Tuy nhiên, nhiều dự báo lạc quan về sự phục hồi, cải thiện của nền kinh tế nước ta trong thời điểm Quý II hoặc Quý III năm nay.
Điểm sáng du lịch, dịch vụ
Theo công bố của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là mức giảm sâu gần nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn
2011-2023 (chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I năm 2020), làm giảm
0,28 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền
kinh tế. Nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là do kinh tế thế giới tiếp tục
gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát tại các nước mặc dù
hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, đơn hàng giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm...
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52% - đóng góp
8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp
95,91%. Riêng khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4% - làm giảm 4,76%.
Nhận định về con số trên, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng
cục Thống kê cho rằng, khu vực nông nghiệp vẫn bảo đảm vai trò là trụ đỡ
với mức tăng trưởng 2,52%. Nguồn cung dồi dào giúp bảo đảm đời sống của
nhân dân cũng như phục vụ cho xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu về an ninh
lương thực, thực phẩm trong khu vực và trên thế giới.
|
Các hoạt động về du lịch và hoạt động
kích cầu tiêu dùng tại chỗ đã thể hiện được kết quả tích cực trong Quý I
năm 2023. Ảnh minh họa: kinhtedothi.vn |
Trong khi đó, các hoạt động thương mại, vận tải cũng tăng khá cao,
các hoạt động về du lịch và hoạt động kích cầu tiêu dùng tại chỗ đã thể
hiện được kết quả tích cực với mức tăng trưởng gần 6,8%.
Đáng chú ý, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hiện đã ngang bằng với thời điểm trước dịch Covid-19.
Một điểm nổi bật nhất trong bức tranh quý I này là lượng khách quốc
tế tới Việt Nam: Đạt 2,7 triệu lượt trong quý I - gấp gần 30 lần cùng kỳ
và đã tương đương 1/3 mục tiêu cả năm nay.
Dự báo, con số này sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới khi "thị
trường tỷ dân" Trung Quốc đã mở cửa cho khách du lịch đi theo đoàn sang
Việt Nam từ ngày 15-3. Đây là cơ hội để ngành du lịch phục hồi, nhất là
với địa phương có cả đường biên trên bộ và trên biển với Trung Quốc.
Một điểm tích cực khác là CPI đã được kiểm soát ở mức phù hợp trong
bối cảnh lạm phát toàn cầu đã suy giảm nhưng vẫn neo đậu ở mức rất cao:
Trong quý I năm 2023, lạm phát cơ bản bình quân tăng 5,01% so với bình
quân cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,18%).
Cùng với đó, đầu tư công tăng 11% thực sự là "vốn mồi" để duy trì cho
vốn đầu tư toàn xã hội. Điều này sẽ tạo động lực quan trọng trước mắt
và lâu dài cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.
Cũng trong quý I năm 2023, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế gặp nhiều thách thức, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh các mức lãi suất nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và duy trì tăng trưởng.
Theo đó, tính đến thời điểm 20-3-2023, tổng phương tiện thanh toán
tăng 0,57% so với cuối năm 2022; huy động vốn của các tổ chức tín dụng
tăng 0,77%; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 1,61%...
Những gam màu xám
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cũng chỉ ra những
thách thức, khó khăn lớn của nền kinh tế. Đó là sự sụt giảm của ngành
công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo đối với các mặt
hàng phục vụ cho xuất khẩu. Còn mặt hàng phục vụ cho tiêu dùng trong
nước thì vẫn sản xuất và tiêu dùng tốt.
Hoạt động về đăng ký doanh nghiệp làm cho bức tranh doanh nghiệp cũng
gặp nhiều khó khăn khi cả đầu vào và đầu ra đều bị tác động. Ngoài ra,
chính sách tài chính, tiền tệ thắt của các nước đang đe dọa đến an ninh
tài chính toàn cầu - đây cũng chính là mối đe dọa khó đoán định và là
thách thức rất lớn đối với nền kinh tế trong thời gian tới...
|
Mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm nay là thách thức. Ảnh minh họa: tapchitaichinh.vn |
Theo đó, tính chung quý I năm 2023, cả nước có gần 34 nghìn doanh
nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 310,3 nghìn tỷ
đồng và tổng số lao động đăng ký 212,3 nghìn lao động - giảm cả về số
doanh nghiệp, về vốn đăng ký và về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong 3 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh
có thời hạn là 42,9 nghìn doanh nghiệp - tăng hơn 20% so với cùng kỳ
năm trước; gần 12,8 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục
giải thể, tăng hơn 13%; 4,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải
thể, tăng 6,5%. Bình quân một tháng có hơn 20 nghìn doanh nghiệp rút lui
khỏi thị trường.
Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính
sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng
của các đối tác thương mại lớn đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu
hàng hóa của Việt Nam: Tính chung quý I năm 2023, tổng kim ngạch xuất,
nhập khẩu hàng hóa ước đạt 154,27 tỷ USD - giảm 13,3% so với cùng kỳ năm
trước; trong đó xuất khẩu giảm 11,9% còn nhập khẩu giảm 14,7%.
Mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm nay là thách thức
Với con số tăng trưởng 3,32% của quý I, mục tiêu 6,5% cả năm nay được
đánh giá là thách thức. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, các quý
còn lại của năm cần đạt mức tăng trưởng 7,5%, và điều này là không hề
đơn giản trong bối cảnh các khó khăn, thách thức của nền kinh tế vẫn còn
tồn tại; những biến động từ kinh tế thế giới còn tiếp tục ảnh hưởng đến
Việt Nam…
Tuy nhiên, điểm cộng lớn nhất của Việt Nam được đánh giá là sự ổn
định kinh tế vĩ mô, với lạm phát tiếp tục trên xu hướng giảm và vẫn
trong mục tiêu 6,5% cho năm nay. Thêm vào đó, mặt bằng lãi suất vẫn đang
tiếp tục hạ nhiệt để hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, có tới gần 76% doanh nghiệp
ngành chế biến, chế tạo được hỏi cho biết rằng tình hình kinh doanh của
họ sẽ ổn định hoặc tốt hơn trong quý II năm nay.
Còn theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, xu hướng
tăng trưởng kinh tế Việt Nam thường tăng thấp trong quý I, gia tăng dần
ở quý II sau đó bứt phá ở nửa cuối năm.
Bày tỏ tin tưởng năm 2023, kinh tế Việt Nam vẫn có thể đi theo xu
hướng này, tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hương cho rằng, trong bối cảnh tình
hình kinh tế thế giới hiện nay, kinh tế quý II tiếp tục đối mặt với
nhiều khó khăn, chưa thể tăng trưởng bứt phá nhưng sẽ cải thiện hơn so
với quý I.
Muốn vậy, các ngành, các cấp cần tăng cường dự báo, chủ động điều
hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình
huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách
hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, cần tập trung
một số nhiệm vụ trọng tâm như theo dõi sát và cập nhật kịp thời diễn
biến tình hình thế giới, chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước có
quy mô kinh tế lớn, là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt
Nam.
Bên cạnh đó, cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu
vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản
phẩm…; đồng thời, có giải pháp hỗ trợ kịp thời một số ngành, lĩnh vực bị
tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: Sản
xuất da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ...
Theo qdnd.vn