Đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cho biết hiện đang thiếu phân khúc nhà ở dưới 2 tỷ đồng. (Ảnh: Vietnam+)
Ngày 3.11, phát biểu tại phiên thảo
luận tổ của Quốc hội về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch HĐND TP
Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ, đoàn TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh số liệu thống
kê cho thấy các dự án về bất động sản phân khúc cao cấp và trung cấp
hiện rất nhiều trong khi người dân đang đối mặt với tình trạng thiếu
trầm trọng phân khúc nhà ở “vừa túi tiền” - dưới 2 tỷ đồng/căn và nhà ở
xã hội.
Điều này tác động trực tiếp đến mục tiêu
bảo đảm an sinh xã hội về nhà ở cho đa số người yếu thế (là người có
thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị).
Tập trung điều chỉnh chính sách quy hoạch
Theo bà Lệ, việc xảy ra tình trạng này
một phần là do các quy định của Luật Nhà ở 2014 đã không đồng bộ với
Luật Đất đai 2013, cùng với đó các chính sách quy hoạch và ưu đãi nhà
đất hiện nay đang phân bố không đồng đều, có nơi tập trung phát triển
song có nơi chưa được để tâm nâng cao đổi mới.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ cho rằng để giải
quyết vấn đề này cần phải tập trung điều chỉnh lại các chính sách quy
hoạch, chính sách ưu đãi. Cụ thể, việc sử dụng các quỹ đất hỗ trợ cần
được xem xét và đánh giá tính hợp lý để tạo điều kiện cho người dân có
thể tiếp cận đất đai, nhà ở, không chỉ doanh nghiệp, người có thu nhập
cao mà tầng lớp công nhân, người lao động chân tay cũng có thể có điều
kiện tìm được nhà ở trong khu vực trung tâm đô thị, thuận tiện cho đi
làm và sinh hoạt.
“Khi giải quyết được vấn đề quy hoạch,
vấn đề cung-cầu cũng sẽ có cơ sở để dần dần quay về quỹ đạo ổn định, từ
đó có thể kiểm soát được giá đất trên thị trường đồng thời ngăn chặn
được tình trạng đầu cơ, tham nhũng đất đai đang hiện hữu trong đời
sống,” bà Lệ nói.
Trên cơ sở đó, đại biểu Nguyễn Thị Lệ
cho rằng việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảng giá đất cần
xem là tâm điểm quan trọng. Theo đó, Ban soạn thảo cần tập trung toàn
lực nghiên cứu và tìm ra giải pháp gỡ rối.
Theo bà Lệ, Dự thảo luật lần này đã đề
cập đến sự tham gia của tổ chức tư vấn giá đất trong việc xây dựng quy
hoạch, kế hoạch đất đai, bảng giá đất. Tuy nhiên, tổ chức này chưa được
quy định quyền hạn cụ thể trong việc đưa ra ý kiến khi xây dựng các
chính sách đất đai. Hơn nữa, năng lực của tổ chức tư vấn cũng chưa được
đề cập cụ thể trong Dự thảo luật, vì vậy cần nhanh chóng bổ sung quy
định về vấn đề này nhằm bảo đảm đạt được mục đích đề ra là bình ổn thị
trường đất đai.
Giảm đến mức tối đa về thu hồi đất
Liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử
dụng đất quốc gia, đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TP Hồ Chí Minh nhắc
lại Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị làm rõ nội hàm tiêu chí xác
định ba trụ cột: Thế nào là quy hoạch sử dụng đất trồng bảo vệ; Thế nào
là khu vực đất cần giữ ổn định; Thế nào là khu vực đất phát triển theo
nhu cầu trong quốc gia?
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng thời gian
quy định giữa các quy hoạch cần được thống nhất và đặc biệt là liên
quan đến tầm nhìn của quy hoạch đến 30 năm, 50 năm, nhưng thực tế vẫn có
quy hoạch tầm nhìn 10 năm, 20 năm, vì vậy dự án Luật cần có sự thống
nhất.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TP Hồ Chí Minh phát biểu. (Ảnh: Vietnam+)
Ông Ngân cho rằng bộ bản đồ quy hoạch,
kế hoạch sử dụng đất là những nội dung người dân đặt biệt quan tâm, do
đó Ban soạn thảo cần lấy ý kiến nhân dân đồng thời bổ sung quy định cụ
thể trách nhiệm giải trình, công khai, tiếp thu, giải trình. Thêm vào
đó, đại biểu đề nghị bổ sung các quy định điều kiện và tiêu chí cụ thể
làm cơ sở cho việc phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, một nội
dung quan trọng hàng đầu cần được quan tâm là vấn đề thu hồi đất để phát
triển kinh tế-xã hội, vì lợi ích quốc gia và công cộng. Đại biểu đề
nghị rà soát quy định về điều kiện, tiêu chí cụ thể, rõ ràng hơn đối với
từng trường hợp thu hồi đất.
Mặt khác, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng
kiến nghị giảm đến mức tối đa về thu hồi đất đối với phát triển kinh
tế-xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng bởi chính sách bồi thường rất
khó thực hiện. Luật quy định việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất
phải bảo đảm cho người có đất bị thu hồi có chỗ ở bảo đảm về thu nhập,
điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn, song điều này là rất khó.
“Hơn nữa, các dự án về kinh tế xã hội cần phải được thương lượng với người dân theo giá thị trường,” ông Ngân nói.
Về quyền sử dụng đất, đại biểu Trần Công
Phàn, đoàn Bình Dương chỉ ra luật đã khẳng định đất đai thuộc sở hữu
toàn dân và Nhà nước đại diện quyền sở hữu.
Do vậy, ông cho rằng khi sửa luật cần
bảo đảm cân bằng lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp, Nhà nước và nhà
đầu tư. Ông dẫn chứng việc giải tỏa nhà dân để làm đường, theo đó nhiều
nhà ở mặt đường có giá trị rất cao nhưng khi giải tỏa phải chuyển về
khu tái định cư, trong khi nhiều nhà phía bên trong được ra mặt đường.
“Kinh nghiệm từ một số nước cho thấy
những hộ gia đình nhà phía trong muốn ra mặt đường sẽ phải nộp một khoản
tiền và số tiền đó sẽ sử dụng hoạt động tái định cư. Luật mới cũng cần
tính việc này để bảo đảm cân đối lợi ích cho người dân,” đại biểu Trần
Công Phàn nói.
Liên quan đến giá đất, đại biểu Trần
Công Phàn cho rằng cần quy định chặt chẽ trong luật, bởi nhiều trường
hợp khi thay đổi mục đích sử dụng đất thì giá đất có thể “nhảy vọt,”
theo đó nhiều người đã giàu lên vì đất, do vậy phải làm rõ mức giá sát
với thị trường (khi có nhiều loại đất khác nhau).
"Nhà nước là đại diện quyền sở hữu, song
cần quy định rõ quyền nào được thực hiện và quyền nào phải xin ý kiến
nhân dân. Bởi, vấn đề quyền sử dụng và giá đất sẽ liên quan tới việc thu
hồi, giải tỏa, đền bù…,” đại biểu Trần Công Phàn nhấn mạnh.
Theo Vietnam+