Tin trong nước
Các gói tín dụng dành cho nhà ở xã hội có đang trùng lắp nhau?
01/06/2023 08:25:18

Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 31-5, đại biểu Trần Thị Vân, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bắc Ninh cho rằng, hiện nay có nhiều gói hỗ trợ về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đang triển khai trùng lắp nhau, gói trước chưa giải ngân xong, tỉ lệ giải ngân thấp, đã tiếp tục triển khai gói sau.

Trong vòng một năm, có tới ba gói hỗ trợ về nhà ở xã hội

Đại biểu Trần Thị Vân nêu rõ, năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định 100 về phát triển quản lý nhà ở xã hội; năm 2022 có Nghị quyết 43 của Quốc hội về phục hồi, phát triển kinh tế và Nghị quyết 11 của Chính phủ với các gói hỗ trợ giảm lãi suất 2% cho doanh nghiệp vay xây nhà ở cho công nhân và gói 15.000 tỉ đồng cho công nhân vay mua nhà ở xã hội qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

"Gần đây nhất lại thêm gói hỗ trợ 120.000 tỉ đồng cho vấn đề này. Như vậy chỉ trong vòng hơn một năm mà có tới ba gói hỗ trợ hướng đến đối tượng thụ hưởng là công nhân và người lao động", đại biểu nói.

Theo nữ đại biểu, điều này thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ với công nhân, người lao động trong cả nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các gói hỗ trợ trên có tỉ lệ giải ngân rất thấp. Trong đó, gói giảm lãi suất 2% mới giải ngân được gần 1% và gói 15.000 tỉ đồng chỉ mới giải ngân được được hơn 34%.

Đại biểu Trần Thị Vân: Đề nghị gộp ba gói hỗ trợ thành một gói, thời gian triển khai kéo dài đến năm 2025 để hỗ trợ cho chương trình xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội vừa được Chính phủ phê duyệt.

Đại biểu Trần Thị Vân: Đề nghị gộp ba gói hỗ trợ thành một gói, thời gian triển khai kéo dài đến năm 2025 để hỗ trợ cho chương trình xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội vừa được Chính phủ phê duyệt.

Vừa qua, Chính phủ lại ra tiếp gói hỗ trợ 120.000 tỉ đồng, trong khi đó đối tượng và thời gian kết thúc của cả ba gói này lại trùng lắp nhau (đều kết thúc vào cuối năm 2023).

“Vấn đề đặt ra là hai gói tín dụng trước còn chưa hấp thụ hết thì liệu gói 120.000 tỉ đồng lần này liệu có khả thi hay không trong khi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đang sửa đổi, còn quy hoạch thì chưa được phê duyệt xong”, đại biểu nói và đề nghị gộp ba gói hỗ trợ thành một gói, thời gian triển khai kéo dài đến năm 2025 để hỗ trợ cho chương trình xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội vừa được Chính phủ phê duyệt.

Đề nghị có chính sách hỗ trợ hộ xây nhà trọ cho công nhân

Đại biểu Trần Thị Vân dẫn báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, cả nước hiện có 7 triệu công nhân lao động trực tiếp tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng thì nhà ở phục vụ cho công nhân chỉ mới đáp ứng được khoảng gần 30%. Phần lớn công nhân là lao động ngoại tỉnh, chiếm khoảng 70% số đang thuê trọ của các hộ gia đình tư nhân xây. Các phòng trọ này hầu hết đều rất chật hẹp, chỉ từ 3-4m2/người, không bảo đảm những điều kiện tối thiểu về ánh sáng, vệ sinh, diện tích và phòng cháy, chữa cháy...

Đại biểu cũng dẫn chứng kết quả khảo sát với 200 chủ nhà trọ và gần 300 công nhân ở phường Vân Dương, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh mà Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh và Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh triển khai hồi tháng 5-2023 mới đây.

“Qua khảo sát chỉ có 10% công nhân có nhu cầu mua nhà, hầu hết đã có gia đình và làm việc ở Bắc Ninh từ 5-10 năm. Còn lại 6,5% công nhân có nhu cầu ở ký túc xá, hơn 80% công nhân chỉ có nhu cầu thuê trọ. Phần lớn công nhân muốn thuê trọ là người chưa lập gia đình, tuổi đời 18-25 tuổi, chỉ xác định đến Bắc Ninh làm việc một thời gian sau đó về quê sinh sống”, đại biểu nêu thực tế.

Theo nữ đại biểu, công nhân thích thuê nhà trọ do giá thuê rẻ, thời gian, sinh hoạt tự do hơn, gần các dịch vụ thiết yếu, gần chợ, phòng khám, nơi gửi con, trạm y tế...

“Tôi thiết nghĩ người làm chính sách cần phân định rõ việc định cư và chỗ ở làm việc là hoàn toàn khác nhau. Chúng ta phải tách bạch nhu cầu mua nhà và nhu cầu chỗ ở của công nhân. Không phải ai làm việc ở khu công nghiệp cũng có nhu cầu định cư và mua nhà tại địa phương mà họ làm việc”, đại biểu tỉnh Bắc Ninh nói. 

Từ đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ bổ sung đối tượng quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 15 Nghị định 100 về phát triển quản lý nhà ở xã hội, đó là các hộ, cá nhân xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà cho công nhân thuê thì được hưởng các gói hỗ trợ giảm lãi suất nêu trên.

“Điều này vừa giúp hỗ trợ người dân nhường đất cho phát triển công nghiệp, có sinh kế bền vững, vừa hạ giá thành thuê nhà cho công nhân; đồng thời, góp phần nâng cao điều kiện về đời sống cho công nhân và người lao động”, đại biểu Trần Thị Vân đề xuất.

Theo qdnd.vn
Về Trang Chủ
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TUYÊN GIÁO HẢI DƯƠNG
Địa chỉ: Số 104 Trần Hưng Đạo, TP Hải Dương
Giấy phép số 733/GP-STTTT do Sở TT&TT Hải Dương cấp ngày 12/12/2014
Điện thoại: (03203) 852609 Fax: (03203) 837768  Email: trangtintghd@gmail.com
Trưởng Ban Biên Tập : Ông Nguyễn Quang Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 5
Tháng này: 2,000
Tất cả: 34,300