Lợi dụng mạng xã hội phục vụ ý đồ cá nhân hoặc câu view cho các mục đích
khác, không ít “phần tử” đã bịa ra các tin đồn nhảm nhí; đặc biệt liên
quan đến những thông tin cá nhân. Hành vi này không chỉ gây ra nhiễu
loạn thông tin, góp phần làm mất trật tự an toàn xã hội mà còn xâm phạm
nghiêm trọng đến quyền riêng tư được pháp luật bảo vệ… cần phải được
trừng trị thích đáng.
Ảnh minh họa
Mấy hôm nay mạng xã hội đang “nóng”
trước thông tin một ông chủ tập đoàn nổi tiếng Việt Nam bị cấm xuất
cảnh. Đi đâu, người dân cũng rỉ tai nhau sự kiện này. Không úp mở, chiều
ngày 11/7, trả lời báo chí, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng,
người phát ngôn Bộ Công an cho biết, cơ quan chức năng sẽ xử lý 9 người
đưa thông tin thất thiệt này. Các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đang
tiếp tục làm rõ sự việc.
Bộ Công
an cũng chuyển hồ sơ sang Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đề nghị xử
lý đối tượng Tô Vĩ Hoàn, 38 tuổi, trú phường Cầu Diễn, quận Nam Từ
Liêm, với cáo buộc có "hành vi đưa tin thất thiệt". Việc làm của Tô Vĩ
Hoàn bị đánh giá đã "ảnh hưởng đến uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp của
doanh nghiệp, gây tác động xấu đến thị trường chứng khoán". Người phát
ngôn Bộ Công an đề nghị người dân "không lan truyền" trước việc một số
tài khoản mạng xã hội đưa tin "không chính xác về một người đứng đầu
doanh nghiệp có ảnh hưởng nhất định đến thị trường chứng khoán, trái
phiếu doanh nghiệp".
Như chúng ta
đều biết “thông tin là chìa khóa của quyền lực”, một tin tốt, thông tin
trung thực có ý nghĩa lan tỏa rất lớn, song thông tin “xấu độc”, “thất
thiệt” có tác hại vô cùng lớn, nhưng ở góc độ “hấp thụ” lại được rất
nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, trong bối cảnh tràn lan thông tin trên
không gian mạng, người đọc, người xem, người nghe (người thụ hưởng) phải
biết chọn lọc và hơn nữa phải hiểu biết pháp luật.
Thứ
nhất, có một số thông tin liên quan đến lĩnh vực chính trị, nội chính
là thông tin không dễ gì được chia sẻ, không ai có quyền phát tán cho
người khác hoặc mạo danh “nick ảo” để tung lên mạng. Những cá nhân, thậm
chí “Facebooker” có giỏi đến đâu cũng không thể lấy thông tin để đưa
lên mạng xã hội. Vì thế, chỉ có thể khẳng định việc tung lên mạng các
tin thất thiệt chỉ có thể phục vụ cho mưu đồ chính trị, hạ bệ uy tín tổ
chức, cá nhân hoặc mục đích câu view để “hút” quảng cáo. Không có chuyện
đó là thông tin chính thống.
Thứ
hai, xét góc độ luật pháp, không chỉ kẻ đưa thông tin thất thiệt bị
phạt tiền hoặc truy tố trách nhiệm hình sự mà người phát tán hoặc chia
sẻ thông tin cũng vi phạm pháp luật.
Tuy
nhiên, có một vấn đề đặt ra, vì sao các thông tin thất thiệt vẫn còn
đất sống. Ngoài các lý do đưa ra ở trên là do chế tài xử phạt quá nhẹ.
Ví dụ, theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP, người có hành vi lợi dụng mạng xã
hội để cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc
phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, cung cấp, chia
sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân sẽ bị phạt 10-20
triệu đồng.
Do vậy, để thông tin
thất thiệt không còn đất sống, góp phần làm lành mạnh hóa môi trường
mạng và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đã đến lúc cơ quan chức năng
phải nâng mức xử phạt lên thật cao đối với cá nhân, tổ chức tung tin sai
trên không gian mạng.
Theo laodongthudo.vn