Năm 1930,
khi Đảng ta ra đời, trong Cương lĩnh đầu tiên đã xác định đường lối
xuyên suốt của cách mạng Việt Nam là "làm tư sản dân quyền cách mạng và
thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản", đó là một sự lựa chọn đúng
đắn của lịch sử. Đến năm 1991, tại Đại hội lần thứ VII, Đảng ta đã
thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ
nghĩa xã hội, trong đó chỉ ra 6 đặc trưng cơ bản của chế độ xã hội
chủ nghĩa (XHCN) ở Việt Nam. Đến Cương lĩnh xây dựng đất nước trong
thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) thông
qua tại Đại hội XI, đã phát triển thành 8 đặc trưng của XHCN ở Việt
Nam, trong đó đặc trưng bao trùm là "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công
bằng, văn minh". Mục tiêu đó đất nước ta đang theo đuổi, có mặt, có việc
đã và đang trở thành hiện thực.
Ảnh minh họa
Vậy mà các thế lực thù địch đang điên
cuồng chống phá cách mạng Việt Nam bằng việc tung ra những luận điệu
xuyên tạc rằng "Việt Nam lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội
(CNXH) là một sai lầm lịch sử", là ''ảo tưởng", là "thiên đường bánh
vẽ". Chúng rêu rao rằng: Việt Nam là một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ
qua phát triển chế độ tư bản chủ nghĩa, lại trải qua mấy chục năm chiến
tranh, hậu quả rất nặng nề; đi lên CNXH phải trải qua một thời kỳ quá độ
lâu dài với nhiều bước đi, chặng đường, có sự đấu tranh giữa "cái cũ và
cái mới". Cho nên, Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam không
bao giờ vượt qua được các chặng đường quá độ gian khó đó và không thể đi
đến cái đích của CNXH.
Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta xác định mục tiêu phấn đấu đến năm
2045 đưa nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng XHCN, các thế
lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị cho rằng, đó chỉ là một thứ
"mị dân". Theo lập luận của chúng, Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ giỏi lãnh
đạo cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, không có khả năng lãnh đạo phát
triển kinh tế-xã hội. Chúng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và nỗ lực
của nhân dân ta trong sự nghiệp đổi mới rằng: "Những thành tựu đạt được
trong công cuộc đổi mới là do các nước tư bản đầu tư vào, chứ không
phải do năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam".
Mục đích chính trị phản động của các quan điểm sai trái trên nhằm gây
hoang mang, dao động về tư tưởng, mất niềm tin và tinh thần cảnh giác
cách mạng của đảng viên, nhân dân. Sâu xa hơn, nhằm phủ nhận vai trò
lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; phủ nhận khả năng thắng lợi của con
đường quá độ đi lên CNXH ở Việt Nam; từng bước chuyển hóa Việt Nam theo
quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản, mục tiêu cuối cùng của chủ nghĩa đế
quốc và các thế lực thù địch là xóa bỏ chế độ XHCN.
Trải qua hơn 35 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, Đảng đã lãnh đạo nhân
dân ta đạt được những thành tựu rất to lớn, trên tất cả các lĩnh vực của
đời sống xã hội. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đánh giá: "Đất nước
ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như
ngày nay... Tiếp tục khẳng định con đường đi lên CNXH của chúng ta là
đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu
thế phát triển của thời đại".
Điều đó cho thấy, CNXH hoàn toàn không phải là "giấc mơ", cũng chẳng
phải là "ảo tưởng về một thiên đường" như các thế lực thù địch rêu rao.
Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu do nhiều nguyên nhân
chủ quan và khách quan, không tự bảo vệ được trước sự chống phá của chủ
nghĩa đế quốc, chứ không phải do Chủ nghĩa Mác-Lênin hay lý tưởng về
CNXH đã lỗi thời, lạc hậu.
Trong những chặng đường tiếp theo, Đảng ta đã có dự báo khoa học về 4
nguy cơ, về những thách thức không nhỏ ở trong nước và từ bên ngoài đối
với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Với phương châm
vượt qua thách thức, tận dụng những cơ hội, phát huy sức mạnh dân tộc và
sức mạnh thời đại để thúc đẩy công cuộc xây dựng CNXH ở nước ta phát
triển nhanh và bền vững hơn, chúng ta có cơ sở để tin tưởng vững chắc
đến năm 2045, nước ta sẽ trở thành một nước phát triển, theo định hướng
XHCN.