kết của Liên minh châu Âu
(EU) trước Moskva.
“Ảnh hưởng từ tình hình thiếu khí đốt
đối với châu Âu có thể tác động ngược lên Mỹ, khiến giá khí đốt tự nhiên
và điện năng tăng vọt. Đây cũng là một bài kiểm tra về khả năng phục
hồi và sự đoàn kết của châu Âu chống lại Nga”, kênh truyền hình CNN dẫn
lời một quan chức Mỹ giấu tên.
Trong tuần này, Washington cũng dự định
thảo luận với châu Âu về các cách thức tăng cường sản xuất điện hạt
nhân. Đặc biệt, Mỹ hy vọng có thể thuyết phục Chính phủ Đức hoãn kế
hoạch loại bỏ việc sử dụng năng lượng hạt nhân và kéo dài thời gian hoạt
động của ba nhà máy điện hạt nhân.
Ngày 25.7, tập đoàn năng lượng khổng lồ
Gazprom của Nga thông báo rhọ phải tạm dừng hoạt động một tuabin do
Siemens sản xuất vì đã đến hạn kiểm tra định kỳ. Điều này đồng nghĩa với
việc dòng chảy khí đốt qua hệ thống đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1
(Nord Stream 1) từ Nga đến Đức sẽ giảm công suất xuống chỉ còn 20% kể từ
ngày 27.7.
Việc Nga cắt giảm nguồn cung thông qua
đường ống dẫn khí đốt chính đến Đức sẽ khiến các nước không thể đạt được
mục tiêu lấp đầy kho dự trữ, trong khi nền kinh tế lớn nhất châu Âu
phải đối mặt với việc phải phân phối nhiên liệu cho các ngành công
nghiệp để đảm bảo người dân có đủ nhiên liệu sưởi ấm trong những tháng
mùa Đông.
Trong một diễn biến mới nhất, EU đã nhất
trí với kế hoạch giảm lượng tiêu thụ khí đốt, coi đây như một hành động
đoàn kết với Đức nhằm phản ứng việc Nga sử dụng nguồn cung như một "vũ
khí" kinh tế. Các nước thành viên đã thông qua một thỏa thuận mang tính
chính trị về việc tự nguyện giảm 15% nhu cầu tiêu thụ khí đốt trong mùa
Đông này.
Theo Báo Tin tức