Khu vực bỏ phiếu trong ngày Tổng tuyển cử 6.1.1946. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ngày 6.1.1946 đánh dấu một sự kiện quan
trọng trong lịch sử Việt Nam, khi lần đầu tiên người dân thông qua lá
phiếu của mình được quyền trực tiếp lựa chọn, bầu những người có tài, có
đức vào Quốc hội để gách vác công việc nước nhà.
Thành công của cuộc Tổng tuyển cử đã
đánh dấu sự ra đời của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày nay
là Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Khẳng định về mặt pháp lý quyền làm chủ của nhân dân
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng
một trong những cơ sở cần có đầu tiên của một Nhà nước là Hiến pháp, mà
muốn có Hiến pháp phải có Quốc hội.
Vì thế, mặc dù tình hình đất nước đang ở
thế “ngàn cân treo sợi tóc,” trong 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước
Việt Nam dân chủ cộng hòa, Bác vẫn đề ra nhiệm vụ vô cùng khó khăn là
phải tổ chức một cuộc Tổng tuyển cử càng sớm càng tốt: “tổ chức càng sớm
càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công
dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân
biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống…”
Ngày 8.9.1945, Chủ tịch Chính phủ Lâm
thời nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà đã ra Sắc lệnh số 14-SL về cuộc Tổng
tuyển cử để bầu Quốc hội.
Bản sắc lệnh ghi rõ: "Chiểu theo Nghị
quyết của Quốc dân đại biểu Đại hội họp ngày 16-17.8.1945, tại Khu giải
phóng, ấn định rằng nước Việt Nam sẽ theo chính thể dân chủ cộng hòa, và
Chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân đại hội bầu theo lối
phổ thông đầu phiếu cử lên..."
Ngày 5.1.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra
Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn: “Ngày mai, là một
ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì
ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt
đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình... Ngày mai, dân ta sẽ tự do lựa
chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc
nước.”
Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ
quốc, bằng ý chí của một dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do vừa
giành được, toàn thể người dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ
miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái
trai, già trẻ đã dành trọn ngày lịch sử - ngày 6.1.1946 - đi bầu cử Quốc
hội.
Ở các tỉnh phía Bắc, mặc dù phải đối phó
với âm mưu phá hoại của kẻ thù, nhưng cuộc tổng tuyển cử vẫn diễn ra an
toàn; còn các tỉnh phía Nam, nhất là ở Nam Bộ, cuộc bầu cử diễn ra dưới
bom đạn ác liệt của giặc Pháp.
Cuộc Tổng tuyển cử đã được tiến hành thành công tốt đẹp trên phạm vi cả nước.
Cuộc Tổng tuyển cử đã bầu được 333 đại
biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau; 43% số
đại biểu không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến
sĩ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số.
Trong thành phần của Quốc hội có đại
biểu đại diện cho cả ba miền Bắc-Trung-Nam, các giới từ những nhà cách
mạng lão thành, thương gia, nhân sỹ trí thức và các nhà hoạt động văn
hóa, đến đại biểu các thành phần tôn giáo, những người không đảng phái
và các đảng phái chính trị.
Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu với 98,4%
số phiếu. Kết quả này là một bằng chứng về khát vọng độc lập, tự chủ của
dân tộc ta và uy tín tuyệt đối của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong toàn thể
nhân dân Việt Nam.
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam
năm 1946 được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó
là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín đã hoàn toàn thắng
lợi. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời.
Thắng lợi này là một mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam.
Thắng lợi đó khẳng định đường lối, chủ
trương của Đảng ta đúng đắn, sáng tạo, thể hiện khát vọng được độc lập,
tự do của nhân dân Việt Nam.
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử cũng
khẳng định niềm tin tuyệt đối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh
thần yêu nước của nhân dân ta.
Đồng thời, đó cũng là sự biểu thị khát vọng dân chủ của nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử như Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu tại Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội đầu
tiên, là: “... kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là
kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam
ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già, trẻ, lớn, bé, gồm
tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết
chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập
cho Tổ quốc."
Xứng đáng là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân
Trải qua 77 năm hình thành và phát
triển, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, ngày càng thực hiện
tốt hơn chức năng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, thay mặt
nhân dân thực hiện các quyền lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và
quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Về lập hiến, với vai trò lịch sử của
mình, Quốc hội khóa I đã thông qua Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu
tiên của nước Việt Nam độc lập.
Đánh giá về ý nghĩa của sự kiện này, Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã nói: "... Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước
Việt Nam đã độc lập... dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do."
Đây là một bản Hiến pháp dân chủ, tiến
bộ, là đạo luật cơ bản đầu tiên đặt nền móng cho việc xây dựng thể chế
nhà nước cách mạng trong thời đại mới.
Tiếp đó, trong thời kỳ kháng chiến cứu
nước vô cùng ác liệt, với tinh thần tất cả cho tuyền tuyến, tất cả để
đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp 1959 tạo nền
tảng pháp lý cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh
thống nhất nước nhà.
Bà Ma
Thị Bưởi (người dân tộc Thổ), thôn B, xã Đoàn Kết (Thái Nguyên) sung
sướng cầm lá phiếu của chính mình lựa chọn người bầu cử để thành lập khu
tự trị Việt-Bắc (1956). (Ảnh: TTXVN)
Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, khi non
sông đã thu về một mối, ngày 15.4.1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội
khóa VI được tiến hành trong cả nước và đã thu được thắng lợi rực rỡ.
Từ đây, chúng ta có một Quốc hội của
nước Việt Nam thống nhất, huy động sức mạnh của toàn dân tộc vào quá
trình khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ
quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Kế thừa, phát triển Hiến pháp năm 1946,
Hiến pháp năm 1959, Quốc hội tiếp tục ban hành Hiến pháp 1980 - Hiến
pháp của thời kỳ cả nước thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.
Và Hiến pháp 1992 - Hiến pháp của thời
kỳ đổi mới toàn diện đất nước, đánh dấu một mốc phát triển quan trọng
của cách mạng Việt Nam.
Ngày 28.11.2013, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, Hiến Pháp 2013 đã được Quốc hội thông qua.
Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt
Nam, cụm từ “Nhân dân” được viết hoa để khẳng định và đề cao vai trò có
tính quyết định của nhân dân trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
Đây cũng là bản Hiến pháp được chuẩn bị
công phu, chắt lọc, tiếp thu được nhiều ý kiến đóng góp xây dựng của
nhân dân, của các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học,
phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân; bảo đảm chính trị, pháp
lý vững chắc cho dân tộc ta, nhân dân ta và Nhà nước ta vượt qua những
thách thức, khó khăn, vững bước tiến lên trong thời kỳ mới - thời kỳ đẩy
mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,
hội nhập quốc tế.
Về lập pháp, trong những năm qua, hoạt
động lập pháp luôn được Quốc hội được đặc biệt quan tâm, nhằm xây dựng
và từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ yêu cầu phát triển
kinh tế, văn hóa-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ
đối ngoại, bảo đảm việc thực hiện quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Đồng thời củng cố, hoàn thiện bộ máy nhà
nước; góp phần quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa
đất nước, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, thúc đẩy tiến bộ xã hội,
nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tích cực, chủ động
hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc
tế.
Cùng với đó, hoạt động giám sát cũng đạt
được những kết quả tích cực, ngày càng sát với thực tiễn, lựa chọn được
những vấn đề nổi trội, bức thiết trong xã hội.
Nhiều kiến nghị qua giám sát được tiếp
thu, khắc phục, đã góp phần thúc đẩy việc thực hiện Hiến pháp, luật,
nghị quyết của Quốc hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Phương
thức tiến hành giám sát đã có cải tiến nhằm nâng cao chất lượng.
Thêm một dấu ấn đổi mới trong những năm gần đây của Quốc hội là hoạt động chất vấn với tinh thần rất dân chủ.
Những đổi mới trong hoạt động chất vấn
tại kỳ họp Quốc hội đã góp phần làm cho sinh hoạt của Quốc hội trở nên
sôi động, thiết thực, được nhân dân hoan nghênh, đồng tình và ủng hộ.
Tại các kỳ họp của Quốc hội khóa XIV, có
thể thấy những cuộc chất vấn, tranh luận trên Nghị trường rất sôi nổi,
nội dung tranh luận rất rõ ràng, không chỉ đại biểu tranh luận với các
thành viên Chính phủ mà các đại biểu Quốc hội tranh luận với nhau. Tranh
luận để tìm tiếng nói chung, tìm ra quyết sách đúng để đưa đất nước
phát triển.
Quốc hội cũng đã thực hiện ngày càng có hiệu quả hơn chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Các Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ
phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hàng năm, chính sách tài chính tiền
tệ quốc gia, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách nhà nước,
các công trình quan trọng quốc gia, chính sách dân tộc, an ninh, quốc
phòng, đối ngoại... đã góp phần vào việc duy trì sự ổn định và phát
triển đất nước.
Quốc hội Việt Nam cũng hoàn thành tốt
những nhiệm vụ quốc tế. Với tư cách là thành viên chính thức của Tổ chức
liên nghị viện ASEAN (AIPO) và sau này là Liên minh nghị viện ASEAN
(AIPA), Quốc hội Việt Nam luôn thể hiện trách nhiệm, chủ động và tích
cực đóng góp xây dựng AIPO/AIPA không ngừng lớn mạnh.
Đặc biệt, Quốc hội Việt Nam đã ghi dấu
ấn sâu đậm bằng việc 3 lần tổ chức thành công kỳ họp Đại hội đồng AIPO
23 (năm 2002), Đại hội đồng AIPA 31 (năm 2010) và mới đây nhất là Đại
hội đồng AIPA 41 (năm 2020).
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đầy khó
khăn, với chủ đề “Ngoại giao Nghị viện vì một Cộng đồng ASEAN gắn kết
và chủ động thích ứng,” lần đầu tiên trong lịch sử, Đại hội đồng AIPA
được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Điều này cho thấy quyết tâm và nỗ lực
của Quốc hội nước chủ nhà Việt Nam và các nghị viện thành viên AIPA khắc
phục khó khăn, củng cố đoàn kết và hợp tác trên tinh thần “gắn kết và
chủ động thích ứng.”
Việc tổ chức thành công Đại hội đồng
AIPA 41 dưới hình thức trực tuyến đã góp phần khẳng định năng lực và
nâng cao vị thế của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế.
Đặc biệt, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội
và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 - cuộc bầu cử
lịch sử, có quy mô lớn nhất, diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19
bắt đầu bùng phát lần thứ 4 đã được tổ chức thành công rất tốt đẹp.
Với gần 70 triệu lá phiếu cử tri được bỏ
tại 84.767 khu vực bỏ phiếu, tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 99,6% đã thể hiện ý
thức trách nhiệm, niềm tin tưởng sâu sắc của nhân dân vào Đảng và Nhà
nước, đồng thời, khẳng định sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn
dân tộc. Đây thực sự là ngày hội lớn của toàn dân, là mốc son mới trong
lịch sử Quốc hội nước ta.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Và trong những ngày đầu năm 2022, Kỳ họp
bất thường đầu tiên, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Quốc hội đã
được khai mạc. Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh đất nước gặp những khó
khăn, thách thức mới gay gắt hơn do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp,
khó lường tại nhiều địa phương trong cả nước.
Việc tổ chức kỳ họp đã cho thấy sự chủ
động, tích cực của Quốc hội trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy
định của Hiến pháp và pháp luật, với mục tiêu tối thượng là phục vụ
nhân dân, sự phát triển của đất nước.
Có thể khẳng định trải qua 77 năm hình
thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã thể hiện tinh thần đoàn kết,
tập trung trí tuệ, bản lĩnh, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của cử
tri, ở giai đoạn cách mạng nào cũng luôn đồng hành cùng dân tộc, hoàn
thành sứ mệnh và trọng trách của mình.
Theo TTXVN