Sáng 12-7, dưới sự chủ trì của
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng kết
kỳ họp thứ ba và cho ý kiến bước đầu về công tác chuẩn bị kỳ họp thứ tư
của Quốc hội.
Dự kiến kỳ họp thứ tư của Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 6 dự án luật
Tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, kỳ họp thứ tư của Quốc hội dự
kiến họp tập trung cả kỳ trong thời gian 22 ngày; phiên trù bị và khai
mạc vào ngày 20-10-2022 và dự kiến bế mạc vào ngày 18-11-2022.
Dự kiến trong kỳ họp thứ tư, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 6 dự án
luật, 1 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 7 dự án luật. Cũng tại kỳ họp
này, Quốc hội sẽ bàn thảo các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà
nước, giám sát và nhiều vấn đề quan trọng khác...
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành nội dung làm việc.
|
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả thảo luận, hiệu quả sử dụng thời gian
kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc
hội xem xét, quyết định tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách
vào tuần đầu tiên của tháng 9-2022 để cho ý kiến về một số dự án luật
có nhiều ý kiến khác nhau...
Mặt khác, để bảo đảm tiến độ gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội theo
quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho đại biểu có thời gian nghiên
cứu và khắc phục dần tình trạng chậm gửi tài liệu, Tổng Thư ký Quốc hội
Bùi Văn Cường đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu
quan tiếp tục phát huy tính tích cực, chủ động, nâng cao hơn nữa trách
nhiệm chuẩn bị nội dung, bảo đảm tiến độ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc
hội cho ý kiến chậm nhất tại phiên họp tháng 9-2022; tại phiên họp tháng
10-2022 chỉ cho ý kiến đối với những nội dung thật sự cần thiết.
Luật Đất đai (sửa đổi): Dự án luật khó nhất và được trông đợi nhất
Nội dung sửa đổi Luật Đất đai dự kiến tại Kỳ họp thứ tư tới đây là
nội dung được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, thảo
luận.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc
hội Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, việc sửa Luật Đất đai tại kỳ họp tới là
nội dung khó nhất song cũng được trông đợi nhất; cần huy động sự tham
gia rộng rãi của chuyên gia, các lực lượng khác trong xã hội.
“Quốc hội thông qua luật này có chất lượng là đóng góp quan trọng với đất nước”, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh thì cho biết,
hiện vẫn “chưa nhìn thấy” dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong khi nội
dung này dự kiến được đưa ra xin ý kiến đại biểu Quốc hội hoạt động
chuyên trách vào tháng 9 năm nay, do đó, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đề nghị
công tác chuẩn bị phải chủ động hơn để bảo đảm tiến độ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga thì lưu ý, kỳ họp
thứ tư diễn ra vào cuối năm, công việc rất nhiều và có những dự án luật
rất khó. “Do đó, bài học cùng nhau chuẩn bị và chuẩn bị từ rất sớm cần
phát huy, để từ đó có thể dự trù các vấn đề, đưa ra Quốc hội các ý kiến
tập trung để công tác tiến hành kỳ họp được thuận lợi”, Chủ nhiệm Lê Thị
Nga nói.
|
Quang cảnh phiên họp.
|
Nhấn mạnh “thành công hay không là do sự chuẩn bị từ sớm, từ xa”, Chủ
tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị khẩn trương hoàn thiện dự kiến
bước đầu về kỳ họp thứ tư để thông báo cho các bên liên quan chủ động
các công việc.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, kỳ họp cuối năm với nội dung
trọng tâm là công tác lập pháp, do đó cần tổ chức các toạ đàm, hội thảo,
tăng cường trao đổi giữa cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì
soạn thảo, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách... để tranh
thủ ý kiến về các nội dung trình Quốc hội, nhất là đối với những dự án
luật khó như Luật Đất đai (sửa đổi).
Trường hợp dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được chuẩn bị tốt, ý kiến đại
biểu Quốc hội đồng thuận cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc
hội xem xét đẩy nhanh hơn tiến độ thông qua luật.
Kỳ họp thứ ba của Quốc hội thành công tốt đẹp
Đánh giá về kết quả của kỳ họp thứ ba, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn
Cường cho biết: Sau 19 ngày làm việc với tinh thần tích cực, khẩn
trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ ba, Quốc hội
khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 5 Luật, 17 Nghị quyết; cho ý
kiến lần đầu về 6 dự án luật khác và xem xét nhiều báo cáo quan trọng
khác. Các luật, nghị quyết được Quốc hội biểu quyết thông qua với tỷ lệ
tán thành rất cao. Các nội dung cũng như các điều kiện bảo đảm tại kỳ
họp đều được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng, đúng quy
định của pháp luật.
Đáng chú ý là, trong quá trình diễn ra kỳ họp, trước yêu cầu của
thực tiễn, Quốc hội đã kịp thời điều chỉnh, bổ sung nội dung chương
trình. Trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã bổ
sung nội dung về công tác nhân sự vào chương trình kỳ họp và thực hiện
các thủ tục theo quy định của Hiến pháp, pháp luật để tiến hành bãi
nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội và phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính
phủ về việc cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long
vì đã có những sai phạm nghiêm trọng trong vụ án Công ty Việt Á.
Đặc biệt, trước sự quan tâm của đông đảo cử tri và đại biểu Quốc hội
liên quan đến Chương trình giáo dục phổ thông và giá sách giáo khoa,
Quốc hội đã giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo việc đổi mới căn bản và toàn
diện phương pháp dạy và học, đặc biệt môn học Lịch sử; nghiên cứu ý
kiến cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội, thiết kế môn Lịch sử trong
Chương trình giáo dục cấp Trung học phổ thông, bao gồm cả phần bắt buộc
và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, bảo đảm hiệu quả cao nhất
trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh;
kiểm soát chặt chẽ việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa…
Theo qdnd.vn