Phát
biểu tại họp báo từ trụ sở của WHO ở Geneva (Thụy Sĩ), Giám đốc phụ
trách tình trạng khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan nhấn mạnh thỏa thuận
mà các nước đang đàm phán chính là sự thể hiện tuyệt đối chủ quyền của
các nước. Theo ông, chủ quyền thực sự đồng nghĩa với việc tự tin hợp tác
với các nước khác, tin tưởng vào sự độc lập của chính mình.
Ông
Ryan cho biết mặc dù các cuộc đàm phán đang đạt tiến bộ và quyết tâm của
tất các nước rất cao, song có một số lĩnh vực then chốt mà các quốc gia
thành viên vẫn còn bất đồng lớn như việc tiếp cận tác nhân gây bệnh,
vấn đề chia sẻ lợi ích, tài trợ, phòng ngừa và vaccine.
Trong khi
đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định thỏa thuận
về ngăn chặn dịch bệnh vẫn là giải pháp tốt nhất hiện nay, đồng thời là
cơ hội để đảm bảo thế giới có đủ công cụ y tế quan trọng để ứng phó
nhanh chóng, hiệu quả và công bằng khi dịch bệnh bùng phát. Ông bày tỏ
tin tưởng thỏa thuận này sẽ giúp cứu sống nhiều sinh mạng, đồng thời hối
thúc lãnh đạo các nước nỗ lực đạt được sự đồng thuận.
Sau
đại dịch COVID-19, các nước thành viên WHO đã dành hơn 2 năm đàm phán
về một thỏa thuận nhằm đảm bảo thảm họa y tế toàn cầu sẽ không tái diễn.
Tuy nhiên, tiến trình đàm phán liên tục phải kéo dài trong bối cảnh các
nước gặp khó khăn trong việc đạt được đồng thuận trong những lĩnh vực
then chốt, đặc biệt về chia sẻ dữ liệu mầm bệnh, chia sẻ vaccine và
thuốc. Trong những tuần gần đây, tại Anh, Mỹ và Thụy Sĩ và một số nước
khác đã xuất hiện những ý kiến cho rằng thỏa thuận có thể làm suy yếu
chủ quyền quốc gia trong vấn đề y tế.
Dự kiến ủy ban phụ trách các
cuộc đàm phán sẽ báo cáo tiến độ trong cuộc họp của Đại Hội đồng Y tế
thế giới diễn ra từ ngày 27/5-1/6 tới. Các cuộc đàm phán về thỏa thuận
ngăn chặn và ứng phó dịch bệnh sẽ kéo dài đến ngày 24/5. Đại Hội đồng sẽ
quyết định bước tiếp theo, phụ thuộc vào việc liệu các nhà đàm phán có
nhất trí về một văn kiện cuối cùng hay không.
Theo TTXVN