Sáng 4-8, Thủ tướng Chính phủ
Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về chuyển đổi số dự sự kiện
"Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng" do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ
chức.
Cùng dự còn có các đồng
chí: Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ;
Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông
tin và Truyền thông; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo
các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp, khách hàng lớn của ngành
Ngân hàng.
Sự kiện có các hoạt động chính: Lễ công bố "Ngày chuyển đổi số" của
ngành Ngân hàng và ra mắt Ban chỉ đạo chuyển đổi số ngành Ngân hàng;
trình diễn demo công nghệ ngành Ngân hàng; hội thảo khoa học "Tăng cường
kết nối, thúc đẩy chuyển đổi số ngân hàng"; triển lãm các sản phẩm,
dịch vụ tiêu biểu về ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số của
ngành Ngân hàng.
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại sự kiện.
|
Tại chương trình, các đại biểu xem trình diễn về ứng dụng công nghệ
trong cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số; thảo luận về triển
khai kế hoạch, chiến lược chuyển đổi số ngành Ngân hàng; về tạo lập hệ
sinh thái số, phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ; chuyển đổi số ngân
hàng để thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện...
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho
biết, nước ta đang xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa; lấy con người làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực của sự
phát triển; phát huy tối đa trí tuệ, bản lĩnh, năng lực, đạo đức của con
người Việt Nam cho sự phát triển.
Ngành Ngân hàng đã và đang thực hiện các nền tảng quan điểm lý luận
trên để góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng; người dân
ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, chuyển đổi số là yếu tố
khách quan, tác động đến mọi người dân, do đó người dân phải là trung
tâm, chủ thể, động lực, mục tiêu của chuyển đổi số. Chuyển đổi số giúp
giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc
đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh
tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh
nghiệp, đồng thời giúp các cấp, ngành nâng cao năng lực quản lý điều
hành.
Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem đây là một trong những nhiệm
vụ trọng tâm hàng đầu. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề cập sâu sắc về
chuyển đổi số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến
lược. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ
trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ
tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển
đổi số.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia
đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Với tinh thần chuyển đổi số một
cách toàn diện, với sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước
nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm; mà ngành Ngân hàng hội tụ đủ những
yếu tố để tiên phong trong tiến trình đó.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, ngành Ngân hàng đã rất
nỗ lực, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các
hoạt động ngân hàng như các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (tăng
trưởng thanh toán qua di động hằng năm đạt trên 90%; 1,77 triệu tài
khoản Mobile-money, hơn 67% tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa…);
phát triển nhiều dịch vụ ngân hàng trên kênh số (mở tài khoản thanh
toán, mở thẻ ngân hàng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm trực tuyến…); đẩy
mạnh cung cấp thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tạo
thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; kết nối, tích hợp các thông tin,
dữ liệu với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành phục vụ công tác chỉ
đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đáng chú ý, Ngân hàng
Nhà nước đã tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai Đề án 06 và đưa
ra nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực phục vụ kịp thời người dân, doanh
nghiệp.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, sự kiện "Ngày chuyển đổi số ngành
Ngân hàng” thể hiện sự nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, sự hưởng
ứng mạnh mẽ của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, của người
dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, nhiệt liệt biểu
dương và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm của ngành Ngân hàng góp
phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham quan trưng bày công nghệ chuyển đổi số của một số ngân hàng.
|
Thủ tướng cho rằng, công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển
đổi số vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước, còn nhiều việc
cần phải làm như: Vướng mắc về cơ chế, chính sách; kết nối giữa các nền
tảng; an toàn, an ninh thông tin; kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin;
thiếu hụt nhân lực trình độ cao, nhất là nhân lực công nghệ thông tin...
Do đó, Thủ tướng yêu cầu ngành Ngân hàng tập trung khắc phục những
hạn chế, bất cập, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa tiến trình chuyển đổi số,
đáp ứng các yêu cầu, đạt được mục tiêu đề ra, đặc biệt là phát huy hơn
nữa vai trò, ý nghĩa quan trọng, nâng cao hiệu quả của chuyển đổi số đối
với ngành Ngân hàng và nền kinh tế.
Về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành
Ngân hàng cần tiếp tục chủ động nắm bắt nhu cầu thực tiễn của người dân,
doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng để xây dựng các văn bản pháp lý phù
hợp với thực tiễn và bối cảnh chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho ứng dụng
công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân
hàng để nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo sự hài lòng, gắn bó của khách
hàng.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khẩn
trương hoàn thiện trình Chính phủ Nghị định thanh toán không dùng tiền
mặt; mặt khác, cần xây dựng, thử nghiệm và áp dụng khung pháp lý mới đối
với phát triển công nghệ tài chính.
Thủ tướng đề nghị triển khai chuyển đổi số một cách tổng thể, đảm bảo
hiệu quả, không được lãng phí nguồn lực; có trọng tâm, trọng điểm;
tránh tình trạng "trăm hoa đua nở"; phân định rõ ứng dụng công nghệ và
trung gian tài chính, tránh tình trạng doanh nghiệp công nghệ lấn sân
sang hoạt động trung gian tài chính.
Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, phát triển các hạ
tầng dùng chung của ngành như hạ tầng thanh toán, hạ tầng thông tin tín
dụng để làm hạt nhân và theo kịp được nhu cầu phát triển của các tổ chức
tín dụng, trung gian thanh toán; đẩy mạnh kết nối, liên kết giữa ngân
hàng, tổ chức tín dụng với các ngành, lĩnh vực khác nhằm mang lợi ích
cho người dân, doanh nghiệp.
Về thúc đẩy triển khai Đề án 06, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, tiếp
tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan
để tích hợp, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ
sở dữ liệu chuyên ngành để từng bước xây dựng hệ sinh thái công dân số
mang lại giá trị mới và lợi ích mới thiết thực cho người dân, doanh
nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, phòng, chống dịch Covid-19.
Cùng với Đề án 06, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần đẩy mạnh các dịch vụ
công trực tuyến ngành Ngân hàng trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi
số trong lĩnh vực ngân hàng đến người dân, doanh nghiệp, giúp người dân,
doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả. "Nhận thức sẽ đóng vai trò
quyết định trong chuyển đổi số và chuyển đổi số chỉ thực sự thành công
khi mỗi một người dân, doanh nghiệp hiểu, tích cực tham gia và thụ hưởng
các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại", Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, ngành Ngân hàng quan tâm
tới công tác đào đạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là về
nhân lực công nghệ; tăng cường kỷ cương, kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp
để phát huy cao nhất năng lực, trí tuệ của người lao động ngành Ngân
hàng nhằm phục vụ tốt hơn nữa người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó,
đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi số để phát triển,
tiếp nhận các công nghệ mới vào các hoạt động ngân hàng như công nghệ
giao tiếp tầm ngắn, công nghệ thẻ thanh toán không tiếp xúc…
Nhân sự kiện này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì khẩn trương
hoàn thiện các quy định pháp lý về định danh và xác thực điện tử, bảo vệ
dữ liệu cá nhân, tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 06, sớm kết nối với
các ngành, lĩnh vực ưu tiên, trong đó có ngành Ngân hàng. Bộ Thông tin
và Truyền thông chủ trì sớm trình Luật giao dịch điện tử (sửa đổi, trong
đó có vấn đề chữ ký điện tử, hợp đồng điện tử, xác thực điện tử phù hợp
với thực tiễn). Các bộ, ngành liên quan chú trọng nâng cấp hạ tầng kỹ
thuật, xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, chia sẻ với các ngành,
lĩnh vực khác, trong đó có ngành Ngân hàng để thiết lập hệ sinh thái số,
phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp.
Theo qdnd.vn