Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội.
Người cách mạng phải tiêu diệt nó”, mà Người còn nhấn mạnh rằng “thắng
lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh
trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”.
Tự soi để nhận diện các loại "bệnh cá nhân"
Những cán bộ, đảng viên sa vào chủ nghĩa cá nhân, mang nặng
tư tưởng cá nhân chủ nghĩa trong mình là những người đã suy thoái về tư
tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Trong mọi mặt công tác và cuộc sống
đời thường, họ không còn thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực hiện cần,
kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; không còn gương mẫu, tiền phong,
thống nhất giữa nói và làm; không còn xứng đáng vừa là người lãnh đạo,
vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn.
|
Tranh minh họa: Tạp chí Tuyên giáo. |
Họ quên mất rằng “Đảng không phải là một tổ chức để làm
quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ
quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”, nên, trong họ cái tôi luôn được đề
cao. Họ luôn coi mình là trung tâm, có quyền hưởng thụ, chăm chăm tính
đếm lợi ích của cá nhân mình và người thân, dòng họ mình mà không màng
đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân. Vì thế, khi đã để những chứng bệnh
cá nhân chủ nghĩa nảy sinh, thì dần dần tinh thần đấu tranh và tính tích
cực của họ bị kém sút, chí khí anh dũng và phẩm chất tốt đẹp của người
cách mạng cũng kém sút; họ quên rằng tiêu chuẩn số một của người cách
mạng là sống có lý tưởng, vì lý tưởng của Đảng mà hành động.
Họ kiêu ngạo, công thần, tự cao tự đại, chỉ thích “nhìn từ
trên xuống” khi phê bình người khác mà không muốn người khác phê bình
mình. Họ sợ tự phê bình hay bị người khác phê bình sẽ làm mất đi cái uy
thế, cái thể diện, cái uy tín của họ, nên “họ không lắng nghe ý kiến của
quần chúng. Họ xem khinh cán bộ ngoài Đảng”. Không dừng ở đó, “họ yêu
cầu hưởng thụ, yêu cầu nghỉ ngơi, họ muốn lựa chọn công tác theo ý thích
cá nhân mình, không muốn làm công tác mà đoàn thể giao phó cho họ. Họ
muốn địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm nặng”. Thậm chí có những người
còn cho rằng mình là “cứu tinh’ của dân, “công thần” của Đảng nên đã
“kể công” với Đảng, “muốn Đảng phải “cảm ơn” họ. Họ đòi ưu đãi, họ đòi
danh dự và địa vị. Họ đòi hưởng thụ”. Khi không được thỏa mãn thì họ
quay sang bất mãn, “oán trách Đảng”, vì cho rằng mình “không có tiền
đồ”, “bị hy sinh”, thậm chí theo đuôi và cổ xúy cho những đối tượng phản
động, cơ hội nhằm bôi đen sự thật, chống phá Đảng và chế độ.
Trong công việc, vì không muốn “lo trước thiên hạ, vui sau
thiên hạ” và tự cho mình quyền hành động tự do, vô tổ chức, vô kỷ luật,
nên họ độc đoán, chuyên quyền và mắc các trọng bệnh là “con đẻ” của chủ
nghĩa cá nhân như: Bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi, bệnh khai hội, bệnh nể
nang, bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh,
thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ, bệnh “hữu danh vô
thực”, kéo bè kéo cánh; bệnh cận thị, bệnh tị nạnh, bệnh xu nịnh, a dua,
bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, bệnh nóng tính, bệnh lụp chụp... Những
chứng tật bệnh này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ trong nhiều bài viết,
bài nói và bài phát biểu của mình; và cũng theo Người, những “bệnh cá
nhân” này không chỉ gây bức xúc, làm suy giảm niềm tin của quần chúng
nhân dân với những cán bộ, đảng viên đã và đang suy thoái, mà còn đe dọa
vai trò lãnh đạo của Đảng.
Trong quan hệ với quần chúng, họ tự cho rằng “mình cái gì
cũng giỏi, họ xa rời quần chúng". Họ không muốn học hỏi quần chúng mà
chỉ muốn làm thầy quần chúng. Họ mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh”, nên
đóng cửa, ngồi bàn giấy, xây dựng kế hoạch, viết chương trình rồi dùng
mệnh lệnh “cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng theo”, ép dân chúng làm.
Vì tự cho mình quyền là “quan phụ mẫu”, nên những cán bộ, đảng viên để
chủ nghĩa cá nhân chi phối này thậm chí trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo
thực hiện còn không bàn bạc, không giải thích với quần chúng; không cho
quần chúng phát biểu, tham gia ý kiến đóng góp mà chỉ “bắt buộc dân
chúng làm theo mệnh lệnh” của mình. Vì tự cho mình quyền được “ăn trên
ngồi trốc”, nên những vị “cha mẹ dân” này không cần biết đến cơ sở, cũng
không quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, ý kiến xác đáng của quần
chúng... khiến “quần chúng không tin, không phục, càng không yêu họ.
Chung quy là họ không làm nên trò trống gì”.
Tất cả những chứng bệnh nêu trên đều do chủ nghĩa cá nhân
sinh ra; đều xuất hiện ở những người suy thoái về tư tưởng chính trị,
đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Tất cả những “bệnh
cá nhân” này dường như không chững lại mà còn tiếp tục nảy nở cùng với
thời gian. “Chúng” đã, đang và sẽ xuất hiện với những biểu hiện mới, khi
công khai, khi ngấm ngầm, song dù ở dưới dạng nào thì “chúng” cũng đều
trái với đạo đức cách mạng, trái với tinh thần cần, kiệm, liêm, chính và
vì thế “chúng” đều vi phạm Điều lệ Đảng, kỷ luật đảng và các nguyên tắc
của một Đảng Mácxít-Lêninnít chân chính, cách mạng. Tất cả những “trọng
bệnh” này đều đòi hỏi mỗi người cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc tự
soi để nhận diện đúng và tự sửa/tự khắc phục bằng những phương pháp hữu
hiệu theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh!
Rèn luyện đạo đức cách mạng thường xuyên, liên tục
Đấu tranh để trừ bỏ, khắc phục các chứng bệnh của chủ nghĩa cá nhân là
“tranh đấu với kẻ địch trong người, trong nội bộ, trong tinh thần, là
một khó khăn, đau xót”. Đó là cuộc đấu tranh khó khăn, phức tạp, gian
khổ, đau đớn, lâu dài mà Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên không được
nản chí, buông xuôi. Dùng đạo đức cách mạng, thực hiện cần, kiệm, liêm,
chính, chí công vô tư theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh để khắc phục
những “bệnh cá nhân”, để kiên quyết loại bỏ kẻ địch nội xâm ra khỏi mỗi
con người, ra khỏi mỗi cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương đến địa phương là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay.
Vì rằng, “trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên
trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những
người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực
thước cho người ta bắt chước”, cho nên để đấu tranh trừ bỏ, khắc phục
những “bệnh cá nhân”, thì:
Một là, đối với mình: Mỗi cán bộ, đảng viên đều phải thấm
nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quyết tâm suốt đời đấu
tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc
cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính
sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên,
lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân
dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”.
Trong đó, chú trọng việc tự rèn mình, tự sửa mình để phòng, tránh sự
kiêu ngạo, tự mãn, tự túc, vì tự mãn, tự túc sẽ thoái bộ, lạc hậu, sẽ
không thể tiến bộ. Đồng thời, phải tìm tòi, học hỏi trong nhân dân;
trong đồng nghiệp, đồng chí; trong cấp trên và cả cấp dưới để cầu tiến
bộ, để học lấy điều hay của người mà làm giàu tri thức khoa học, nghiệp
vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý của bản thân mình, nhằm hoàn thành tốt
nhiệm vụ Tổ quốc và nhân dân giao phó.
Hai là, đối với tổ chức: Quán triệt yêu cầu xây dựng Đảng
về đạo đức, nỗ lực “rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ
nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” gắn với phát huy vai trò
nêu gương theo Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành
Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước
hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành
Trung ương, với Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành
Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm... để kiên quyết
làm đúng nghị quyết của Đảng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn. Trong
công tác lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện, trọng trách càng cao càng yêu
cầu người cán bộ, đảng viên phải luôn đặt lợi ích của Đảng, lợi ích của
tập thể, của nhân dân lên trên hết, trên tinh thần “đạo đức cách mạng
đòi hỏi lợi ích của cá nhân phải phục tùng lợi ích chung của tập thể”.
Ba là, đối với công việc: Mỗi người đều phải “ra sức học
tập Chủ nghĩa Mác-Lênin”, “học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối
với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ
biến của Chủ nghĩa Mác-Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh
thực tế của nước ta. Học để mà làm. Lý luận đi đôi với thực tiễn” và
“luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến
công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ”. Trong mọi công việc,
trước khi quyết định đều phải nghiên cứu, tìm hiểu, điều tra rõ ràng,
xem xét kỹ lưỡng, vì lợi ích chung. Khi đã triển khai thực hiện thì phải
quyết tâm làm và làm đến cùng, chứ không làm nửa vời, được chăng hay
chớ; đồng thời, phải phát huy vai trò tiền phong của mình, của đội ngũ
cán bộ, đảng viên để khắc phục mọi khó khăn, trở ngại hoàn thành nhiệm
vụ. Trong quá trình triển khai, không vì thành tích, sự hiếu danh, hiếu
vị và tiền tài mà bất chấp tổn hại, bất chấp quy luật khách quan...
Bốn là, đối với nhân dân: Một trong những phương pháp để đấu tranh
thắng lợi, trừ bỏ được các “bệnh cá nhân” chính là người cán bộ, đảng
viên hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần
chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng. Do lời nói và việc làm, đảng
viên, đoàn viên và cán bộ làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, đoàn kết
quần chúng chặt chẽ chung quanh Đảng; tổ chức, tuyên truyền và động viên
quần chúng hǎng hái thực hiện chính sách và nghị quyết của Đảng. Vì
thế, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng
Đảng, để giám sát cán bộ, đảng viên ở cơ quan và địa bàn cư trú cũng
chính là một trong những “biệt dược” để chữa được các “bệnh cá nhân”. Và
cũng vì thế, khi đội ngũ cán bộ, đảng viên hướng về nhân dân, vì nhân
dân hết lòng, hết sức phụng sự với tinh thần liêm chính, với phương châm
“việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm; việc gì hại đến dân, ta phải
hết sức tránh” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, thì nhất định sẽ
không còn sự lợi dụng, lạm dụng quyền lực để tham ô, tham nhũng, lãng
phí, cũng như sẽ không còn những cán bộ vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm
pháp luật phải xử lý như thời gian qua.
Theo qdnd.vn