Phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 11 (lần 5) xem xét một số nội dung do các Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư báo cáo
Xem xét mức thu học phí
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế
Hùng ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Sở Tài chính trong việc xây dựng
mức thu học phí theo hướng dẫn của nghị định của Chính phủ. UBND tỉnh
nhất trí lựa chọn phương án tăng mức thu học phí 5%/năm học, ngân sách
tỉnh sẽ hỗ trợ phần chênh lệch mức thu trong năm 2022-2023 (dự kiến hơn
170 tỷ đồng) nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân sau đại dịch
Covid-19.
Theo tờ trình của Sở Tài chính, sở đề
xuất 3 phương án về mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo
dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên. Phương án 1
căn cứ khung học phí và mức thu năm học 2021-2022, nếu mức thu hiện tại
thấp hơn mức sàn thì học phí năm học 2022-2023 bằng mức sàn, nếu cao hơn
mức sàn thì học phí bằng mức hiện tại. Năm học 2023-2024, lộ trình đến
năm học 2025-2026 tăng khoảng 5%/năm học.
Phương án 2 giữ nguyên mức thu theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày
2.10.2015 của Chính phủ, song đây là quy định cũ, đã hết hiệu lực.
Phương án 3 tăng mức thu 5%/năm học và ngân sách tỉnh sẽ chi hỗ trợ phần
chênh lệch mức thu của năm học 2022-2023.
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Trọng Tuệ giải trình về dự thảo mức thu học phí
Tăng hơn 10 tỷ đồng/năm để chăm sóc sức khoẻ cán bộ
UBND tỉnh thống nhất nội dung tờ trình
của Sở Tài chính về quy định một số chế độ chính sách cho cán bộ thuộc
diện bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ.
Theo tờ trình này, định mức khám sức
khoẻ tối đa là 3,5 triệu đồng/lượt khám, 500.000 đồng/suất tiền thuốc,
định mức điều dưỡng tối đa là 3 triệu đồng/lượt. Tần suất khám sức khoẻ,
điều dưỡng từ 1-2 lần/người/năm tuỳ theo đối tượng áp dụng. Kinh phí
thực hiện khi áp dụng theo quy định này khoảng 21 tỷ đồng, tăng hơn 10
tỷ đồng so với chế độ chính sách cũ.
Giải ngân vốn đầu tư công đạt 63,6%
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế
Hùng cơ bản đồng thuận với các tờ trình về kế hoạch đầu tư công (ĐTC) do
Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo. Sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự
họp, điều chỉnh phương án vốn ĐTC năm 2022, giai đoạn 2021-2025 phù hợp.
Việc phân bổ vốn ĐTC năm 2023 phải bảo đảm quy định của pháp luật về
đầu tư. Nguyên tắc phân bổ có trọng tâm, trọng điểm, tránh đầu tư dàn
trải, không hiệu quả. Đồng thời cần chủ động tham mưu, đề xuất biện pháp
quyết liệt triển khai giải ngân vốn ĐTC. Tăng cường kiểm tra hiện
trường, kịp thời chấn chỉnh những tồn tại bất cập để tạo chuyển biến
mạnh mẽ trong giải ngân vốn ĐTC.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Hồng Diên phát biểu làm rõ những căn cứ thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư công
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày
18.11, giải ngân vốn ĐTC của tỉnh gần 4.100 tỷ đồng, đạt 63,6% so với
tổng kế hoạch vốn thanh toán. Giải ngân vốn ngân sách địa phương đạt
71,5%, vốn ngân sách Trung ương nguồn trong nước đạt 50,3%, vốn nước
ngoài đạt 31,7%. Sau khi rà soát, tổng vốn ngân sách địa phương năm 2022
không có khả năng giải ngân trong năm khoảng 606,3 tỷ đồng. Sở Kế hoạch
và Đầu tư đề nghị UBND tỉnh giảm kế hoạch vốn ngân sách địa phương năm
2022 đối với 10 dự án là 116,8 tỷ đồng để bổ sung cho Quỹ Đầu tư phát
triển tỉnh, xây dựng trụ sở công an cấp xã; cho phép kéo dài thời gian
thực hiện và giải ngân vốn năm 2022 sang năm 2023 khoảng 306,9 tỷ đồng;
số còn lại cắt giảm, huỷ dự toán, thu hồi về ngân sách tỉnh.
Dự kiến kế hoạch vốn ĐTC năm 2023 của tỉnh khoảng 5.805 tỷ đồng.
Kế hoạch ĐTC vốn ngân sách địa phương
giai đoạn 2021-2025 được HĐND tỉnh thông qua lần đầu là hơn 34.600 tỷ
đồng. Trong quá trình thực hiện kế hoạch ĐTC trung hạn, một số dự án,
nhiệm vụ cụ thể đã dự kiến kế hoạch vốn, đủ điều kiện phân bổ vốn, một
số dự án mới cần thiết phải bố trí vốn nên cần có sự điều chỉnh, phân kỳ
đầu tư phù hợp. Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất điều chỉnh tăng, giảm vốn
ĐTC các dự án, công trình theo 13 lĩnh vực, nhiệm vụ.