Quang cảnh phiên thảo luận ở tổ 14 gồm các đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, Sơn La, Bình Thuận
Nội dung thảo luận ở tổ về đánh
giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và
ngân sách nhà nước năm 2022, tình hình thực hiện những tháng đầu năm
2023; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 và một số
nội dung khác.
6 giải pháp cho nền kinh tế Việt Nam năm 2023
Nhận định bước sang năm 2023, nền kinh tế Việt Nam đối mặt với những
thuận lợi và thách thức đan xen, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại
biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương kiến nghị 6 nhóm giải pháp thúc đẩy
nền kinh tế.
Một là, đổi mới các nền tảng vĩ mô. Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho
rằng cần tập trung rà soát, đánh giá kết quả thực hiện, đề ra các giải
pháp cụ thể để triển khai nghị quyết của các hội nghị Ban Chấp hành
Trung ương về đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện hiệu quả tiến
trình hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế tư nhân, định hướng
thu hút đầu tư nước ngoài...
Hai là, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt. Cụ thể, cần tiếp tục
điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, đồng bộ
nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó
khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Truyền thông về định hướng ưu
tiên bảo vệ giá trị VND, không phá giá VND để hỗ trợ xuất khẩu.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) kiến nghị 6 nhóm giải pháp phát triển nền kinh tế
Ba là, thực hiện chính sách tài khóa
chủ động. Trong đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị thực hiện
nghiêm kỷ luật chi ngân sách nhà nước nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu đề
ra cho năm 2023 và giảm áp lực cho thu ngân sách nhà nước. Rà soát,
đánh giá các khoản thu đối với xăng dầu và cân nhắc dư địa để điều chỉnh
giảm các khoản thu này.
Bốn là, tiếp tục đẩy nhanh các cấu phần trong Chương trình phục hồi,
phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023, các chương trình mục
tiêu quốc gia và giải ngân vốn đầu tư công. Triển khai kịp thời và hiệu
quả gói hỗ trợ lãi suất 2% quy mô 40.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ tài chính
cho doanh nghiệp; phấn đấu hết năm đạt khoảng 85 - 90% kế hoạch giải
ngân vốn đầu tư công.
Năm là, hoàn thiện thể chế, tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao tính
minh bạch, chuyên nghiệp và hiệu quả cho thị trường tài chính, quan tâm
kiểm soát rủi ro hệ thống tài chính. Trước hết, cần nghiên cứu ban
hành Luật Bảo vệ nhà đầu tư và thành lập Quỹ Bảo vệ nhà đầu tư.
Sáu là, các cơ quan điều hành cần tăng cường khả năng dự báo, chủ động
xây dựng các kịch bản kèm hành động ứng phó để có phương án thích ứng
kịp thời, không bị động...
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) bày to lo ngại về vấn đề việc làm cho người lao động
Giải quyết việc làm là vấn đề bức thiết
Nhất trí với báo cáo của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thị Mai
Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại
biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhấn mạnh sự cần thiết phải quan tâm
giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động. Từ cuối năm 2022 đến
nay, lao động mất việc làm, bị giãn hoãn hợp đồng, lao động trẻ tiềm
năng chưa được khai thác là những vấn đề về kinh tế - xã hội nổi lên.
Trong 4 tháng đầu năm, 77.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải
thể, tăng 25,1% so với cùng kỳ; số người lao động rút bảo hiểm xã hội
một lần tiếp tục tăng. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động
lại giảm 2% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước thấp,
có tỉnh tăng trưởng âm.
"Rõ ràng, hệ quả của tình trạng trên là một bộ phận không nhỏ người lao
động mất việc làm", đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa bày tỏ lo lắng.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương ở phiên thảo luận tổ sáng 25.5
Dẫn chứng số liệu qua báo chí phản
ánh, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa nêu: 118.000 lao động đã mất việc làm
ở các doanh nghiệp trong quý IV.2022, tập trung ở ngành dệt may, da
giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử (chiếm 55,2%). Sang quý
I.2023, con số này tăng lên gần 149.000 người. Trong tháng 6 và tháng 7
tới, nhiều công ty tiếp tục cắt giảm lao động, hầu hết người lao
động đã trên 40 tuổi.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa đề nghị quan tâm hỗ trợ hoạt động
sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp vừa
và nhỏ. Giải pháp quan trọng là cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
với việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, đơn giản hoá thủ tục hành
chính.