Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, ngày 15.8
"Mối quan hệ thương mại kinh tế giữa Nga
và Trung Quốc là công bằng và minh bạch. Hai bên không nhắm mục tiêu
vào các nước thứ ba và không chịu sự can thiệp và ép buộc của bên thứ
ba”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát biểu trước báo giới
ngày 8.5.
Ông Uông nói thêm trong trường hợp EU áp
dụng các biện pháp trừng phạt đối với các thực thể Trung Quốc, động
thái này có thể "vi phạm nghiêm trọng lòng tin và sự hợp tác với Trung
Quốc, làm trầm trọng thêm sự chia rẽ và đối đầu trên thế giới”.
Người phát ngôn Uông Văn Bân nhấn mạnh
rằng nếu các biện pháp trừng phạt đó có hiệu lực, Trung Quốc sẽ có hành
động cứng rắn để bảo vệ lợi ích của mình.
Ngày 7.5, truyền thông đưa tin Liên minh
châu Âu (EU) lần đầu tiên có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt đối
với các công ty Trung Quốc bị cáo buộc bán thiết bị quân sự cho Nga
trong bối cảnh Moskva đang tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở
Ukraine.
Theo dự thảo trừng phạt mà tạp chí
Financial Times được tiếp cận, hiện 7 công ty Trung Quốc bị cáo buộc bán
cho Nga linh kiện có thể được sử dụng trong vũ khí. Danh sách dự thảo
gói trừng phạt mới của EU sẽ được các nước thành viên của liên minh châu
lục này thảo luận trong tuần này. Một số doanh nghiệp trong số này vốn
đã nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ.
Cho tới nay EU vẫn thường tránh đưa ra
các biện pháp trừng phạt nhắm vào các doanh nghiệp Trung Quốc với lập
luận không đủ bằng chứng, nhưng có vẻ như họ đang thay đổi lập trường
với động thái mới này. Gói trừng phạt này cần phải được tất cả 27 nước
thành viên EU thông qua mới đủ điều kiện để áp dụng.
Theo báo Tin tức