Nếu được Quốc hội thông qua vào năm
2023, Luật Đất đai sửa đổi sẽ bảo đảm tốt hơn quyền lợi người dân, nâng
cao hiệu quả sử dụng đất so với quy định hiện hành.
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ bảo đảm quyền lợi chính đáng của người
dân trong vùng quy hoạch, khắc phục tình trạng quy hoạch "treo". Trong
ảnh: Người dân ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) bị ảnh hưởng bởi quy
hoạch mở rộng đường nhưng hàng chục năm không triển khai thực hiện
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại trong Luật Đất đai năm 2013.
Bảo đảm quyền lợi người dân
Tại Hải Dương, đặc biệt là ở TP Hải Dương, tình trạng quy hoạch "treo"
hàng chục năm khiến người dân trong vùng quy hoạch gặp nhiều khó khăn,
bị hạn chế quyền lợi trong việc sử dụng đất (SDĐ). Luật Đất đai hiện
hành chưa quy định cụ thể để bảo vệ quyền lợi của người SDĐ trong vùng
quy hoạch. Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã khắc phục điều này, bổ sung,
hoàn thiện các quy định về việc thực hiện các quyền của người SDĐ trong
các khu vực quy hoạch. Cụ thể, điều 51 của dự thảo luật này nêu rõ, diện
tích đất ghi trong kế hoạch SDĐ cấp huyện đã được phê duyệt thu hồi để
thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích SDĐ mà sau 3 năm chưa có quyết
định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích SDĐ thì phải điều
chỉnh hoặc hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh hoặc hủy bỏ. Trường
hợp không thực hiện, người SDĐ không bị hạn chế về các quyền SDĐ đã được
pháp luật quy định. Đối với những dự án đầu tư công, nếu quá 5 năm chưa
thực hiện thì người SDĐ trong vùng quy hoạch được thực hiện các quyền
của người SDĐ theo quy định.
Là người dân bị ảnh hưởng bởi quy hoạch "treo", ông Hoàng Văn Đồng ở
phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) bày tỏ việc quy định rõ thời gian như
trên rất cần thiết. Nếu nội dung này được thông qua sẽ bảo vệ được quyền
lợi chính đáng cho người dân, đồng thời khắc phục tình trạng quy hoạch
không thực hiện, trong khi người dân phải sống trong căn nhà lụp xụp, đi
không được, ở chẳng xong.
Thực tế phần lớn các dự án triển khai trên địa bàn tỉnh đều gặp khó
trong giải phóng mặt bằng, tái định cư, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực
hiện dự án. Nguyên nhân chủ yếu do người có đất bị thu hồi chưa đồng
thuận, khiếu nại, tái định cư chậm so với yêu cầu thu hồi đất… Dự thảo
Luật Đất đai sửa đổi đã bổ sung một số nội dung liên quan đến vấn đề bồi
thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo hướng đa dạng
các hình thức bồi thường về đất đối với hộ, cá nhân có đất bị thu hồi để
phù hợp nhu cầu người SDĐ và điều kiện cụ thể của từng địa phương. Quy
định việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải thực
hiện trước khi có quyết định thu hồi đất. Việc thu hồi đất ở chỉ được
thực hiện sau khi hoàn thành bố trí tái định cư, trừ trường hợp tái định
cư tại chỗ. Bổ sung quy định thành lập quỹ hỗ trợ để hỗ trợ cho người
cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em thuộc đối tượng bảo trợ xã hội thuộc
diện phải di chuyển chỗ ở khi Nhà nước thu hồi đất...
Nâng cao hiệu quả sử dụng đất
Trong việc xác định tài chính liên quan đến đất đai, một trong những
nguyên tắc định giá đất là phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị
trường. Nhưng trên thực tế khung giá đất do Chính phủ ban hành thấp hơn
giá thị trường dẫn đến việc ban hành bảng giá đất tại các địa phương
chưa sát thị trường. Thực tế này làm thất thu thuế chuyển nhượng quyền
SDĐ, thuế SDĐ phi nông nghiệp. Bên cạnh đó, còn tình trạng dự án chậm
đưa đất vào sử dụng, để đất hoang hóa, lãng phí, dư luận bức xúc. Để SDĐ
đai hiệu quả, chống thất thoát cho ngân sách nhà nước, dự thảo Luật Đất
đai sửa đổi đã bổ sung khoản thu từ đất đai. Cụ thể bỏ quy định khung
giá đất của Chính phủ, sửa đổi quy định về bảng giá đất và giá đất cụ
thể. Bổ sung thu tiền SDĐ, tiền thuê đất tăng thêm đối với các dự án
chậm tiến độ, không đưa đất vào sử dụng…
Theo UBND TP Hải Dương, với quy định hiện hành, căn cứ để giao đất, cho
thuê đất, cho phép chuyển mục đích SDĐ là kế hoạch SDĐ hằng năm của cấp
huyện đã được phê duyệt và nhu cầu SDĐ thể hiện trong dự án đầu tư. Tuy
nhiên, khi triển khai thực hiện phải căn cứ thêm quy hoạch xây dựng và
các quy hoạch khác. Trong quá trình thực hiện, có những dự án đề nghị
quyết định chủ trương đầu tư sau khi kế hoạch SDĐ đã được phê duyệt
nhưng không có quy định cụ thể quyết định chủ trương đầu tư có trước hay
kế hoạch SDĐ có trước, gây khó khăn trong công tác quản lý và thực hiện
quy hoạch. Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã bổ sung, sửa đổi một số nội
dung liên quan đến vấn đề quy hoạch, kế hoạch SDĐ nhằm mục tiêu xây dựng
hệ thống quy hoạch SDĐ thống nhất. Đổi mới nội dung, phương pháp, quy
trình tổ chức lập, điều chỉnh và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch SDĐ.
Theo ông Hoàng Văn Thực, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, dự thảo
Luật Đất đai sửa đổi đã thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương,
giải pháp của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn và xu thế phát triển với
nhiều điểm mới. Nội dung của dự thảo luật đã khắc phục các tồn tại, bất
cập của Luật Đất đai năm 2013, hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ,
thống nhất để quản lý, SDĐ đai hiệu quả, tiết kiệm, đáp ứng yêu cầu phát
triển kinh tế-xã hội. Dự thảo đã tạo lập cơ sở pháp lý cho quản lý,
khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả tài nguyên, nguồn lực
đất đai, giải quyết hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, người SDĐ và
nhà đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các giao dịch về quyền SDĐ,
phát triển thị trường bất động sản công khai, minh bạch, lành mạnh hơn.
Dự thảo Luật Đất
đai sửa đổi gồm 16 chương với 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa
đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều. Theo kế
hoạch, dự thảo luật này sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 vào
tháng 10.2022, kỳ họp thứ 5 vào tháng 5.2023 và thông qua tại kỳ họp
thứ 6 vào tháng 10.2023. |