Các địa phương đang tích cực triển khai
giải phóng mặt bằng những khu công nghiệp mới để sớm bàn giao cho chủ
đầu tư thi công hạ tầng, thu hút đầu tư.
Lãnh đạo huyện Gia Lộc cùng chủ đầu tư hạ tầng kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng khu công nghiệp Gia Lộc
Cùng
với các khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động, Hải Dương đang tích
cực triển khai 6 KCN mới, trong đó có 3 KCN mở rộng. Hiện nay, các địa
phương có liên quan đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng
để bàn giao đất cho chủ đầu tư triển khai hạ tầng, thu hút các nhà đầu
tư.
Tập trung giải phóng mặt bằng
Năm 2022, tỉnh phấn đấu giải phóng mặt bằng (GPMB) và đầu tư xây dựng hạ
tầng kỹ thuật 6 KCN, gồm: Gia Lộc, An Phát 1, Kim Thành, Tân Trường mở
rộng, Đại An mở rộng và Phúc Điền mở rộng với tổng diện tích gần 1.135
ha. Các KCN mới này sẽ có 760 ha đất công nghiệp cho thuê, còn lại phục
vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng Ban Quản lý các
KCN tỉnh cho biết: "11 KCN đã đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh, quỹ
đất công nghiệp có thể cho thuê chỉ còn khoảng 140 ha. Để tạo quỹ đất
công nghiệp mới thu hút đầu tư, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương có
KCN mới và mở rộng tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ GPMB,
bảo đảm tiến độ theo lộ trình đã đề ra".
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Gia Lộc có tổng diện
tích 197,74 ha, trong đó có 174,46 ha đất phải thu hồi, GPMB. Đến nay,
huyện đã cơ bản hoàn thành bồi thường, hỗ trợ GPMB được 111,86 ha. Diện
tích còn lại, địa phương đang tiếp tục rà soát lại nguồn gốc đất. Huyện
Gia Lộc phấn đấu đến hết tháng 12.2022 sẽ cơ bản hoàn thành công tác
GPMB, bàn giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án. Theo tiến độ đề ra,
huyện phấn đấu trước ngày 31.7 sẽ hoàn thiện công tác bồi thường, hỗ trợ
GPMB đối với diện tích đất của 64 hộ dân tại các xã Toàn Thắng, Hoàng
Diệu, Hồng Hưng. Đến đầu tháng 8, huyện sẽ tập trung triển khai GPMB với
diện tích gần 60 ha trên địa bàn thị trấn Gia Lộc.
"Đến nay, các vướng mắc liên quan đến GPMB dự án hạ tầng KCN Gia Lộc đã
từng bước được tháo gỡ. Với quyết tâm cao của chính quyền địa phương,
chúng tôi tin tưởng sẽ bàn giao đất cho nhà đầu tư đúng tiến độ đề ra",
ông Đỗ Văn Sáng, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc cho biết.
KCN Đại An mở rộng giai đoạn 2 có tổng diện tích 227 ha, nằm trên địa
phận các xã Cẩm Đoài, Cẩm Đông (Cẩm Giàng). Việc GPMB KCN này vẫn gặp
nhiều khó khăn. Huyện Cẩm Giàng mới cơ bản hoàn thành bồi thường, hỗ trợ
GPMB 20 ha đất tại xã Cẩm Đông. Tại xã Cẩm Đoài, vẫn còn 128 hộ, cá
nhân chưa ký biên bản kiểm kê về đất nông nghiệp, 255 hộ chưa ký phương
án bồi thường hỗ trợ. Để dự án KCN Đại An mở rộng giai đoạn 2 đi vào
hoạt động đúng tiến độ, huyện Cẩm Giàng đã xây dựng kế hoạch thực hiện
cưỡng chế kiểm đếm và thu hồi đất trong tháng 8 và tháng 9 tới.
Ông Nguyễn Khắc Nghĩa, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cẩm
Giàng cho biết: "Trong 6 KCN mới và KCN mở rộng được triển khai trong
năm nay, có 2 KCN mở rộng nằm trên địa bàn huyện Cẩm Giàng. Đến nay,
tiến độ GPMB 113 ha tại KCN Tân Trường mở rộng đã cơ bản hoàn thành.
Huyện đang tiến hành chi trả tiền hỗ trợ, bồi thường cho người dân. Mặc
dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng huyện sẽ cố gắng hoàn thiện GPMB
trong năm 2022 để bàn giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án đúng tiến
độ".
Huyện Cẩm Giàng tổ chức đối thoại với người dân và doanh nghiệp liên
quan đến khu công nghiệp Đại An mở rộng giai đoạn 2 (ảnh do cơ sở cung
cấp)
Nắm bắt cơ hội
Thời gian qua, huyện Nam Sách đã tích cực triển khai GPMB dự án KCN An
Phát 1. Đến nay, việc này đã cơ bản hoàn thiện. Đây là địa phương đầu
tiên trong 5 huyện có dự án KCN mới, KCN mở rộng hoàn thành thu hồi đất.
Chủ đầu tư hạ tầng là Công ty CP Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát 1
đang triển khai thực hiện dự án. Dự kiến KCN này sẽ đón các nhà đầu tư
thứ cấp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh từ quý II.2023. Đại diện Công
ty CP Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát 1 cho biết, mục tiêu của đơn
vị là tập trung thu hút các dòng vốn FDI hoạt động trong các lĩnh vực
công nghệ cao, hiện đại như lĩnh vực điện tử, máy vi tính, sản phẩm
quang học, thiết bị điện dân dụng, công nghiệp chế biến, chế tạo và các
ngành công nghiệp hỗ trợ... Hiện nay đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm,
tìm hiểu và đặt vấn đề đầu tư vào KCN An Phát 1.
Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại với
các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài. Điều này cho thấy sự
quan tâm đặc biệt của tỉnh trong thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh ta
cũng đang triển khai xây dựng nhiều dự án giao thông trọng điểm tạo
thuận lợi hơn trong vận chuyển hàng hoá. Hải Dương cũng cam kết sẵn sàng
tạo điều kiện thuận lợi, nhất là mặt bằng sạch để doanh nghiệp có thể
nghiên cứu, tiếp cận và đưa ra quyết định đầu tư. Trong các cuộc gặp gỡ,
các doanh nghiệp đều đánh giá cao môi trường đầu tư trong tỉnh và tiềm
năng của các KCN mới mà tỉnh đang triển khai. Không ít doanh nghiệp đã
đặt vấn đề đầu tư dự án thứ cấp tại các KCN này. Để nắm bắt được cơ hội
"vàng", các địa phương có KCN mới cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ GPMB,
giúp chủ đầu tư sớm hoàn thiện hạ tầng để thu hút đầu tư.