Từ
đêm 22-24/7, khu vực Hải Dương có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông
với lượng mưa phổ biến từ 100-250 mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra
lốc, sét và gió giật mạnh.
Do ảnh hưởng của
triều cường, mưa lũ thượng nguồn và xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình, mực
nước tại một số sông khu vực hạ lưu tỉnh đã đạt mức báo động 1. Cảnh báo
từ ngày 22-24/7, các sông khu vực hạ lưu sẽ xuất hiện một đợt lũ với
biên độ lũ lên từ 1-3 m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh triều tại hạ
lưu các sông Gùa, Rạng, Kinh Môn có khả năng ở mức báo động 1 đến báo
động 2.
Để chủ động ứng phó, xử lý kịp thời
những tình huống do mưa lũ sau bão số 2, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên
tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương yêu cầu Ban Chỉ huy các huyện,
thành phố, thị xã, các cấp, ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ.
Các địa phương chủ động thu hoạch cây trồng đến kỳ thu hoạch, có phương
án bảo vệ diện tích rau màu, cây ăn quả, lúa mới cấy. Trong đó lưu ý
phương án chống úng cho khu vực trũng thấp, khu đô thị, nuôi thủy sản
tập trung, nuôi cá lồng trên sông, các hoạt động sản xuất ngoài bãi
sông. Thực hiện thống kê, báo cáo, đánh giá tình hình thiệt hại và triển
khai công tác khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Các
cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát các phương án ứng
phó thiên tai phù hợp điều kiện cụ thể tại địa phương, bảo đảm an toàn
công trình hồ đập, thủy lợi, đê điều. Chú ý các trọng điểm công trình đê
điều, các sự cố sạt lở bãi sông, bờ kênh trục Bắc Hưng Hải chưa được xử
lý; các công trình còn đang thi công, nhất là các cống qua đê, khu vực
thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt. Chủ động khơi thông dòng chảy, xử
lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu theo phương châm “bốn
tại chỗ”.
UBND các huyện, thành phố, thị xã
thực hiện kiểm tra, rà soát việc tổ chức lực lượng và triển khai công
tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo,
quán triệt thực hiện nghiêm theo đúng quy định. Chịu trách nhiệm trong
trường hợp để xảy ra sự cố gây mất an toàn đê điều do không thực hiện
việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều theo quy định của pháp luật. Tổ
chức ra quân phát quang mái đê, chân đê và trong phạm vi bảo vệ đê điều
để phục vụ công tác tuần tra, canh gác, phát hiện và xử lý sự cố đê
điều. Rà soát, bổ sung trang bị các dụng cụ, sổ sách và hướng dẫn về
chuyên môn, nghiệp vụ cho các đội tuần tra, canh gác đê. Đồng thời bố
trí chi trả thù lao từ các nguồn kinh phí hợp pháp theo quy định.
Các
cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống công trình
thủy lợi, hồ đập, xác định công trình trọng điểm, nguy cơ xảy ra sự cố
khi có mưa lớn để chủ động triển khai phương án ứng phó để bảo đảm an
toàn công trình. Thực hiện vận hành các hồ chứa nước theo quy trình đã
phê duyệt. Cảnh báo sớm cho người dân vùng hạ du trước khi hồ chứa xả lũ
và khi có nguy cơ xảy ra sự cố. Bố trí nhân lực trực tại công trình có
nguy cơ xảy ra sự cố, kịp thời xử lý tình huống bất thường theo phương
châm “bốn tại chỗ”.
Các Công ty TNHH một
thành viên Khai thác công trình thu lợi: Hải Dương, Bắc Hưng Hải; Công
ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương phối hợp Ban Chỉ huy Phòng
chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương chủ động triển khai
phương án tiêu úng khi có diễn biến mưa lớn, ưu tiên cho diện tích lúa,
cây rau màu ở vùng trũng thấp, khu nuôi trồng thủy sản tập trung. TP Hải
Dương chủ động thực hiện phương án chống úng khu vực đô thị. TP Chí
Linh và thị xã Kinh Môn tổ chức kiểm tra, rà soát, cảnh báo các khu vực
trọng điểm về lũ quét, sạt lở đất, triển khai phương án phòng chống lũ
quét, sạt lở đất. Triển khai phương án bảo đảm an toàn cho hồ đập, khu
vực mỏ khai thác đất, đá, khoáng sản trên địa bàn.
Công
ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương chủ động kiểm tra hệ thống
công trình điện, có phương án ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm để phục
vụ tiêu úng theo yêu cầu. Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh tổ chức theo dõi
chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ sau bão, báo cáo kịp thời với lãnh đạo
tỉnh, lãnh đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn
tỉnh, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã để chủ động chỉ huy,
chỉ đạo công tác đối phó, khắc phục hậu quả. Báo Hải Dương, Đài Phát
thanh-Truyền hình tỉnh và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường
tuyên truyền, đưa tin kịp thời về diễn biến của mưa lũ và công tác chỉ
đạo ứng phó đến các cấp, ngành và nhân dân để chủ động phòng tránh.
Các
cơ quan, đơn vị tổ chức thường trực, trực ban 24/24 giờ theo dõi chặt
chẽ diễn biến mưa lũ để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.
Chấp hành nghiêm chế độ báo cáo theo quy định.