NATO sẽ biến các kế hoạch thành hiện thực thông qua những cuộc tập trận và đầu tư nguồn lực
Những kế hoạch mới sẽ bao gồm tất cả 5 lĩnh vực: trên không, trên bộ, trên biển, trong không gian và mạng.
Các nhà lãnh đạo NATO dự kiến sẽ ký kết các kế hoạch phòng thủ và răn đe
mới nhằm định hình phản ứng của các đồng minh trước các cuộc tấn công
tiềm tàng vào tuần tới tại hội nghị thượng đỉnh của họ ở Vilnius diễn ra
từ ngày 11 - 12.7 tới, nhưng với hội nghị thượng đỉnh chỉ còn vài ngày
nữa, các chi tiết vẫn cần được hoàn thiện.
Cụ thể, các thành viên NATO sẽ “thông qua ba kế hoạch khu vực, trong đó
giải thích [mỗi quốc gia] phải làm gì dựa trên địa lý của các khu vực đó
để ngăn chặn và bảo vệ, trong tất cả các lĩnh vực - không gian, mạng,
trên bộ, trên biển và trên không”, Đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban
Quân sự NATO (CMC), nói với các phóng viên tại Brussels.
Sau khi các kế hoạch được thống nhất, các thành viên NATO và các nhân
viên quân sự của liên minh sẽ biến các kế hoạch thành hiện thực thông
qua những cuộc tập trận và đầu tư nguồn lực.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Madrid của NATO năm ngoái, các thành viên đã
đồng ý tăng cường sự hiện diện của họ ở sườn phía Đông để ngăn chặn các
cuộc tấn công tiềm tàng và nâng cao khả năng sẵn sàng phòng thủ.
Dựa trên Hội nghị thượng đỉnh Madrid vào năm 2022, nơi các thành viên
đồng ý tăng cường sự hiện diện của họ ở sườn phía Đông, một lực lượng
mới với 300.000 binh sĩ NATO trên lãnh thổ liên minh với ba cảnh báo sẵn
sàng cao có thể được triển khai trong 3, 13 và 30 ngày.
Hiện tại, một phần của kế hoạch đó bao gồm khoảng 40.000 binh sĩ dưới sự
chỉ huy của Bộ Tư lệnh Đồng minh Tối cao NATO ở châu Âu (SACEUR), cộng
với 100 máy bay và 27 tàu chiến ở Biển Baltic và Địa Trung Hải, theo Phó
Tham mưu trưởng Tác chiến SHAPE, Thiếu tướng Matthew Van Wagenen.
Một số kế hoạch mới của NATO đã được hình thành từ năm 2018 và ngày càng
có nhiều lo ngại rằng các biện pháp hiện tại không đủ để đối phó với
các mối đe dọa an ninh đang gia tăng. Ông Bauer nói: “Chúng tôi hiểu
rằng NATO cần tái tập trung vào phòng thủ tập thể. Ba kế hoạch mới sẽ
bao gồm tất cả năm lĩnh vực: trên không, đất liền, trên biển, trong
không gian và mạng".
Một kế hoạch bao trùm vùng Cao Bắc (High North) và Đại Tây Dương, do Bộ
Tư lệnh Lực lượng Liên hợp ở Norfolk, Mỹ chỉ huy. Một kế hoạch khu vực
trung tâm, do Bộ Chỉ huy Lực lượng Liên hợp Đồng minh Brunssum ở Hà Lan
lãnh đạo, sẽ bao trùm vùng Baltic và dãy Anpơ (Alps), trong khi kế hoạch
thứ ba bao trùm vùng Đông Nam của NATO, bao gồm Địa Trung Hải và Biển
Đen, dưới sự chỉ huy của một Bộ Tư lệnh ở Napoli, Italy.
Sau khi thống nhất, tổ chức lực lượng sẽ được quyết định, bao gồm cơ cấu
chỉ huy và kiểm soát, số lượng binh sĩ và trang thiết bị trong tình
trạng sẵn sàng sẵn sàng chiến đấu cao.
Tuần trước, các thành viên NATO đã đưa ra một cam kết bí mật về việc đặt
một số lượng binh lính và thiết bị nhất định từ các lực lượng vũ trang
của họ dưới sự chỉ huy của NATO.
Hiệu quả của các kế hoạch phòng thủ trên phụ thuộc vào đầu tư và tuyển
dụng cho lực lượng vũ trang, và tất cả các thành viên “phải làm việc để
đạt được số lượng lực lượng cao hơn với mức độ sẵn sàng cao hơn, tập
trận theo kế hoạch, mua các trang thiết bị cần thiết, tuyển dụng, đào
tạo, đảm bảo nguồn dự trữ”, ông Bauer nói, trong khi không nêu rõ cần có
những nguồn lực gì và bao nhiêu để đạt được mục tiêu của kế hoạch.
Ông Bauer cho biết “công việc thực sự bắt đầu sau hội nghị thượng đỉnh
Vilnius,” và nói thêm rằng có sự lạc quan khi các thành viên đang đóng
góp nhiều hơn mong đợi". Tuy nhiên, ông Bauer cũng kêu gọi tăng chi tiêu
quốc phòng vì điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thực hiện
các kế hoạch.
Tại hội nghị thượng đỉnh trong tháng 7 này, các thành viên NATO cũng
được cho là sẽ “đồng ý với cam kết đầu tư quốc phòng mới, với 2% GDP
không phải là mức trần mà liên minh cố gắng đạt được, mà đây là mức tối
thiểu phải đầu tư vào quốc phòng của mình”, Tổng thư kí NATO Jens
Stoltenberg thông báo. Theo ông Stoltenberg, cam kết này bao gồm mục
tiêu đầu tư 20% trong số đó vào trang thiết bị, nhưng hiện tại, hầu hết
các thành viên đều không đạt được cả hai mốc trên.
Về phần mình, ông Bauer cũng lưu ý rằng phải đầu tư nhiều hơn vào phòng
không vì xung đột ở Ukraine cho thấy tầm quan trọng của việc kiểm soát
bầu trời trong trường hợp xảy ra chiến tranh thông thường.
Sau cuộc xung đột Nga - Ukraine, các thành viên NATO ở sườn phía Đông đã
yêu cầu liên minh tăng cường sự hiện diện của họ như một động thái nhằm
"răn đe" Nga. Tuần trước, Đức tuyên bố tăng cường hiện diện ở Litva sau
khi trước đó đã cam kết triển khai binh sĩ sẵn sàng chiến đấu trên lãnh
thổ của mình.
Nhưng Đô đốc Bauer nhấn mạnh rằng ông “sẽ thận trọng không tập trung
toàn bộ lực lượng vào sườn phía Đông, phòng trường hợp kẻ thù tấn công
từ hướng khác”, qua đó kỳ vọng “sự linh hoạt” từ các thành viên NATO.
Ông Bauer kết luận: "So với thời Chiến tranh Lạnh, mặt trận giờ đây đã
trở nên rộng lớn hơn nhiều do NATO ngày càng mở rộng và nó nằm trong 5
lĩnh vực như đã đề cập ở trên”.
Theo Báo Tin tức