Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người
PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ THUẦN PHONG, MỸ TỤC
Phát huy yếu tố tích cực trong giáo dục các chuẩn mực đạo đức, nhân cách.
Nếp nhà của người Việt
Nam là một trong những biểu trưng cho các giá trị truyền thống của gia
đình, trong đó bao hàm những giá trị về đạo đức, chuẩn mực trong ứng xử,
giao tiếp hay nghi lễ tín ngưỡng luôn được trao truyền, gìn giữ cho đến
ngày nay.
Trong các giai đoạn lịch
sử, gia đình Việt Nam mặc dù có những ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo
nhưng vẫn giữ được nét riêng của văn hóa gia đình Việt Nam. Các loại
hình gia đình cũng có những thay đổi theo từng thời kỳ và hình thành
nhiều loại hình gia đình như gia đình thuần nông, gia đình làm nghề thủ
công, gia đình công nhân, gia đình trí thức, gia đình công giáo, gia
đình phật giáo,… Nhiều quy tắc, nền nếp gia đình đã được truyền qua
nhiều đời, khuyên răn giáo dục các thành viên cách ăn ở, giao tiếp; răn dạy đạo đức, ý thức học hỏi, sự thủy chung, nghĩa tình, tu thân lập nghiệp, thờ cha kính mẹ…Các điều
răn dạy đạo lý luôn được ông bà, cha mẹ rèn dạy con cháu qua các hoạt
động sinh hoạt thường ngày nhằm hạn chế rơi vào tình cảnh “xấu trong
làng nước, để cười mai sau”.
Nhìn chung, các giá trị
chân, thiện, mỹ được định hình, nuôi dưỡng trong gia đình, dựa trên nền
tảng của tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh, nhường nhịn và bảo ban giữa
các lớp thế hệ, giữa các thành viên trong gia đình. Những giá trị đó
được nhân lên, bảo vệ và gìn giữ qua thời gian, là những giá trị văn hóa
kết nối, nuôi dưỡng nhân cách của mỗi con người trong quá trình khôn
lớn và trưởng thành.
Phát huy các giá trị
tâm lý, tình cảm: tình thương yêu, sự quan tâm chăm sóc, chia sẻ, đùm
bọc giữa các thành viên trong gia đình, tình yêu quê hương, đất nước
Bên
cạnh sự gần gũi trong quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân, các thành
viên trong gia đình cũng được định hình nhân cách với sự thương yêu của
người thân bao gồm ông bà, cha mẹ, anh chị em, cô dì, chú bác. Gia đình
và gia tộc, dòng họ có vai trò quan trọng trong giáo dụcnhân
cách của mỗi cá nhân. Trước hết, quan hệ tình cảm, tâm lý gia đình như
là một nguồn động viên, hỗ trợ, cội nguồn của sức mạnh với những tình
cảm thiêng liêng, gần gũi, máu thịt. Những mối quan hệ đó trở thành chỗ
dựa tinh thần cho các thành viên trong gia đình cả khi thành công hay
thất bại.
Với những đặc trưng của
văn hóa phương Đông, văn hóa gia đình Việt Nam luôn đề cao thái độ tôn
kính với tổ tiên, ông bà, cha mẹ; đoàn kết, hòa thuận. Mỗi thành viên
luôn coi trọng các giá trị truyền thống của gia đình, dòng họ. Ngôi nhà
tượng trưng cho tổ ấm, là chốn đi về, là điểm tựa và cũng là nơi tụ họp
của cả gia đình, dòng họ vào các dịp giỗ, tết. Ý thức đoàn kết, hòa
thuận được nuôi dưỡng trở thành tình yêu quê hương, đất nước. Từ sự cố
kết của gia đình gắn liền với tính cố kết của làng xã, dân tộc, tạo nên
sự kết nối vững chắc giữa gia đình với cộng đồng, tộc người và quốc gia.
Phát huy giá trị giáo dục chuẩn mực ứng xử với môi trường, xã hội, phát huy các tri thức, kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển cộng đồng.
Ứng xử với môi trường
sống để lựa chọn cách thích ứng phù hợp, đảm bảo cuộc sống mưu sinh và
bảo vệ an toàn cho con người là một trong những nội dung quan trọng
trong giáo dục của gia đình truyền thống Việt Nam.
Với mục tiêu tạo ra của
cải vật chất nuôi sống con người, gia đình đã có những giá trị trong
truyền tải kinh nghiệm, bí quyết nghề nghiệp và duy trì các hoạt động
sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, tạo nên khu vực kinh tế tư
nhân, mở rộng các hoạt động sản xuất và thương nghiệp linh hoạt, thích
ứng với mọi điều kiện xã hội, thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Cũng
trong môi trường lao động sản xuất và kinh doanh, đạo đức của con người
đã được rèn dũa, coi trọng sự sáng tạo và thái độ làm việc, yêu lao
động, có trách nhiệm với công việc cá nhân và sự gắn kết giữa cá nhân
với gia đình, cộng đồng.
Giá trị gia đình luôn
được dày công vun đắp từ trong lịch sử của mỗi cá nhân, gia đình, cộng
đồng và chính sách quốc gia. Trong quá trình lịch sử bảo vệ và xây dựng
đất nước, giá trị hiếu, nghĩa trong gia đình luôn được nhấn mạnh. Chữ
hiếu trong gia đình truyền thống Việt Nam còn có nghĩa rộng hơn, gắn với
quyền lợi của dân tộc, đất nước. Chính vì thế, gia đình được xem là
chiếc nôi nuôi dưỡng tình yêu Tổ quốc…
NHẬN DIỆN CÁC GIÁ TRỊ CỐT LÕI TRONG THỜI KỲ MỚI
Văn hóa gia đình là một
trong những cốt lõi của văn hóa Việt Nam, là nơi khởi nguồn và nuôi
dưỡng con người trưởng thành. Trong giai đoạn hiện nay, những giá trị
cốt lõi của gia đình cần được chú trọng, gìn giữ và phát triển dựa trên
các chức năng cơ bản của gia đình Việt Nam. Đó là chức năng về kinh
tế/sản xuất với giá trị hướng tới là ấm no; chức năng tâm lý, tình cảm
hướng tới giá trị hạnh phúc; chức năng sinh đẻ, nuôi dưỡng, chăm sóc và
chức năng xã hội hóa/giáo dục hướng tới giá trị tiến bộ và bình đẳng.
Một là, giá trị ấm no.
Giá trị ấm no được đo
bằng chất lượng cuộc sống của gia đình với các biểu hiện về kinh tế -
vật chất và thể chất, trước hết là thỏa mãn các nhu cầu ăn, mặc, ở, học
hành và giải trí của các thành viên một cách tương đối đầy đủ; cho các
thành viên có cơ hội phát triển về tài năng, trí tuệ, sức khỏe và khả
năng đóng góp với gia đình và xã hội. Ở một mức độ cao hơn, giá trị ấm
no của gia đình hiện nay đang hướng đến ăn ngon, mặc đẹp, có nhà ở, chỗ ở
riêng; có đủ tiện nghi sinh hoạt; thu nhập ổn định; có việc làm theo sở
thích; có phương tiện đi lại phù hợp với sở thích; khỏe mạnh, trường
thọ, có tài sản để dành và sống trong môi trường tự nhiên, xã hội ôn
hòa, không ô nhiễm.
Trên thực tế, gia đình
Việt Nam đã cơ bản đạt tới sự ấm no với những kết quả đáng khích lệ từ
các chương trình xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội từ
sau khi Đổi mới. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận hộ gia đình Việt Nam mới
thoát khỏi đói và đang còn ở mức nghèo khá thấp, đặc biệt ở các vùng
lõi nghèo, vùng đặc biệt khó khăn dân tộc thiểu số.
Mọi sự phát triển của xã
hội đều hướng tới sự ấm no của gia đình, hướng tới mang lại hạnh phúc
cho con người. Thành quả của các cuộc cách mạng, hiệu quả của các chính
sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước Việt Nam đều hướng
tới sự ấm no cho mỗi gia đình. Trải qua quá trình phát triển trong lịch
sử, gia đình Việt Nam đã phát triển từ thiếu đói, nghèo khó đến đủ ăn,
đủ mặc. Giá trị ấm no trong thời kỳ mới đòi hỏi các chính sách, chiến
lược phát triển gia đình phải đáp ứng được yêu cầu đầy đủ về vật chất,
hạ tầng, cải thiện tiện nghi sinh hoạt và môi trường sống của mỗi gia
đình.
Hai là, giá trị hạnh phúc.
Theo quan niệm của người
Việt Nam, hạnh phúc gia đình là sự yêu thương, chăm sóc, nuôi dưỡng,
giáo dục con cháu, kính trọng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; là cuộc sống
đủ đầy về vật chất và tinh thần. Gia đình hạnh phúc bởi các mối quan hệ
hòa thuận, vui vẻ, đầm ấm giữa các thành viên; con cái chăm ngoan; có
quan hệ với họ hàng, hàng xóm láng giềng thân thiện, vui vẻ. Cách sống
có trách nhiệm, sự tin tưởng lẫn nhau giữa giữa các thành viên là những
yếu tố quan trọng tạo dựng nên một gia đình hạnh phúc.
Giá trị hạnh phúc của
gia đình được biểu hiện rõ nét thông qua các mối quan hệ giữa các thành
viên. Có những mối quan hệ được coi là chuẩn mực như “cha từ con hiếu”,
cũng có mối quan hệ cởi mở, bình đẳng hơn trong cuộc sống hiện đại…
nhưng đều có điểm chung là sự ấm áp, gần gũi, tạo cho mỗi thành viên cảm
nhận được sự bình yên trong ngôi nhà của mình.
Các giá trị như kính
trọng, chăm sóc người già; trách nhiệm, bổn phận của cha mẹ hay của con
trẻ với gia đình; coi trọng mối quan hệ họ hàng, dòng tộc... đến nay vẫn
được giữ gìn và phát huy ở đa số các gia đình Việt Nam, coi đó là một
trong những biểu hiện của giá trị hạnh phúc.
Ba là, giá trị tiến bộ.
Giá trị tiến bộ được cụ
thể hóa bằng sự bình đẳng trong gia đình. Mặc dù bị ảnh hưởng của văn
hóa Nho giáo, gia đình Việt Nam vẫn luôn coi trọng giá trị bình đẳng
trong các mối quan hệ.
Mối quan hệ gia đình
được vun đắp bền vững, tốt đẹp dựa trên sự phân công hợp lý và tích cực
cũng như sự giúp đỡ hỗ trợ của các thành viên, qua đó phát huy tối đa
các khả năng cá nhân trong xây dựng và phát triển gia đình.
Bình đẳng giữa vợ và
chồng trong gia đình được thể hiện và đề cao thông qua sự trao đổi, bàn
bạc, thống nhất trong phân công công việc, nuôi dạy và chăm sóc con cái,
kinh tế và thu nhập, nghĩa vụ và trách nhiệm hay các hoạt động đối nội,
đối ngoại. Trong mối quan hệ ông bà, cha mẹ và con cháu, giá trị bình
đẳng được thể hiện ở sự lắng nghe, chia sẻ, cảm thông nhằm đạt tới sự
thấu hiểu và tôn trọng.
Gia đình tiến bộ được
xây dựng trên cơ sở tình yêu, sự tôn trọng và bình đẳng trong tất cả các
mối quan hệ; được thể hiện trong việc tự do lựa chọn bạn đời, tham gia
sản xuất và hưởng thụ thành quả lao động; ngăn chặn bạo lực gia đình và
những bất công, mâu thuẫn giữa các thành viên.
Trong cuộc vận động xây
dựng gia đình văn hóa, thực hiện nếp sống mới, các tiêu chí đều hướng
đến xây dựng gia đình bình đẳng - các thành viên trong gia đình được tôn
trọng, yêu thương và có cảm giác thoải mái, hòa thuận cùng nhau. Lối
sống của gia đình truyền thống đã và đang hòa vào cùng những thay đổi
của xã hội hiện đại hóa, công nghiệp hóa. Tuy nhiên, những tiêu chí bình
đẳng, tiến bộ vẫn chưa được cụ thể hóa trong các chỉ tiêu xây dựng gia
đình văn hóa. Việc hệ thống hóa và xây dựng các chỉ tiêu bình đẳng trong
gia đình hiện nay mới chỉ dừng lại ở mức vận động, tuyên truyền mà chưa
có những định mức cụ thể.
Bốn là, giá trị văn minh.
Trong
gia đình hiện nay, mối quan hệ, ứng xử giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và
con cái đang có những thay đổi, phù hợp hơn với một xã hội văn minh,
hiện đại. Đó là các biểu hiện của sự tôn trọng, chia sẻ, thực hiện các
quyền bình đẳng giữa những thành viên nhưng luôn đề cao giá trị đạo đức,
nhân cách.
Trong
gia đình hiện đại, bên cạnh những trang thiết bị góp phần nâng cao đời
sống vật chất, tiện nghi sinh hoạt thì phương thức ứng xử văn hóa cũng
được coi trọng. Các mối quan hệ theo chiều dọc (ông bà - cha mẹ - con
cái) và mối quan hệ theo chiều ngang (vợ - chồng; anh chị - em) đều được
điều chỉnh, hài hòa với điều kiện mới với sự tôn trọng, chia sẻ giữa
các thành viên.
Gia đình văn minh luôn
chú trọng nâng cao các giá trị giao tiếp ứng xử đạt tới mức độ văn minh,
hòa vào nhịp sống của xã hội đương đại và hài hòa với môi trường tự
nhiên; tiếp thu các giá trị mới từ bên ngoài để bổ sung, điều chỉnh các
phương thức ứng xử, giao tiếp, các mối quan hệ trong gia đình; gạn lọc
những mối quan hệ, cách ứng xử không còn phù hợp...
NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG GIỮ GÌN, PHÁT TRIỂN HỆ GIÁ TRỊ GIA ĐÌNH THỜI KỲ MỚI
Xây dựng, phát triển nền
văn hóa dựa trên các giá trị gia đình được coi là giá trị nội sinh, có ý
nghĩa tích cực về thuần phong mỹ tục của gia đình. Nét hằng xuyên trong
văn hóa gia đình Việt Nam là sự “không chối từ” các yếu tố văn hóa mới,
các yếu tố văn minh, hiện đại tác động đến gia đình, làm thay đổi nếp
sống, thói quen mang ý nghĩa tích cực hơn, đồng thời cũng làm giảm đi
đáng kể đến những “tiêu chí truyền thống” được coi là bảo thủ và trì
trệ.
Trong bối cảnh hiện nay,
nhiều giá trị gia đình đã và đang biến đổi. Trước hết là các biến đổi
giá trị trong hôn nhân, giá trị trong các mối quan hệ của gia đình, giá
trị nội tâm và tâm linh, tín ngưỡng… Đồng thời, gia đình Việt Nam đang
tiếp nhận những giá trị mới. Trong các giá trị mới, giá trị vay mượn, có
những yếu tố sáng tạo để tạo ra các giá trị mới như việc mở rộng không
gian giao tiếp của gia đình dựa vào các công nghệ, thiết bị hiện đại.
Việc mở rộng các ngôn ngữ giao tiếp cũng làm mới hơn các mối quan hệ
trong gia đình. Bên cạnh duy trì các nghi lễ mang tính lễ giáo truyền
thống, các thể thức nghi lễ mới cũng xuất hiện làm phong phú hơn đời
sống của gia đình, lan tỏa hơn các giá trị sống...
Trước những hỗn dung về
văn hóa xâm nhập vào mỗi gia đình Việt Nam, việc bảo vệ, giữ gìn các giá
trị văn hóa gia đình truyền thống cần được coi trọng với những thuần
phong, mỹ tục của gia đình. Cách đối xử trọng già, thương trẻ; anh em
hòa thuận, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển; cách thức coi
trọng chữ hiếu trong gia đình, nuôi dưỡng đức tính hiếu thuận và nhân
nghĩa của con trẻ đã làm cho gia đình Việt Nam có tính bền vững, trường
tồn. Bên cạnh đó, việc phát huy, tiếp nhận các giá trị mới trong cuộc
sống hiện đại cũng “đảm bảo” cho gia đình lan tỏa các giá trị yêu
thương, chăm sóc không phụ thuộc vào thời gian, khoảng cách địa lý và
khoảng cách về thế hệ.
Việc phát huy những yếu
tố truyền thống tích cực và tiếp thu những giá trị mới sẽ làm phong phú
thêm hệ giá trị gia đình Việt Nam, tăng thêm tính cố kết trong mỗi gia
đình, dòng họ, cộng đồng. Điều đó cũng khẳng định tính linh hoạt và
thích ứng của văn hóa gia đình Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa,
hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Theo đó, một số vấn đề cần quan tâm để
giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam là:
Thứ nhất, nghiên
cứu, đánh giá hệ giá trị gia đình Việt Nam. Nhận diện các giá trị
truyền thống cần gìn giữ, phát huy; xác định các giá trị mới đang hình
thành phù hợp với văn hóa Việt Nam và văn hóa gia đình Việt Nam.
Nghiên cứu cơ bản về gia
đình để có những định hướng quan trọng trong giữ gìn, phát triển hệ giá
trị gia đình thời kỳ mới. Theo đó, cần có những đầu tư về công sức và
trí tuệ; làm rõ những vấn đề hạn chế, bất cập, tồn tại; xác định đúng
những biến đổi để xây dựng bảng giá trị mới cho gia đình - kết hợp giữa
các giá trị truyền thống với các giá trị mới, phù hợp với xu thế phát
triển của thời đại.
Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò của giáo dục trong gia đình.
Huỳnh Thúc Kháng đã
khẳng định: “Muốn chấn hưng công việc của quốc gia xã hội, muốn sửa sang
nhân tâm phong tục thời phải coi trọng giáo dục gia đình mà bồi bổ, sắp
đặt để cho cái nền, gốc được vững”.
Trong bối cảnh mới, việc
coi trọng giáo dục trong gia đình hết sức quan trọng. Nội dung giáo dục
trong gia đình rất toàn diện, bao gồm giáo dục đạo đức, nhân cách, lối
sống, phương thức lao động, trau dồi kiến thức, tri thức để hình thành
nên con người mới, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển hiện nay.
Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật, chính sách phát triển hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới.
Thực hiện có hiệu quả
Chiến lược phát triển gia đình đến năm 2030, trong đó chú trọng giữ gìn,
phát triển các giá trị gia đình. Các chính sách xây dựng, phát triển
gia đình cần được lồng ghép trong những chính sách phát triển kinh tế -
xã hội của các chương trình mục tiêu quốc gia.
Xây dựng các tiêu chí
giữ gìn, phát triển gia đình, trong đó có những tiêu chí cụ thể về hệ
giá trị gia đình, xác định rõ những tiêu chí đáp ứng các giá trị cốt lõi
của gia đình hướng tới như ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh… ; tiêu
chí về lối sống và phương thức giao tiếp, ứng xử trong các mối quan hệ
của gia đình; tiêu chí đạo đức; tiêu chí duy trì, gìn giữ và phát triển
chức năng tâm lý, tình cảm, tôn giáo, tín ngưỡng; tiêu chí về bảo đảm
môi trường, an ninh; tiêu chí dịch vụ xã hội và an sinh xã hội cho gia
đình…/.
Phát
biểu tại Hội Nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú
Trọng đã nhấn mạnh: “Con người Việt Nam trong thời kỳ mới có sự kết hợp
nhuần nhuyễn giữa giá trị truyền thống với giá trị hiện đại…, được nuôi
dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với các giá trị cốt lõi: ấm no, hạnh
phúc, tiến bộ, văn minh”. Theo đó, các giá trị cốt lõi của gia đình
được xác định là trọng tâm trong xây dựng con người Việt Nam mới với
những giá trị chuẩn mực về tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh; việc
phát huy các giá trị nhằm hướng tới xây dựng gia đình là tế bào lành
mạnh, vững chắc và làm các giá trị nền tảng cho phát triển xã hội.
Theo tuyengiao.vn