Tới đây, từ VNeID, người dân có thể bấm biển số khi đăng ký xe lần đầu. Một "siêu ứng dụng" đã và đang hình thành rõ nét.
Quy về một mối
Gần
một tháng trước, chị Lê Thị Thủy ở xã Ngô Quyền (Thanh Miện) cùng chồng
bay vào TP Hồ Chí Minh để thăm người thân trong gia đình. "Tôi biết
hiện có thể dùng VNeID để làm thủ tục cho các chuyến bay nội địa, nhưng
bạn bè tôi từng dùng cho biết còn một số bất tiện nhất định. Do vậy
thông thường, vợ chồng tôi vẫn dùng căn cước công dân để thực hiện thủ
tục bay nội địa. Tuy nhiên, hôm ấy tôi để quên chiếc ví đựng căn cước
công dân của vợ chồng tôi. Chính VNeID lúc đó đã cứu chúng tôi một bàn
thua trông thấy", chị Thủy chia sẻ.
Công việc của anh Lưu Minh
Khánh ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) chủ yếu liên quan đến lĩnh vực
xây dựng dân dụng, do vậy anh thường xuyên phải thực hiện thủ tục hành
chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trước đây để đăng nhập Cổng dịch
vụ công quốc gia có thể thông qua nhiều phương thức như tài khoản được
đăng ký qua Cổng dịch vụ công, tài khoản bưu điện, tài khoản VNeID.
"Theo
cá nhân tôi, quy định chỉ dùng tài khoản VNeID để đăng nhập trên Cổng
dịch vụ công tạo sự thống nhất khi sử dụng tài khoản định danh điện tử
này. Cùng là những phương thức giúp đăng nhập và thực hiện thủ tục hành
chính trực tuyến, song quy về một mối. VNeID sẽ giúp người dân không cần
ghi nhớ quá nhiều loại tài khoản. Bởi không riêng việc thực hiện thủ
tục hành chính trên Cổng dịch vụ công, ứng dụng này còn cung cấp rất
nhiều tiện ích khác", anh Khánh chia sẻ.
Đúng như anh Khánh nói,
bên cạnh những tiện ích nêu trên, với VNeID người dân có thể thực hiện
nhiều dịch vụ, thủ tục hành chính khác như xuất trình giấy phép lái xe,
đăng ký xe... Đây là quy định từ Thông tư 28/2024/TT-BCA ngày 29/6/2024
của Bộ Công an. Theo đó từ ngày 1/7/2024, các giấy tờ có liên quan đến
phương tiện giao thông gồm giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến
thức pháp luật, giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm
định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giấy chứng nhận bảo hiểm bắt
buộc cùng nhiều loại giấy tờ liên quan khác được tích hợp trong căn
cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID có giá trị
như giấy tờ trực tiếp.
Trường hợp người tham gia giao thông vi
phạm, nếu các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông
đã được tích hợp trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử
trên VNeID thì khi tạm giữ giấy tờ, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ
thực hiện việc tạm giữ giấy tờ trên môi trường điện tử.
Ngoài ra, việc tạm giữ,
tước quyền sử dụng giấy tờ đó sẽ được cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ
liệu xử lý vi phạm hành chính. Do vậy, trường hợp người lái xe đã bị tạm
giữ giấy tờ trên VNeID thì việc sử dụng giấy tờ thông thường sẽ vô tác
dụng.
Ứng dụng số cho công dân số
VNeID (Viet Nam
Electronic Identification, hiểu đơn giản là định danh điện tử Việt Nam)
là một ứng dụng được cài đặt trên các thiết bị di động thông minh nhằm
mục đích thay thế giấy tờ truyền thống, cung cấp các tiện ích phục vụ
công dân số, chính phủ số, xã hội số. Đây là ứng dụng do Trung tâm Dữ
liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an) phát triển dựa trên nền tảng cơ sở
dữ liệu về định danh, dân cư, xác thực điện tử.
Ứng dụng ra mắt
vào tháng 9/2021 với 2 tính năng chính khi đó là khai báo y tế và di
chuyển nội địa. Sau gần 3 năm "trình làng" với nhiều lần cập nhật, phiên
bản mới nhất 2.1.7 của "siêu ứng dụng" VNeID được tích hợp nhiều tính
năng mới.
Đặc biệt, cũng theo Thông tư 28 nói trên, từ ngày 1/8
tới đây, thông qua ứng dụng này người dân có thể lựa chọn kê khai đăng
ký xe trên ứng dụng VNeID, cổng dịch vụ công hoặc trực tiếp tại cơ quan
công an. Theo đó, Bộ Công an quy định người dân có thể đăng ký xe trên
Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, hoặc trên ứng
dụng VNeID với trường hợp đăng ký xe lần đầu bằng dịch vụ công trực
tuyến toàn trình với xe sản xuất, lắp ráp trong nước.
Người dân
khi đó cần đăng nhập ứng dụng VNeID, kê khai chính xác, đầy đủ, trung
thực nội dung quy định trong mẫu giấy khai đăng ký xe và tải ảnh chụp xe
từ phía trước đầu xe theo góc 45 độ, bảo đảm nhìn rõ kiểu dáng xe. Sau
đó thực hiện bấm biển số trên ứng dụng này.
Giao dịch giữa người dân với cơ quan
hành chính Nhà nước thường gồm 2 phần: xác định nhân thân người dân giao
dịch và quy trình nghiệp vụ xử lý, giải quyết hồ sơ, trả kết quả. Lâu
nay, người dân muốn giao dịch phải trình các giấy tờ tùy thân với nơi
tiếp nhận. Giờ đây, VNeID đã làm giúp phần đầu khi xác định được chính
xác nhân thân người giao dịch. Cùng lúc, các quy trình nghiệp vụ được
liên thông hoặc tích hợp lên ứng dụng sẽ giúp việc xử lý được nhanh,
thuận tiện hơn.
Với việc tích hợp nhiều tiện ích, liên thông xử lý
nhiều dịch vụ công, ứng dụng được đánh giá tạo sự thuận tiện, song một
số thủ tục vẫn yêu cầu người dân đến cơ quan hành chính nộp một số giấy
tờ bản "cứng" để hoàn tất. Ngoài ra, sử dụng một tài khoản VNeID để thực
hiện dịch vụ công cũng như nhiều tiện ích trên điện thoại di động là xu
thế, song bảo mật như thế nào là một vấn đề đáng bàn.
Nhiều vụ
việc kẻ gian giả danh công an yêu cầu người dân cập nhật, điều chỉnh tài
khoản định danh điện tử (VNeID) mức độ 2 rồi chiếm đoạt tiền trong tài
khoản đã xảy ra trong thời gian qua. Điều khiến người dân "một phút nhẹ
dạ" là đối tượng giả danh có thể đọc vanh vách thông tin cá nhân của
người dân. Sau đó đề nghị người dân tới công an phường để cập nhật thông
tin căn cước công dân, rồi tung chiêu cập nhật hộ. Câu hỏi mà không ít
người đưa ra, đó là lừa cập nhật VNeID như vậy, lộ thông tin từ đâu?
Thiết
nghĩ, vẫn còn nhiều việc cần làm để từng ngày hoàn thiện, song một điều
khó có thể phủ nhận, đó là ứng dụng VNeID đã và đang dần trở thành một
"siêu ứng dụng" với nhiều tiện ích thiết thực dành cho cả người dân và
cơ quan Nhà nước.
Đến
hết tháng 5/2024, Bộ Công an đã thu nhận gần 76 triệu hồ sơ định danh
điện tử, kích hoạt 54,34 triệu tài khoản định danh điện tử. Con số này
tại Hải Dương là 1,5 triệu hồ sơ định danh điện tử đã được thu nhận, gần
1,3 triệu tài khoản định danh điện tử đã được kích hoạt.
Tài
khoản định danh điện tử (VNeID) được phân loại 2 mức độ. Tài khoản định
danh điện tử mức độ 1 của công dân Việt Nam gồm những thông tin: số định
danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; ảnh
chân dung. Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của công dân Việt Nam
có thêm thông tin về vân tay.
Khi chủ thể danh tính điện tử sử
dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trong các hoạt động, giao dịch
điện tử thì có giá trị tương đương với việc xuất trình giấy tờ, tài
liệu để chứng minh thông tin đã được tích hợp vào tài khoản định danh
điện tử.
Theo quy định hiện hành của Bộ Công an, mỗi số điện thoại
chỉ được sử dụng để kích hoạt duy nhất một tài khoản định danh điện tử.
Một số điện thoại chỉ được đăng ký cho một cá nhân theo số căn cước
công dân để xác thực mã OTP. Vì thế, không thể dùng số điện thoại đã
đăng ký cho tài khoản khác. Ngoài ra, tài khoản định danh điện tử của
công dân chỉ có thể đăng nhập trên một thiết bị duy nhất tại một thời
điểm, nên công dân không thể sử dụng tài khoản định danh điện tử trên
nhiều thiết bị khác nhau cùng thời điểm.
Khi có nhu cầu, người dân có thể liên hệ số tổng đài 1900.0368, hoạt động 24/7 để được giải đáp thắc mắc về tài khoản VNeID.