Diễn đàn "tự phê bình và phê bình" trở
thành nơi cấp dưới nịnh cấp trên, bị hào quang bao phủ, nhiều cán bộ,
đảng viên không nhận ra khuyết điểm, hạn chế của mình.
Mỗi đảng
viên dù trên cương vị nào cũng đều sinh hoạt trong một tổ chức cơ sở
Đảng, đều chịu sự quản lý và giáo dục của chi bộ nơi đảng viên công tác.
Vì vậy, nếu chi bộ quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên tốt sẽ ngăn
chặn kịp thời những biểu hiện vi phạm của đảng viên.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều đảng
viên là cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý đã vi phạm nguyên
tắc, điều lệ đảng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vun vén cho lợi ích cá
nhân. Điều đó phần nào cho thấy sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở
đảng còn yếu kém, dẫn đến cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất, tự
diễn biến, tự chuyển hóa.
Từ thực tế ấy, PGS-TS Lê Văn Cường, Phó
Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh,
cho rằng cần nhìn thẳng vào sự thật là năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu
của không ít tổ chức đảng còn yếu kém, có biểu hiện dĩ hòa vi quý.
Thậm chí, theo Phó Viện trưởng Viện Xây
dựng Đảng, “trong sinh hoạt chi bộ, còn có hiện tượng anh tố tôi thì tôi
tố anh, anh không tố tôi, tôi sẽ không tố anh. Rốt cuộc là không ai tố
ai, “nước chảy lá khoai” làm cho qua chuyện”.
Cùng quan điểm, PGS-TS Vũ Văn Phúc, Phó
Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, cho rằng, việc
nhiều cán bộ bị truy tố trước pháp luật có thể khẳng định là sức chiến
đấu của một số tổ chức cơ sở Đảng còn thấp, tinh thần đấu tranh, tinh
thần tự phê bình, phê bình ở mức độ kém cũng có khi chỉ mang hình thức.
“Thậm chí có những tổ chức Đảng biến diễn đàn tự phê bình và phê bình
trở thành diễn đàn để cấp dưới nịnh cấp trên. Nó làm cho nhiều người
đứng đầu, nhiều người có chức, có quyền không nhận rõ được khuyết điểm,
hạn chế của mình khi đã bị bao phủ bởi một lớp hào quang”, PGS-TS Vũ Văn
Phúc nêu thêm.
PGS,TS Lê Văn Cường - Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng
“Việc đấu tranh tự phê bình và phê bình
giống như rửa mặt hằng ngày. Nếu hàng ngày không rửa mặt, anh không thể
phát hiện và xóa được vết nhọ trên trán. Nếu đồng chí mình không chỉ cho
mình vết nhọ trên mặt, và lại không tự mình soi gương để tự sửa, tự
rèn, người ta sẽ không nhìn thấy vết bẩn của mình”.
Dẫn lời Bác Hồ căn dặn, PGS,TS Vũ Văn
Phúc nhấn mạnh, một trong những nguyên tắc và cũng là công cụ trong công
tác xây dựng Đảng đó là tự phê bình và phê bình, nhưng phải làm thực
chất, làm hình thức, qua loa sẽ không đạt yêu cầu.
Khẳng định, đảng viên lợi dụng chức vụ
vi phạm kỷ luật tổ chức đảng đều biết, nhưng theo PGS,TS Lê Văn Cường,
tình trạng dĩ hòa vi quý, cộng với yếu tố năng lực lãnh đạo, sức chiến
đấu giảm sút nên nhiều sai phạm mới manh nha nhưng không được dập kịp
thời khiến sai phạm ngày càng nghiêm trọng.
“Ở nhiều tổ chức Đảng hiện nay, người ta
biết có sai phạm nhưng không nói. Cho nên, khi tổng kết về tự phê bình
và phê bình, chúng tôi thấy có biểu hiện mới, đó là khen cho chết. Nghĩa
là biết người ta làm sai nhưng không nhắc nhở, có khi lại a dua đồng
tình, rồi cái sai nhỏ thành sai lớn. Đến lúc vi phạm xảy ra rồi, gây hậu
quả rất lớn, dẫn tới mất người, thậm chí mất cả tổ chức”, Phó Viện
trưởng Viện Xây dựng Đảng phân tích.
PGS-TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương
Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII vừa
qua, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 21 về tăng cường
củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ
đảng viên trong giai đoạn mới. Nghị quyết cũng đã chỉ rõ những hạn chế
năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở Đảng còn hạn
chế; thực hiện chưa nghiêm nguyên tắc tập trung, dân chủ; chất lượng
sinh hoạt chi bộ, đảng bộ cơ sở, sinh hoạt cấp ủy, tinh thần tự phê bình
và phê bình, công tác đánh giá, xếp loại còn nhiều hạn chế. Một số cấp
ủy chưa chủ động, kịp thời kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu
hiệu vi phạm. Có những tổ chức đảng làm mất sức chiến đấu, để xảy ra
tiêu cực, tham nhũng, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật, làm giảm
niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Đấu tranh tự phê bình và phê bình trong
một số tổ chức đảng vẫn còn rất hình thức. Nhưng để tự phê bình và phê
bình được thực chất lại rất khó, bởi lẽ, tâm lý chung, không ai muốn nói
điều không hay về mình và người khác.
Vì vậy, theo PGS,TS Lê Văn Cường, phải
phát huy tính Đảng, nghĩa là bất luận làm việc gì cũng phải đặt lợi ích
của Đảng, của Dân tộc, của Nhân dân lên trên lợi ích cá nhân. Phát huy
được tính Đảng, thì tự phê bình và phê bình mới thực chất.
Cụ thể, theo phân tích của Phó Viện
trưởng Viện Xây dựng Đảng, nếu trước kia là phê bình và tự phê bình, thì
nay phải là tự phê bình và phê bình. Nghĩa là phải phê bình mình trước,
phê bình người sau, phê bình mình là chính, phê bình người là phụ. Theo
lời dạy của Bác Hồ, phê bình việc, chứ không phê bình người. Anh A vi
phạm các nguyên tắc về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng, đó là
việc làm sai, anh A được Đảng, được Nhà nước giao quyền lực vào tay
nhưng sử dụng quyền lực ấy không đúng, thì chúng ta phê phán việc làm
sai đấy, chứ không phải phê phán hay vùi dập con người anh A. Bởi bên
ngoài cơ quan, anh ta cũng là người chồng, người cha, là một công dân,
cũng có nhiều mặt tốt.
Nếu tự phê bình và phê bình không nghiêm
túc, không thực chất sẽ dẫn đến những hệ lụy hết sức khó lường mà nguy
hại nhất là dẫn đến suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Và để có thế
nhận diện được đâu là những biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự
chuyển hóa để có biện pháp ngăn chặn kịp thời, Ban Tổ chức Trung ương đã
ban hành Hướng dẫn số 16-HD/BTCTW trong đó chỉ ra cụ thể 82 biểu hiện
suy thoái của đảng viên.
Tuy nhiên, theo PGS-TS Lê Văn Cường,
việc chỉ ra những biểu hiện cụ thể như thế là tốt rồi nhưng quan trọng
là phải áp dụng vào thực tế. Khi đã áp dụng rồi thì phải có kiểm tra,
giám sát việc thực hiện để biểu dương, khuyến khích, khen thưởng hoặc xử
lý kịp thời.
Theo VOV