Sáng
19/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về
chuyển đổi số chủ trì hội nghị Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số.
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cùng
tham dự hội nghị có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Lê
Thành Long; các đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành, các thành viên Ủy ban
Quốc gia và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, lãnh đạo UBND
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì tại điểm cầu Hải Dương.
Kết
luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cơ bản thống nhất
với nội dung các báo cáo, tham luận, ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm
huyết, mang tính xây dựng của các đại biểu về những kết quả đạt được,
những điểm nghẽn, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân cũng như các nhiệm vụ,
giải pháp trọng tâm đến năm 2025 và giai đoạn tiếp theo trong công tác
chuyển đổi số.
Nêu rõ những cơ sở chính trị và thực tiễn của công
tác chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ khẳng định chuyển đổi số đã trở
thành phong trào, xu thế, là yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược,
ưu tiên hàng đầu. Trong giai đoạn 2021-2024, chuyển đổi số được đẩy mạnh
theo hướng toàn dân, toàn diện, bao trùm, xuyên suốt, có kết quả thiết
thực, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh chuyển đổi
số đã đến “từng ngõ, từng nhà, từng người”. Niềm tin của người dân và
doanh nghiệp được củng cố, nâng lên, góp phần truyền cảm hứng và tạo
động lực phát triển mới. Chuyển đổi số rất phù hợp với phẩm chất, năng
lực người Việt Nam là cần cù, ham học hỏi, linh hoạt và sáng tạo.
Bên
cạnh đánh giá cao các thành tựu đạt được, chỉ rõ 8 tồn tại, hạn chế các
bài học kinh nghiệm trong chuyển đổi số, thời gian tới Thủ tướng Chính
phủ yêu cầu thực hiện chuyển đổi số bao trùm, tổng thể với “5 trọng
tâm”: phát triển nhân lực số, công dân số, kỹ năng số, tài năng số; ưu
tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế số, Chính phủ số. Phát triển hạ
tầng số toàn diện, phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả. Quản lý điều hành phải
số hóa và ứng dụng trí tuệ thông minh. Khẩn trương hoàn thiện cơ chế,
chính sách, thể chế cho chuyển đổi số theo hướng tăng cường phân cấp,
phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi cho
cấp dưới, đẩy mạnh việc giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho
người dân và doanh nghiệp, xóa bỏ cơ chế xin - cho, chống tiêu cực tham
nhũng.
Thủ
tướng Chính phủ yêu cầu chuyển đổi số với tinh thần 5 “đẩy mạnh”, 5
“bảo đảm” gắn với 5 “không”. Trong đó, “5 đẩy mạnh” gồm: thống nhất nhận
thức và hành động của người lãnh đạo trong chuyển đổi số, phát huy tính
tiên phong, nêu gương, đi đầu; hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách,
để thúc đẩy chuyển đổi số, phù hợp với thông lệ quốc tế thúc đẩy phát
triển kinh tế số, xã hội số, công dân số; đầu tư hạ tầng số quốc gia
thông suốt, phát triển nền tảng số, dữ liệu số, hệ sinh thái số thuận
tiện; an ninh mạng, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu, bảo vệ chủ quyền
không gian mạng quốc gia từ sớm, từ xa; xây dựng văn hóa số, góp phần
xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và hội nhập thế giới.
Giao
nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương trong công tác chuyển đổi
số, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các bộ trưởng,
trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
tiên phong, gương mẫu để thúc đẩy chuyển đổi số theo phạm vi, chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn để chỉ đạo, quản lý, với quyết tâm cao nhất, “đã
quyết tâm cao rồi thì phải cao hơn, cố gắng rồi phải cố gắng hơn, nỗ lực
rồi phải nỗ lực hơn, quyết liệt rồi phải quyết liệt hơn, hiệu quả rồi
thì phải hiệu quả hơn, trọng tâm, trọng điểm hơn”, “phân công công việc
rõ mục tiêu, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản
phẩm, rõ kết quả; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực thi”;
tăng cường phối hợp; giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính…
Thủ
tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đến cuối năm 2024, tất cả các bộ trưởng,
trưởng ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải chỉ đạo, điều hành, xử
lý công việc trên môi trường mạng và ký số. Đến tháng 6/2025, từ chuyên
viên đến lãnh đạo cấp phòng, cấp vụ, lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên
viên, lãnh đạo UBND cấp xã, huyện, tỉnh phải xử lý công việc trên môi
trường mạng và ký số. Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn thương hoàn
thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chiến lược Phát triển ngành
công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030".
Thời
gian qua, công tác chuyển đổi số của Hải Dương đã đạt nhiều kết quả
tích cực. Hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản đáp ứng nhu cầu triển khai
của chuyển đổi số và Đề án 06. Hệ thống Cổng thông tin điện tử liên
thông 3 cấp của tỉnh; ứng dụng dành cho người dân Smart HaiDuong và
Trung tâm dữ liệu (DC) của tỉnh đã chính thức đi vào vận hành, khai thác
sử dụng.
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của
tỉnh Hải Dương đã được kết nối với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ
cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số EMC. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến qua
25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 trên địa bàn tỉnh tăng cao, đạt
tỷ lệ 92%, tăng 67% so với khi bắt đầu triển khai Đề án 06 (năm 2022).
Toàn
tỉnh hiện có 234 sản phẩm OCOP, 200 cơ sở sản xuất, chế biến áp dụng
tem truy xuất nguồn gốc; 150.104 hộ sản xuất nông nghiệp kinh doanh trên
sàn thương mại điện tử; 173.732 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ
năng số; 1.162 sản phẩm của tỉnh được đưa lên sàn thương mại điện tử;
phát sinh 41.132 giao dịch trên sàn thương mại điện tử, xếp thứ 7 toàn
quốc. Doanh thu của các kho hàng ở Hải Dương trên sàn thương mại điện tử
đứng thứ 6, sản lượng bán tại các kho hàng ở Hải Dương trên sàn thương
mại điện tử đứng thứ 4 toàn quốc.