Thực
hiện Kế hoạch công tác tuyên truyền miệng năm 2022, sáng 7/7, Ban Tuyên
giáo Trung ương đã tổ chức Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 7
dưới sự chủ trì của đồng chí Phó Trưởng ban Phan Xuân Thủy.
Hội nghị
được tổ chức bằng hình thức trực tuyến tại 1.749 điểm cầu trên cả nước.
Trong đó có 3 điểm cầu của Ban Tuyên giáo Trung ương tại Hà Nội, TP. Hồ
Chí Minh và Đà Nẵng; 51 điểm cầu cấp tỉnh; 328 điểm cầu cấp huyện và
1.367 điểm cầu cấp xã, với tổng số trên 48.000 đại biểu tham dự.
Hội nghị đã nghe đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương thông tin chuyên đề: Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; đồng chí Đỗ Thành Trung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin chuyên đề: Tình
hình kinh tế - xã hội của nước ta 6 tháng đầu năm 2022; dự báo tình
hình và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2022.
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn thông tin chuyên đề tại Hội nghị. (Ảnh: HMT)
TUYÊN TRUYỀN KHẲNG ĐỊNH CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ ĐẤT ĐAI
Phát biểu
kết luận Hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy
nhấn mạnh, trên cơ sở tài liệu, thông tin được cung cấp tại Hội nghị, đề
nghị Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung
ương tuyên truyền khẳng định, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Ban
Chấp hành Trung ương đã bám sát Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của Nhà
nước, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kết quả tổng kết 10 năm thực
hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI, đã dành nhiều thời gian để nghiên
cứu, thảo luận và thống nhất cao để ban hành Nghị quyết về tiếp tục
đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả
quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát
triển có thu nhập cao. Trong Nghị quyết đã nêu rõ quan điểm: đất
đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống
nhất quản lý. Quyền sử dụng đất là quyền sử dụng một loại tài sản và
hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu; quyền sử dụng đất và
tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ. Người sử dụng đất có
quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Nhà nước không thừa nhận
việc đòi lại đất đã được Nhà nước giao cho các tổ chức, cá nhân khác sử
dụng trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai; không
đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá
nhân; có chính sách để đất nông nghiệp được sử dụng một cách có hiệu quả
cao nhất.
Về tình
hình kinh tế - xã hội, đồng chí Phan Xuân Thủy đề nghị công tác tuyên
truyền cần nhấn mạnh: trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục đà phục
hồi, song chậm lại, bấp bênh và đối mặt với nhiều rủi ro do lạm phát,
giá năng lượng, lương thực tăng cao; tăng trưởng của các nền kinh tế lớn
đều đang có dấu hiệu suy giảm hoặc chậm lại đáng kể, nhưng kinh tế vĩ
mô của Việt Nam tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối
lớn được đảm bảo, có xu hướng khởi sắc ở hầu hết các ngành, lĩnh vực.
Tăng trưởng GDP quý II/2022 đạt 7,72%, cao nhất trong 10 năm qua, kể từ
năm 2011. Tính chung 6 tháng, GDP tăng trưởng 6,42% so với cùng kỳ, vượt
kịch bản đề ra tại Nghị quyết 01 của Chính phủ. Một số ngành đã có mức
tăng cao hơn trước khi dịch COVID-19 xuất hiện, FDI thực hiện có mức
tăng cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua (10,06 tỷ USD). Có
được kết quả trên là do chúng ta đã triển khai và thực hiện chủ trương
nhất quán của Việt Nam là: 1) Không lựa chọn nền kinh tế đóng mà luôn
kiên định đường lối đổi mới, mở cửa, chủ động, tích cực hội nhập sâu
rộng, thực chất, hiệu quả; 2) Tạo môi trường pháp lý phù hợp, ổn định và
điều kiện thuận lợi, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của
các doanh nghiệp, đối tác đầu tư, kinh doanh lâu dài, hiệu quả, bền vững
trên nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” và tuân thủ pháp
luật; 3) Việt Nam mong muốn là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành
viên có trách nhiệm và sẵn sàng chung tay cùng cộng đồng quốc tế giải
quyết các thách thức có tính chất toàn cầu, toàn dân.
Đồng
chí Đỗ Thành Trung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch
và Đầu tư thông tin chuyên đề tại Hội nghị. (Ảnh: HMT)
TUYÊN TRUYỀN PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19
Định hướng
công tác tuyên truyền trong thời gian tới, Phó Trưởng ban Tuyên giáo
Trung ương Phan Xuân Thủy đề nghị Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy,
đảng ủy trực thuộc Trung ương tập trung vào một số nội dung trọng tâm
như: tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19; tuyên truyền kết quả Hội
nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu
cực giai đoạn 2012-2022; tuyên truyền Kết luận số 36-KL/TW ngày
23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập,
hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tuyên truyền kỷ niệm
các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng (75 năm Ngày Thương binh
Liệt sỹ; 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Cừ; 110 năm Ngày sinh
đồng chí Võ Chí Công…)…
Về nội
dung tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19, đồng chí Phan Xuân Thủy
nhấn mạnh, đến nay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát dược dịch bệnh, các
hoạt động đang dần trở lại bình thường, việc phục hồi và phát triển đạt
kết quả tương đối toàn diện trên các mặt. Tuy nhiên, hiện nay xuất hiện
tình trạng chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch, nhất là trong việc
tiêm vaccine, thậm chí né tránh tiêm vaccine ở một bộ phận người dân tại
một số nơi do đã mắc bệnh hoặc thấy tình trạng bệnh nhẹ khi mắc nên
không muốn tiếp tục tiêm vaccine; công tác vận động, khuyến khích người
dân tham gia tiêm chủng chưa thực sự hiệu quả.
Đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: HMT)
Vừa qua,
trên thế giới, biến thể phụ BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều quốc
gia và đã xuất hiện tại Việt Nam, biến thể phụ này có khả năng lây lan
nhanh hơn 12% so với biến thể phụ BA.2 đang phổ biến tại nước ta. Dự
báo, trong thời gian tới các ca nhiễm biến thể BA.5 có thể ghi nhận
nhiều hơn trong cộng đồng. Theo Tổ chức Y tế thế giới, các vaccine được
cấp phép lưu hành hiện nay vẫn có giá trị bảo vệ cao, làm giảm nguy cơ
chuyển nặng đối với tất cả các biến thể SARS-CoV-2, bao gồm cả biến thể
phụ BA.5. Do đó, các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó, như
tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh...
Đồng chí
Phan Xuân Thủy đề nghị Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy
trực thuộc Trung ương đẩy mạnh tuyên truyền chỉ đạo của Thủ tướng Chính
phủ: phòng dịch vẫn là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết liệt, phòng
dịch tốt thì không phải chống dịch…; tuyên truyền nhấn mạnh việc tiêm
vaccine là quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người để bảo vệ
chính mình, gia đình và cộng đồng…
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: HMT)
Về kết quả
Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng,
tiêu cực giai đoạn 2012-2022, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề
nghị tuyên truyền khẳng định: đến nay, công tác đấu tranh phòng, chống
tham nhũng đã được Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản,
ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể,
rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực,
lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự “đã trở thành phong trào,
xu thế không thể đảo ngược”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng
tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận; tuyên truyền
khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong
cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phương châm chỉ đạo
“không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không
chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”; tuyên truyền các nhiệm vụ, giải
pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó chú
trọng, đẩy mạnh và từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để
“không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng…./.
Theo tuyengiao.vn