Các ý kiến tại Hội nghị đã làm rõ những vấn đề đang được xã hội quan
tâm và đề xuất khắc phục những tồn tại, vướng mắc để phát triển ngành
Giáo dục đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; tập trung vào những nhóm
vấn đề như: chế độ đãi ngộ với nhà giáo, tinh giản biên chế trong ngành
Giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô trường lớp, thiếu giáo
viên, phân luồng giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao…
Các đại biểu đề nghị, tỉnh cần có cơ chế thu hút học sinh giỏi vào
trường sư phạm và nhân lực chất lượng cao vào ngành Giáo dục; chính sách
đối với phát triển trường Trung học Cơ sở trọng điểm; cần có cơ chế đặc
thù đối với việc tinh giản biên chế trong ngành; giải pháp quản lý các
cơ sở giáo dục sau sáp nhập, nhất là những trường vượt quy mô. Tỉnh cần
quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các trường nghề để đáp ứng nhu cầu
đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương...
Giải đáp các ý kiến về tinh giản biên chế, Phó Giám đốc Sở Nội vụ
Trịnh Ngọc Thành cho biết, từ nay đến hết năm 2026, tỉnh cần giảm ít
nhất 5% cán bộ công chức và 10% viên chức làm tại các cơ sở sự nghiệp
công lập. Ngành Giáo dục thuộc đối tượng phải tinh giản biên chế. Từ năm
2024, các cơ sở giáo dục công lập vẫn thực hiện tinh giản theo lộ trình
nhưng không giảm một cách cơ học mà phải gắn với việc chuyển sang hưởng
lương từ nguồn thu sự nghiệp. Các trường cần chủ động xây dựng kế
hoạch. Tiếp thu các ý kiến, đề xuất, Sở Nội vụ sẽ kiến nghị lên Trung
ương có chính sách tinh giản biên chế đặc thù với ngành.
Về giáo dục hướng nghiệp, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương
Lương Văn Việt cho biết, năm 2023, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học
Cơ sở đi học nghề chỉ đạt xấp xỉ 20%, thấp hơn nhiều so mục tiêu. Giải
pháp để tăng tỷ lệ này là địa phương cần quy hoạch lại mạng lưới giáo
dục trường nghề; nâng cao cơ sở vật chất các trường và chất lượng đội
ngũ nhà giáo để phụ huynh yên tâm gửi gắm con em. Cùng với đó, tỉnh cần
đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của việc học nghề.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng cho biết, thời
gian tới, tỉnh xác định nhiều giải pháp. Nhóm giải pháp ưu tiên là tăng
cường tuyên truyền, định hướng dư luận tạo sự chuyển biến sâu sắc về
nhận thức và hành động, sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo
viên, học sinh và các tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới giáo
dục và đào tạo. Tỉnh sẽ tích cực thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao
chất lượng giáo dục phổ thông, chú trọng công tác bồi dưỡng học sinh
giỏi, học sinh năng khiếu trên cơ sở bảo đảm giáo dục toàn diện. Hải
Dương tiếp tục rà soát quy hoạch, bố trí quỹ đất cho giáo dục, ưu tiên
dành quỹ đất cho xây dựng, mở rộng trường, nhất là khu vực đô
thị, đông dân cư, các địa phương phát triển khu, cụm công nghiệp; tiếp
tục rà soát, sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ, giáo viên.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng đề
nghị, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tập hợp các vấn đề và triển khai
tháo gỡ. Ngành Giáo dục cần rà soát, kiến nghị với Trung ương, trong đó
tập trung các nội dung như: chính sách đặc thù về tinh giản biên chế;
nâng cao thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức của ngành; điều chỉnh
phù hợp tiêu chí về quy mô các trường học sau khi sáp nhập. Một số nhóm
vấn đề được nêu tại Hội nghị thuộc chức năng của các sở, ban, ngành có
thể xem xét, giải quyết ngay như: ưu đãi học phí cho con em người Hải
Dương học nghề tại các trường trong tỉnh; tổ chức thi nâng ngạch cho
giáo viên, giảng viên; hỗ trợ cho việc tham gia hội thi nhà giáo...
Giai đoạn 2013 - 2023, tỉnh Hải Dương đã ban hành nhiều chủ
trương, chính sách, cơ chế tạo chuyển biến trong phát triển
giáo dục đào tạo cả về quy mô và chất lượng, tập trung nhiều nguồn
lực đầu tư cho giáo dục, dành tối đa nguồn lực từ ngân sách Nhà
nước chi cho giáo dục và đào tạo theo kế hoạch. Địa phương đã huy động
40% nguồn thu từ học phí để tạo nguồn cải cách tiền lương; khuyến khích
huy động các nguồn lực xã hội tham gia đóng góp vào sự nghiệp phát triển
giáo dục và đào tạo; chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách.
Nhờ đó, quy mô, chất lượng giáo dục và đào tạo ở các cấp học, bậc học
của tỉnh ngày càng nâng cao, cả giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được tăng cường. Việc bồi dưỡng
học sinh giỏi được chú trọng và đạt nhiều thành tích. Năm học 2022 -
2023, Hải Dương tiếp tục ở tốp đầu cả nước về thành tích học sinh giỏi
quốc gia, xếp thứ 12 toàn quốc về điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ
thông lớp 12, tăng 3 bậc so với năm học trước.
Theo TTXVN