Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Phó Tổng tư
lệnh quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có
vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc
ta”.
Nữ tướng Nguyễn Thị Định mất ngày này cách đây 30 năm - ngày 26.8.1992.
Vị tướng huyền thoại của “Đội quân tóc dài”
Nữ tướng Nguyễn Thị Định (người dân vẫn
trìu mến gọi Cô Ba Định) sinh ngày 15/2/1920 tại xã Lương Hòa, huyện
Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, bà sớm
giác ngộ và lựa chọn con đường đi theo cách mạng.
Năm 1936, vừa tròn 16 tuổi, Nguyễn Thị
Định đảm nhận nhiệm vụ giao liên, rải truyền đơn và tham gia vận động
quần chúng đấu tranh. Hai năm sau bà được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Cũng trong thời gian này, bà xây dựng gia đình với ông Nguyễn Văn Bích -
Tỉnh ủy viên tỉnh Bến Tre. Nhưng không lâu sau đó, ông bị Pháp bắt đày
đi Côn Đảo và hy sinh tại đó. Nhận được tin chồng hy sinh, lòng căm thù
của bà lại nhân gấp bội. Gửi con còn nhỏ cho mẹ chăm sóc, bà thoát ly
tham gia hoạt động cách mạng tại tỉnh nhà.
Năm 1940, đến lượt bà bị Pháp bắt và
biệt giam tại nhà tù Bà Rá, tỉnh Sông Bé (nay thuộc tỉnh Bình Phước). Ba
năm tù cũng là ba năm họat động kiên cường, bất khuất của bà. Năm 1943,
ra tù trở về Bến Tre, bà liên lạc với tổ chức Đảng, chính quyền cách
mạng của tỉnh và tham gia giành chính quyền vào tháng 8.1945.
Tuy ít tuổi nhưng nhờ có ý chí kiên
cường, lòng yêu nước mãnh liệt, lại mưu trí nên bà được Tỉnh ủy chọn là
người phụ nữ đầu tiên của Đoàn cán bộ Nam Bộ vượt biển ra Bắc báo cáo
với Đảng và Bác Hồ về tình hình chiến trường Nam bộ và xin vũ khí chi
viện. Bà cũng là người duy nhất trong phái đoàn 4 người trở về Bến Tre
với chiếc thuyền chở đầy vũ khí. Vượt qua mạng lưới bố phòng dày đặc của
địch, con tàu “không số” chở 12 tấn vũ khí đã cập bến an toàn, kịp thời
chi viện cho chiến trường Nam Bộ; trở thành một trong những người góp
phần quan trọng cho việc hình thành “Đường Hồ Chí Minh trên biển” ngay
từ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp và phát triển rực rỡ sau này
trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu
nước, Bến Tre là một trong những chiến trường ác liệt, là nơi Mỹ - Ngụy
thí điểm áp dụng các chiến thuật và thủ đoạn quân sự mới với chiêu bài
"tố cộng, diệt cộng", đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng, biến cả
miền Nam thành nhà tù, trại tập trung dưới cái tên "ấp chiến lược".
Nghị quyết 15 của Trung ương ra đời và
đến với tỉnh Bến Tre như “nắng hạn gặp mưa rào”. Theo đó, Đảng chủ
trương sử dụng vũ trang để hỗ trợ đấu tranh chính trị, điều này cũng đáp
ứng được nhu cầu tình thế và sự mong ước của Đảng bộ và nhân dân xứ
dừa. Nguyễn Thị Định sau khi được quán triệt Nghị quyết số 15, trở về
cùng lãnh đạo Tỉnh ủy triệu tập Hội nghị cán bộ vào đêm 2.1.1960, tại Mỏ
Cày. Tại đây, bà và các đồng chí trong Tỉnh ủy bàn kế hoạch phát động
quần chúng nổi dậy diệt ác phá kìm.
Do lực lượng quân địch ở Bến Tre đông và
ngoan cố, lại được sự chi viện của chính quyền bù nhìn Sài Gòn, cuộc
nổi dậy bước đầu gặp rất nhiều khó khăn. Nguyễn Thị Định đã dũng cảm,
mưu trí, sáng tạo ra những cách đánh phù hợp với tình hình. Quân ta thua
thiệt về súng đạn, thì kết hợp thêm vũ khí thô sơ, giáo mác, gậy gộc.
Khi thua thiệt về quân số thì hoạt động nghi binh, giả làm bộ đội chủ
lực để gây hoang mang cho địch… Bằng sự khéo léo, tài tình, bà cùng các
Tỉnh ủy viên đã lãnh đạo cuộc nổi dậy Bến Tre thành công ngoài mong đợi,
tạo tiếng vang và hiệu ứng lan tỏa khắp các tỉnh miền Nam Việt Nam.
Khả năng lãnh đạo của bà còn được thể
hiện qua việc gắn kết các tầng lớp xã hội, bà truyền lửa, tạo ra sức
mạnh vô hình cho ngay cả những lực lượng vốn gọi là chân yếu, tay mềm.
Lần đầu tiên, hơn năm nghìn phụ nữ gồm
cả thanh niên, bà già, trẻ em của xã Phước Hiệp, Bình Khánh, Thành Thới…
họp thành một đoàn lớn, đầu đội khăn tang, mặc áo rách bồng con kéo vào
quận Mỏ Cày, đòi chấm dứt khủng bố, trừng trị bọn ác ôn ở Phước Hiệp.
Giằng co với địch suốt mấy ngày đêm, mỗi ngày lại có thêm lực lượng đến
chi viện, khí thế của ta càng sôi sục.
Cuối cùng, tên quận trưởng đã phải chịu
rút hết lính khỏi xã Phước Hiệp. Từ đây, một hình thức đấu tranh mới của
Bến Tre ra đời, độc đáo và hiệu quả, khiến bè lũ quân địch khiếp sợ và
gọi với cái tên “Đội quân tóc dài”.
Từ chiếc nôi Đồng Khởi, “Đội quân tóc
dài” đã phát triển lan rộng toàn miền Nam. Sự ra đời của “Đội quân tóc
dài” đã làm cho sức mạnh của phong trào phụ nữ miền Nam được nhân lên
gấp nhiều lần. Trong đấu tranh chính trị, các chị em làm tốt công tác
địch vận, vận động chồng, con, em mình bỏ ngũ, giải thích chính nghĩa
cho binh lính, làm cho họ hạ súng, bỏ đồn, cao hơn là giác ngộ cách
mạng, xây dựng tổ chức ngay trong lòng địch…
Từ đó, "Đội quân tóc dài" đã phát triển
rộng khắp và đóng một vai trò quan trọng, góp phần to lớn vào thắng lợi
của Cách mạng miền Nam, kết thúc bằng Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống
nhất đất nước; làm rạng rỡ thêm truyền thống yêu nước, anh hùng, bất
khuất, trung hậu, đảm đang của người Phụ nữ Việt Nam.
Nữ tướng trong lòng dân
Sau cuộc Đồng khởi thắng lợi vang dội,
bà được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Năm 1961, bà là Khu ủy viên Khu 8. Năm
1964, bà được bầu là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận
Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Năm 1965, tại Đại hội Phụ nữ toàn
miền Nam, bà được bầu là Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền
Nam.
Những năm tháng chiến tranh diễn ra ác
liệt ấy, rừng miền Đông vẫn thấy nữ tướng không mặc quân phục, không đeo
quân hàm khi ra trận nhưng tài chỉ huy, lòng trách nhiệm, sự dũng cảm,
sự thấu đáo của bà đã góp phần xoay chuyển tình hình từ bị động chuyển
sang phòng ngự và chủ động tấn công.
Năm 1965, bà Nguyễn Thị Định được phong
quân hàm Thiếu tướng quân đội nhân dân Việt Nam, và được giao giữ chức
Phó Tổng Tư lệnh quân giải phóng miền Nam đến năm 1975.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự hào nói về nữ
tướng Nguyễn Thị Định: “Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái
như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”.
Sau khi miền Nam được giải phóng, non
sông thống nhất, bà chuyển về Thủ đô Hà Nội công tác, đảm đương nhiều vị
trí, chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước. Tháng 6.1987, Nguyễn Thị
Định được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, bà cũng là nữ Phó Chủ
tịch Hội đồng Nhà nước đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam.
Trên những cương vị mới, bà tiếp tục thể
hiện bản lĩnh của một người lãnh đạo uy tín, quan tâm, chỉ đạo, xử lý
công việc kịp thời trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Về
ngoại giao, với sự khéo léo, mềm mỏng, nhưng đầy bản lĩnh, bà được nhiều
bạn bè, cũng như người dân trên thế giới biết đến, ngưỡng mộ. Với bạn
bè thế giới, bà là biểu tượng của cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc,
đoàn kết, hữu nghị của các lực lượng tiến bộ trên toàn thế giới trong sự
nghiệp đấu tranh vì hòa bình, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Bà từng
được Liên đoàn Phụ nữ dân chủ thế giới bầu vào cương vị Phó Chủ tịch
Liên đoàn. Bài phát biểu của đại diện phụ nữ Anbani có đoạn: “Chúng tôi
vô cùng tự hào có người bạn chiến đấu là chị Nguyễn Thị Định. Chị đã
thay mặt cho phụ nữ chúng ta giương cao chủ nghĩa anh hùng cao cả và cổ
vũ cho hàng triệu phụ nữ yêu tự do, vì hòa bình và tiến bộ xã hội”.
Có thể nói, từ trong muôn vàn gian khổ,
bao lần vào sinh ra tử, trải qua 2 cuộc kháng chiến, cho đến khi giữ
cương vị cao trong bộ máy Nhà nước, bà Nguyễn Thị Định luôn giữ phẩm
chất nhân ái, rộng lượng, bao dung, sống chan hòa, gần gũi, chân tình
với mọi người. Vì thế cái tên chị Ba, cô Ba, bà Ba thân thương, không
chỉ sống mãi trong lòng nhân dân quê hương Bến Tre và cả nước, mà còn
sống mãi với bạn bè năm châu.
Ngày 26.8.1992, trái tim của vị nữ tướng
huyền thoại Nguyễn Thị Định ngừng đập. Bà đã sống một cuộc đời trọn vẹn
với non sông, đất nước, đã có nhiều đóng góp lớn lao với Tổ quốc, với
nhân dân. Bà được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân
chương Quân công hạng Nhất, Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và
nhiều huân chương cao quý khác.
Theo Báo Tin tức