Người dân mang can đi mua xăng
Vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện một
số thông tin mang tính chất bình luận, suy diễn, chưa hiểu đúng về quy
định của pháp luật đối với hành vi bán xăng dầu có các cột bơm mini, trụ
bơm lắc tay, qua thùng, can, chai và các dụng cụ chứa đựng khác.
Theo Bộ Công Thương, Bộ trưởng Công
Thương đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-BCT ngày 4.11.2022 chỉ đạo lực lượng
quản lý thị trường trong cả nước phối hợp các cơ quan chức năng tại địa
bàn, trong đó có nội dung: “Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm
các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật đối với hoạt động kinh
doanh xăng dầu, đặc biệt là các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn
cung xăng dầu; hành vi bán xăng dầu có các cột bơm mini, trụ bơm lắc
tay, qua thùng, can, chai và các dụng cụ chứa đựng khác, trừ trường hợp
thương nhân là hộ kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ
trang thuộc địa bàn miền núi, vùng cao theo quy định của pháp luật đã
được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố cho phép làm đại lý bán lẻ xăng dầu
với quy mô, trang thiết bị phù hợp với điều kiện kinh doanh xăng dầu ở
khu vực đó…"
Bộ Công Thương khẳng định chỉ đạo của Bộ
Công Thương là cần thiết và theo đúng quy định tại điều 35, Nghị định
số 99/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí nhằm đảm bảo ổn định
thị trường xăng dầu trong nước, tránh tình trạng đầu cơ, trục lợi, bán
hàng sai quy định, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về cháy nổ...
Hiện tại, pháp luật không quy định cấm
người tiêu dùng mua xăng bằng chai, can đem về. Bởi lẽ xăng dầu không
chỉ phục vụ cho nhu cầu về phương tiện đi lại như xe ôtô, xe máy… Rất
nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ có thể dùng để chạy động cơ như vận hành máy
xay xát tại nhà, chạy ghe, thuyền tại vùng sông nước và rất nhiều loại
động cơ khác.
Tuy nhiên, xăng dầu là mặt hàng đặc biệt
và là ngành kinh doanh có điều kiện nên việc kinh doanh xăng dầu phải
tuân thủ quy định của pháp luật, phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà
nước và được cấp phép.
Mặt khác, người kinh doanh buôn bán, vận
chuyển xăng dầu phải đáp ứng nhiều quy định về kho chứa, phòng
cháy-chữa cháy, chất lượng, nhân viên; pháp luật nghiêm cấm tích trữ,
đầu cơ, mua bán lại xăng dầu trái phép để kiếm lời.
Điều 35, Nghị định 99/2020/NĐ-CP của
Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực dầu khí, có hiệu lực từ
ngày 11.10.2020, quy định mức phạt với hành vi vi phạm quy định khác về
bán lẻ xăng dầu như sau: “Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng
đối với hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua
thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác trừ thương nhân là hộ kinh
doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ trang (quốc phòng,
công an) thuộc địa bàn miền núi, vùng cao theo quy định của pháp luật
được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho phép làm
đại lý bán lẻ xăng dầu với quy mô, trang thiết bị phù hợp với điều kiện
kinh doanh xăng dầu ở khu vực đó."
Với quy định này, nhiều người nhầm tưởng
hành vi mua xăng qua thùng, can, chai là hành vi bị cấm. Tuy nhiên, quy
định này chỉ áp dụng với cây xăng (thương nhân kinh doanh xăng dầu).
Mặt khác, ngay trong Điều 35 đã tính đến
những yếu tố đặc thù khi quy định rõ: "Trừ thương nhân là hộ kinh
doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ trang (quốc phòng, công
an) thuộc địa bàn miền núi, vùng cao theo quy định của pháp luật được
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho phép làm đại
lý bán lẻ xăng dầu với quy mô, trang thiết bị phù hợp với điều kiện kinh
doanh xăng dầu ở khu vực đó."
Sở dĩ có quy định này vì bán hàng qua
can, thùng, trụ xăng mini thường không đảm bảo an toàn cháy nổ, không
tuân theo những tiêu chuẩn đảm bảo quy định của pháp luật đối với kinh
doanh xăng dầu - mặt hàng kinh doanh có điều kiện.
Ngoài ra, việc tích trữ xăng dầu không
có thể gây cháy nổ nếu không bảo đảm an toàn. Theo Luật Phòng cháy chữa
cháy 2001 (sửa đổi bổ sung năm 2013), việc sản xuất, tàng trữ, vận
chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất nguy hiểm về cháy, nổ là hành vi
bị nghiêm cấm, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách
nhiệm hình sự.
Văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương đã
nêu rõ chỉ xử lý hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc
tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác, chứ không phải
hành vi mua xăng bằng can, chai, thùng và các vật chứa khác.
Theo Bộ Công Thương, tại khoản 4 Điều 32
Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định rõ: Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 25
triệu đồng đối với cá nhân có hành vi tàng trữ trái phép chất, hàng hóa
nguy hiểm về cháy, nổ.
Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm,
mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. (khoản 2 Điều 4
Nghị định 144/2021/NĐ-CP). Hành vi tàng trữ xăng dầu có thể chịu trách
nhiệm về tội "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy" theo quy định
tại Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
Mới đây, Bộ Công Thương cũng vừa có
các công văn gửi tới một số bộ, ngành, đơn vị gồm Bộ Công an, Bộ Tài
chính, Bộ Giao thông vận tải, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, các
Công ty trách nhiệm hữu hạn Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bình Sơn và UBND các
tỉnh, thành phố, đề nghị tăng cường các biện pháp hỗ trợ nhằm bảo đảm
nguồn cung ứng xăng dầu cho thị trường nội địa.
Theo TTXVN