Tối 6-8, tại TP Tam Kỳ, Đảng bộ,
chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày
sinh đồng chí Võ Chí Công, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước
(7-8-1912/7-8-2022), một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ
Chí Minh; nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
|
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham gia lễ kỷ niệm. |
Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính
trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nguyễn Minh
Triết, nguyên Chủ tịch nước; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường
trực Ban Bí thư; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học
viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung
ương; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban
Trung ương MTTQ Việt Nam; các vị khách quốc tế; các đồng chí Ủy viên
Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ,
ngành Trung ương, Bộ tư lệnh Quân khu 5; các vị khách quốc tế; lãnh đạo
các tỉnh, thành phố; các tướng lĩnh; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh; các
đồng chí lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực
lượng vũ trang nhân dân; quý vị khách quý và gia tộc đồng chí Võ Chí
Công.
|
Đồng chí Phan Việt Cường phát biểu tại lễ kỷ niệm. |
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Phan Việt Cường, Ủy viên Trung
ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đã ôn lại cuộc đời, sự nghiệp vẻ
vang và những cống hiến to lớn của đồng chí Võ Chí Công đối với sự
nghiệp cách mạng của dân tộc. Đồng chí Võ Chí Công, tên khai sinh là Võ
Toàn (bí danh Xuân, Năm Công), sinh ngày 7-8-1912 trong một gia đình trí
thức yêu nước tại làng Khương Mỹ, tổng Phú Quý, phủ Tam Kỳ (nay là xã
Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam).
Tháng 5-1930, đồng chí Võ Chí Công bắt đầu tham gia cách mạng; đến
tháng 5-1935, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và sau
đó được cử làm Bí thư Chi bộ Mỹ Sơn - Chi bộ ghép một số xã thuộc huyện
Tam Kỳ. Từ một bí thư chi bộ, với tài năng, trí tuệ và tinh thần nhiệt
huyết cách mạng, đồng chí Võ Chí Công được cử làm Bí thư Phủ ủy Tam Kỳ,
rồi Bí thư lâm thời Tỉnh ủy Quảng Nam. Đồng chí đã thể hiện là một người
chiến sĩ cách mạng kiên trung, gan dạ trong thời kỳ khôi phục và phát
triển phong trào cách mạng ở Quảng Nam những năm 1939 - 1945.
Giữa năm 1943, đồng chí Võ Chí Công bị địch bắt, giam tại phủ Tam Kỳ.
Địch đã dùng cực hình tra tấn dã man, nhưng không khuất phục được tinh
thần, ý chí của người cộng sản. Chính quyền thực dân đã kết án đồng chí
khổ sai chung thân, sau giảm xuống 25 năm tù và đưa đi giam cầm ở nhà
lao Hội An, rồi chuyển lên nhà đày Buôn Ma Thuột. Tại đây, đồng chí đã
tham gia ban lãnh đạo tù nhân của những người tù cộng sản, được tổ chức
thành từng nhóm bí mật dưới tên gọi là “lực lượng kiên trung”. Sau khi
Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), đồng chí được trả tự do và trở về tiếp
tục hoạt động cách mạng.
|
Biểu diễn nghệ thuật chào mừng lễ kỷ niệm. |
Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí Võ Chí Công đã cùng với
các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ và Ban lãnh đạo khởi nghĩa tỉnh
nhạy bén, sáng tạo, quyết đoán trong lãnh đạo nhân dân Hội An chớp lấy
thời cơ, khởi nghĩa sớm hơn kế hoạch, lãnh đạo nhân dân toàn tỉnh nhất
tề đứng lên, đập tan xiềng xích nô lệ, đưa Quảng Nam trở thành một trong
những tỉnh giành chính quyền sớm nhất cả nước vào ngày 18-8-1945.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí được
Đảng phân công phụ trách các tỉnh từ Quảng Nam - Đà Nẵng đến Phú Yên,
gây dựng cơ sở tại các tỉnh cực Nam Trung Bộ; phụ trách công tác quân
sự, xây dựng lực lượng vũ trang Liên khu 5, lãnh đạo nhân dân Liên khu 5
kháng chiến; Là Bí thư Ban cán sự khu Đông Bắc Campuchia, Khu ủy viên
khu V, làm nhiệm vụ quốc tế giúp hai nước bạn Lào và Campuchia.
Từ năm 1952, trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, đồng chí đã có
nhiều quyết định kịp thời, đúng đắn để chỉ đạo xây dựng khối đại đoàn
kết và phát huy được sức mạnh của toàn dân, từng bước đẩy mạnh công cuộc
kháng chiến, lập nên nhiều chiến công vang dội, chia lửa cùng chiến
trường cả nước trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, góp phần đưa cuộc
kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí Võ Chí Công
được Trung ương Đảng tin tưởng giao nhiều trọng trách: Phó bí thư Trung
ương Cục miền Nam, Phó chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận
Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Bí thư Liên khu ủy 5, Bí thư Khu
ủy kiêm Chính ủy Quân khu 5... Đồng chí là linh hồn của phong trào cách
mạng Liên Khu V (bao gồm cả Nam Trung Bộ và Tây Nguyên).
Suốt 21 năm kiên cường bám trụ, hoạt động, chiến đấu ở chiến trường
ác liệt; đồng chí đã lãnh đạo quân và dân miền Nam, đặc biệt là ở Liên
Khu V chiến đấu không lùi bước, giữ gìn và phát triển lực lượng, đánh
bại các chiến lược leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ, từ “Chiến tranh
đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ” đến “Việt Nam hóa chiến tranh”… Từ thực
tiễn cách mạng, đồng chí đã đề xuất với Trung ương nhiều vấn đề có tính
chiến lược về con đường cách mạng miền Nam, đóng góp vào việc xây dựng
Nghị quyết Trung ương 15, mở ra bước ngoặt lớn cho cách mạng miền Nam.
Đặc biệt, đồng chí Võ Chí Công đã nhạy bén nắm bắt tình hình, kịp
thời đề xuất Bộ Chính trị, chớp thời cơ giải phóng hoàn toàn Quảng Nam -
Đà Nẵng vào ngày 29-3-1975 sớm hơn kế hoạch, góp phần quan trọng vào sự
nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
Sau ngày hòa bình thống nhất, trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị,
Thường trực Ban Bí thư, Phó thủ tướng Chính phủ, Phó chủ tịch Hội đồng
Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương
Đảng, đồng chí luôn tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của
Đảng và dân tộc, gắn bó máu thịt với nhân dân, luôn trăn trở về con
đường đi lên của cách mạng Việt Nam.
Trong những năm gian khó của đất nước sau chiến tranh, trước hết là
những bất cập của cơ chế kế hoạch hóa tập trung; đồng chí Võ Chí Công đã
sớm tìm tòi, tiên phong trong đổi mới về tư duy kinh tế, nhất là trong
lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đồng chí đã quan tâm chỉ đạo
thực hiện rút kinh nghiệm về khoán sản phẩm trong nông nghiệp ở nhiều
địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng như: Vĩnh Phú, Hải Phòng, Hà Nam
Ninh.
Trên cơ sở đó, đồng chí đã có những kiến nghị với Trung ương về tháo
gỡ khó khăn, đổi mới tư duy mang tính chiến lược, góp phần quan trọng
hình thành Chỉ thị 100-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IV về
cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao
động trong hợp tác xã nông nghiệp. Đây là bước đột phá về đổi mới cơ chế
quản lý kinh tế trong nông nghiệp. Phát huy kết quả đó, Bộ Chính trị
giao đồng chí Võ Chí Công làm Trưởng Tiểu ban nghiên cứu vấn đề khoán
trong nông nghiệp, làm cơ sở cho sự ra đời Nghị quyết 10 của Bộ Chính
trị vào tháng 10-1988; mở ra bước ngoặt trong sự phát triển của nền nông
nghiệp Việt Nam thời kỳ đầu đổi mới.
Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban sửa đổi
Hiến pháp năm 1980, đồng chí cùng với Hội đồng Nhà nước tập hợp rộng rãi
ý kiến của nhân dân, kiên trì đấu tranh với quan điểm sai trái, kiên
định những nội dung cơ bản về dân chủ, pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Hiến
pháp sửa đổi năm 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới đất nước được
thông qua, có sự đóng góp quan trọng của đồng chí Võ Chí Công.
Đảng ta đã ghi nhận đồng chí Võ Chí Công “Luôn trăn trở về con đường
đi lên của cách mạng; sớm thể hiện sự tìm tòi đổi mới tư duy về kinh tế,
nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; trân trọng, ủng hộ những sáng kiến
của cán bộ, nhân dân và các địa phương; cùng với tập thể Trung ương lãnh
đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện công cuộc đổi mới, đưa
đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, phá thế bị bao vây, cấm
vận; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tăng cường quốc phòng - an
ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại; thu được những thành tựu to lớn, có ý
nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Đối với quê hương Quảng Nam, đồng chí Võ Chí Công không chỉ là người
lãnh đạo có nhiều cống hiến to lớn trong những bước ngoặt lịch sử của
phong trào cách mạng, mà đồng chí còn dành nhiều tình cảm, tâm huyết cho
quê hương, để lại những di huấn quan trọng, có giá trị lý luận và thực
tiễn sâu sắc, trở thành nguồn động viên, cổ vũ lớn lao cho Đảng bộ,
chính quyền, quân và dân Quảng Nam trong công cuộc xây dựng và phát
triển quê hương, đất nước. Chính tình cảm sâu đậm, ấm áp đó, mà mỗi
người dân Quảng Nam luôn xem đồng chí Võ Chí Công là đại diện tiêu biểu
của mảnh đất, con người Quảng Nam và luôn gọi đồng chí với cái tên kính
trọng, trìu mến: Bác Năm Công.
Phát huy truyền thống quê hương anh hùng cách mạng, nêu gương sáng
ngời của đồng chí Võ Chí Công; Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng
Nam luôn giữ vững khối đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, vượt
qua mọi khó khăn, thử thách; vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp
phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quảng Nam từ
một tỉnh thuần nông, nằm trong nhóm nghèo nhất nước, đến nay, quy mô nền
kinh tế trên 102 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 40 lần so với năm 1997. Từ một
tỉnh phải nhận trợ cấp hơn 70% ngân sách Trung ương, đến năm 2017 Quảng
Nam đã tự cân đối được ngân sách và có điều tiết về Trung ương. Năm
2021 tổng thu ngân sách nhà nước đạt gần 24.000 tỷ đồng, gấp 200 lần so
với năm đầu tái lập.
Học tập tinh thần cách mạng và tấm gương đạo đức mẫu mực của đồng chí
Võ Chí Công, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp
tục đoàn kết, ra sức thi đua thực hiện hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 22, góp phần thực hiện
thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng,
xứng đáng là mảnh đất “trung dũng, kiên cường”, quê hương của Bác Năm
Công kính mến.
Trước đó, chiều 6-8 nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hội
đồng Nhà nước Võ Chí Công, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng
chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thăm hỏi, tặng quà các hộ gia đình chính
sách tiêu biểu tại tỉnh Quảng Nam và dâng hương tại Khu lưu niệm Chủ
tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công (thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, huyện
Núi Thành).
Theo qdnd.vn