Mới đây, Công an quận Long Biên, Hà Nội nhận được nhiều đơn trình báo về
việc bị lừa đảo qua mạng. Theo đơn trình báo, ngày 1.7, chị T (sinh
năm 1983, trú tại quận Long Biên) lên mạng xã hội facebook để tìm kiếm
việc làm tại nhà.
Khi thấy quảng cáo tuyển cộng tác viên
xử lý đơn hàng online trên facebook, chị T. đã tham gia. Khi làm nhiệm
vụ thanh toán 4 đơn hàng, chị T. nhận được số tiền 900.000 đồng. Từ
nhiệm vụ lần thứ 5 đến lần thứ 10, chị T. đã chuyển 1,2 tỷ đồng nhưng
không nhận được tiền. Biết mình bị lừa, chị T. đã đến Công an phường Bồ
Đề (quận Long Biên) trình báo.
“Yêu cầu của các đối tượng khi nào mình
làm xong toàn bộ các nhiệm vụ thì mới lấy được tiền ra. Khi các đơn hàng
lên đến giá trị 1 tỷ và giá trị lợi nhuận lên đến 30% thì lúc đấy không
dừng được nữa và tiếp tục thực hiện các đơn hàng khác. Khi tiếp tục
thực hiện các đơn hàng thì tôi không rút được tiền trong tài khoản, lúc
đó mới biết bị lừa rồi, nhưng đã muộn" - chị T. kể lại.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều người
gặp khó khăn trong cuộc sống, mong muốn tìm việc làm nên tìm kiếm thông
tin các trang mạng xã hội. Lợi dụng điều này, các đối tượng xấu dùng
nhiều thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản của người khác dưới hình thức tuyển
cộng tác viên (CTV) bán hàng online.
Với thủ đoạn trả tiền hoa hồng cao, các
đối tượng lừa đảo nhắm đến những người như phụ nữ đang nuôi con nhỏ,
sinh viên, hiện ở nhà không có việc làm, có nhu cầu bán hàng online để
kiếm thêm thu nhập. Để tìm "con mồi", các đối tượng đăng bài, chạy quảng
cáo trên các nền tảng mạng xã hội, quảng cáo google với các từ khóa khá
giống nhau đó là “tuyển CTV tuyến dưới đăng bài bán sản phẩm”, “không
cần ôm hàng”, “không cần bỏ vốn”, “được phép trả hàng”.
Thiếu tá Nguyễn Anh Tuấn, Đội Cảnh sát
hình sự, Công an quận Long Biên cho biết, khi lừa đảo, các đối tượng
thường đánh vào lòng tham. Các trường hợp lừa làm cộng tác viên cho các
trang thương mại điện tử, các đối tượng cho bị hại một vài lợi ích. Với
giao dịch nhỏ, các đối tượng chuyển tiền luôn. Khi giao dịch lớn, trên
ứng dụng hiện số tiền bị hại được. Khi bị hại muốn vào lấy tiền, các ứng
dụng thông báo các yêu cầu phải thực hiện tiếp các đơn hàng mới được
nhận tiền. Khi bị hại thực hiện các giao dịch lớn, các đối tượng tắt
điện thoại, xóa ứng dụng.
Để chủ động phòng ngừa tội phạm, Công an
TP Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân,
bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi làm cộng
tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch
vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung
cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác.
Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo,
người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn
chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Theo VOV