Theo trang qz.com, gần đây, một số nước
EU đã vướng vào tranh cãi thương mại với Trung Quốc. Ví dụ như vụ Trung
Quốc tẩy chay hàng hóa của Litva hay cảnh báo hậu quả nếu Hà Lan chặn
xuất khẩu công nghệ bán dẫn.
Sau các cuộc đàm phán thâu đêm ngày 28.3
vừa rồi, Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu đã nhất
trí xây dựng công cụ chống ép buộc. Đây là biện pháp phòng vệ thương mại
mới, với mục tiêu là ngăn chặn các nước ép buộc kinh tế.
Hội đồng châu Âu cho biết trong một
tuyên bố: “Mục đích của công cụ này là ngăn chặn các nước thứ ba nhằm
vào EU và các quốc gia thành viên thông qua ép buộc kinh tế bằng các
biện pháp ảnh hưởng đến thương mại hoặc đầu tư”.
Mặc dù EU đã có sẵn một số phương án
phòng vệ thương mại trong bộ công cụ, như các biện pháp chống bán phá
giá và chống trợ cấp, nhưng công cụ chống ép buộc nói trên sẽ mở rộng
khả năng phòng thủ của EU khi cho phép khối này thực hiện các biện pháp
đối phó như tăng thuế hải quan, yêu cầu giấy phép xuất nhập khẩu và đưa
ra các hạn chế về dịch vụ và mua sắm công.
Công cụ này cũng là phương thức thay thế
để giải quyết các tranh chấp thương mại và một sự lựa chọn đáng hoan
nghênh ở EU vì con đường khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)
thường mất thời gian.
Hiện nay, Ủy ban châu Âu và Nghị viện
châu Âu sẽ cần đưa ra các chi tiết quy định của công cụ chống ép buộc và
thông qua luật liên quan công cụ này. Quá trình đó dự kiến mất vài
tháng.
Sau khi luật có hiệu lực, Ủy ban châu Âu
có thể thực hiện các cuộc điều tra nhằm xem liệu các hành động của nước
thứ ba có phải là ép buộc hay không. Nếu 55% quốc gia thành viên EU
đồng ý với đánh giá của Ủy ban châu Âu rằng có sự ép buộc, thì các nước
này, Ủy ban châu Âu và Nghị viện châu Âu sẽ quyết định các biện pháp đối
phó với nước thứ ba.
Công cụ mới xuất hiện trong bối cảnh
nhiều nước trên thế giới phụ thuộc vào Trung Quốc trong các chuỗi cung
ứng quan trọng như chất bán dẫn, xe điện và khoáng sản.
Nỗ lực của châu Âu nhằm củng cố các biện
pháp phòng vệ thương mại là một phần trong kế hoạch giảm phụ thuộc
Trung Quốc, xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt và tăng cường an ninh kinh
tế.
Có một loạt công cụ phòng vệ thương mại
mạnh mẽ (như công cụ trợ cấp nước ngoài được thông qua gần đây và công
cụ chống ép buộc mới được nhất trí) có thể đủ sức răn đe đối với một số
hình thức ép buộc kinh tế.
Giới chức EU nhấn mạnh vai trò chính của
công cụ này là biện pháp bảo vệ các lợi ích kinh tế của khối. Chính
sách này sẽ có hiệu lực vào nửa sau của năm 2023, dự kiến chỉ áp dụng
cho các trường hợp mới phát sinh chứ không giải quyết các trường hợp đã
xảy ra trước đó.
Tuy nhiên, một số nước thành viên EU tỏ
ra hoài nghi trước độ hiệu quả của biện pháp này, đồng thời quan ngại
rằng biện pháp này có thể mang tính chất bảo hộ hoặc vô tình "châm ngòi"
cho những cuộc chiến thương mại. Đề xuất chính sách này lần đầu được
đưa ra vào tháng 12.2021, được Nghị viện và Hội đồng châu Âu thảo luận
trước khi nhất trí chung.
Ông Bernd Lange, nhà đàm phán trưởng của
Nghị viện châu Âu, nói với các phóng viên: “Đó thực sự không phải là
súng nước, đó là một khẩu súng và đôi khi cần phải đặt súng lên bàn,
ngay cả khi biết rằng sẽ không dùng tới”.