Thời gian qua, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã có nhiều hoạt động
thiết thực chăm lo nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Trong ảnh: Hội Nạn
nhân chất độc da cam/dioxin huyện Nam Sách trao xe lăn cho bà Nguyễn Thị
Hoan (sinh năm 1944, ở xã Thái Tân)
Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính
quyền, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang trong tỉnh đã đẩy mạnh
tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14.5.2015 của Ban Bí
thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác
giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở
Việt Nam; tích cực vận động toàn dân hưởng ứng phong trào “Hành động vì
nạn nhân chất độc da cam"; kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp,
nhà hảo tâm tiếp tục chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Qua đó góp phần
chia sẻ, giúp đỡ nạn nhân da cam giảm bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc
sống, hòa nhập cộng đồng, góp phần thực hiện tốt công tác "đền ơn, đáp
nghĩa" và bảo đảm an sinh xã hội.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hàng nghìn người con
ưu tú đã anh dũng hy sinh, hiến trọn tuổi xuân cho đất nước; hàng
nghìn người để lại một phần xương máu nơi chiến trường. Nhiều người trở
về bị phơi nhiễm chất độc da cam, mang trong mình nỗi đau âm ỉ, một vết
thương không mảnh đạn.
Qua các tài liệu đã công bố, chất độc da cam/dioxin do quân đội Mỹ rải
xuống nước ta đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3
triệu người là nạn nhân, hàng trăm nghìn người chết, hàng triệu người
mắc các bệnh nan y, hiểm nghèo… Chất độc ấy truyền từ thế hệ này sang
thế hệ khác; hàng vạn trẻ em bị dị tật bẩm sinh, sống thực
vật, không có một phút sống như người thường. Nhiều phụ nữ
không được hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ; nhiều người khác
đang chết dần, chết mòn, chịu nhiều đau đớn vì những căn bệnh
quái ác liên quan đến chất độc da cam/dioxin.
Những năm qua, Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành đã quan tâm xây dựng,
ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan đến nhiệm vụ khắc phục hậu
quả chất độc hóa học sau chiến tranh; đồng thời, đặc biệt coi trọng giải
quyết chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng nói chung
và người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học nói riêng. Hội
Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp đã vận động nguồn quỹ xã hội hóa
để chăm lo hỗ trợ, tạo điều kiện về mọi mặt cho các nạn nhân và gia
đình có thêm động lực phấn đấu vượt qua khó khăn, bệnh tật, ổn định cuộc
sống, hòa nhập cộng đồng. Từ nguồn kinh phí này, các cấp hội có nhiều
hoạt động thiết thực như hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, nhà nhân ái, hỗ
trợ vật nuôi và cây trồng; trao học bổng; cấp xe lăn, xe đạp; tổ chức
các đợt khám bệnh, phục hồi chức năng cho nạn nhân…
Tuy nhiên, nhiều gia đình nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin vẫn đang
gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, nguyên nhân chủ yếu vẫn là
không có khả năng lao động để làm việc kiếm thêm thu nhập ngoài khoản
trợ cấp hằng tháng. Gia đình có vợ, chồng hay con bị nhiễm chất độc da
cam/dioxin thường phải dành thời gian chăm sóc, nhất là với những nạn
nhân bị ảnh hưởng nặng, mất khả năng tự phục vụ bản thân. Gánh nặng mà
những gia đình này phải chịu là rất lớn và không gì có thể bù đắp nổi.
Do đó, luôn cần có sự chung tay của các cấp, ngành và toàn xã hội để
giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin.