Ngày 6/12/2024, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký văn bản số 141/KH-BCĐTKNQ18 về Kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ.
Tại Hải Dương, ngày 4/12, Ban Tổ chức Tỉnh ủy cũng đã có công văn truyền đạt ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhất trí gợi ý để các cơ quan, đơn vị, địa phương kiến nghị, đề xuất việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thuộc tỉnh. Theo đó nhiều cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy được đề xuất kết thúc hoạt động, chuyển một số tổ chức đảng về Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy. Một số sở, ngành, cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, phòng, ban trực thuộc UBND huyện cũng sẽ kết thúc hoạt động, sáp nhập...
Chủ trương, kế hoạch này được đưa ra khi các địa phương trong cả nước nói chung, Hải Dương nói riêng đang tăng tốc, đẩy mạnh hoàn thành, hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, chuẩn bị bước vào năm cuối nhiệm kỳ 2020 – 2025, đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, mỗi cơ quan, đơn vị, cá nhân. Tuy nhiên, tại một số cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cũng bộc lộ tâm tư bởi cơ quan sắp sáp nhập, dừng hoạt động.
Cuối tuần, tôi có việc phải liên lạc với lãnh đạo một phòng chuyên môn thuộc diện dự kiến sáp nhập ở cấp huyện. Vừa nhấc máy, người này đã từ chối trao đổi thông tin và cho biết phòng đang rất bận dịp cuối năm, hơn nữa cũng sắp sáp nhập nên không trả lời, cung cấp thông tin.
Tương tự, lãnh đạo một phòng chuyên môn thuộc diện kết thúc hoạt động theo gợi ý của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho biết thời điểm này phòng đang phải giải quyết rất nhiều việc, nhiều công việc có tính chất phức tạp nên chủ trương kết thúc hoạt động đã ít nhiều tác động tới suy nghĩ, tâm tư của công chức, thậm chí có người còn có biểu hiện đùn đẩy, ngại nhận việc.
Thực tế, việc tách, nhập các cơ quan, địa phương, tổ chức, sở, ngành, phòng, ban trong cả nước và ở Hải Dương đã từng được thực hiện nhiều lần.
Gần đây nhất, toàn tỉnh đã sắp xếp 57 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 28 đơn vị hành chính mới. Ngay sau sắp xếp, bộ máy hành chính các đơn vị cấp xã mới lập tức đi vào hoạt động ổn định. Các địa phương không nhận được đơn thư, kiến nghị của cán bộ, công chức thuộc diện dôi dư trong quá trình thực hiện giải quyết chế độ.
3 huyện đã thành lập Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông trên cơ sở sáp nhập đài truyền thanh cấp huyện và trung tâm văn hóa, thông tin - thể thao theo quyết định của UBND tỉnh. Các địa phương khác đang chuẩn bị công bố. Tháng 4/2023, Trường Cao đẳng Hải Dương được sáp nhập vào Trường Đại học Hải Dương. Ngày 1/1/2025 tới đây, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) sẽ giải thể để thành lập Phòng Quản lý môi trường trực thuộc sở này...
Tính từ năm 2020 đến đầu năm 2024, tỉnh đã sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong đối với 40 đơn vị sự nghiệp công lập. Sau sắp xếp đã giảm được 40 phòng và tương tương, giảm 4 trưởng phòng và 50 phó trưởng phòng.
Có thể thấy, việc sắp xếp tổ chức bộ máy là chủ trương đúng nhằm tinh gọn đầu mối, giảm người ăn lương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị. Thuận lợi lần này là cả 3 cấp Trung ương, tỉnh, huyện cùng thực hiện, trung ương nêu gương làm trước nên tỉnh có thể học Trung ương, huyện có thể học tỉnh. Kết quả của đợt cải cách tinh gọn tổ chức lần này chắc chắn sẽ tốt hơn những lần trước.
Người đứng đầu các đơn vị cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu tiên phong trong cuộc cách mạng lần này. Lãnh đạo cần quyết tâm cao, chỉ đạo sát để vượt qua tâm lý ngại thay đổi, không để gián đoạn công việc do thực hiện sắp xếp.
Đặc biệt, mỗi cán bộ, công chức cần nêu cao tinh thần trách nhiệm với công việc mình đang đảm nhiệm. Đây cũng là bước thử cho sự bứt phá, đổi mới, vượt qua khó khăn với từng cán bộ, công chức.