Ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát,
hoạt động xúc tiến thương mại nhanh chóng phục hồi với nhiều phương thức
khác nhau đã thúc đẩy năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong
tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu của Hải Dương.
Tham gia hội chợ, triển lãm giúp Công ty CP Mely Food Việt Nam tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường (ảnh do công ty cung cấp)
Khi dịch Covid-19 tạm lắng, các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM)
được khởi động lại. Nhiều địa phương, đơn vị nhanh chóng đưa các sản
phẩm nông sản, sản phẩm tiêu biểu tham gia các hội chợ, triển lãm có quy
mô lớn nhằm thúc đẩy cơ hội bán hàng và cung ứng dịch vụ.
Đa dạng phương thức bán hàng
Tham gia phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền các tỉnh đồng bằng sông
Hồng năm 2022 (diễn ra từ ngày 17-19.6 tại Hà Nội), Hải Dương có 35 gian
hàng với hơn 200 sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP như: vải thiều
Thanh Hà, bánh đậu xanh, mật ong, gạo nếp, rươi, bột sắn dây... Kết thúc
phiên chợ, có khoảng 10 hợp đồng, biên bản ghi nhớ giữa các doanh
nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX của Hải Dương với các đối tác được ký kết.
Việc ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực XTTM cũng được quan tâm, chú
trọng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa các sản phẩm nông
sản tiêu biểu, sản phẩm OCOP giới thiệu và tiêu thụ trên trang Phiên chợ
khuyến nông quốc gia. Đến nay, có hơn 20 sản phẩm OCOP, nông sản tiêu
biểu của tỉnh được giới thiệu và tiêu thụ như: gạo nếp cái hoa vàng,
bánh đa cá rô đồng, khoai sọ, nấm, bột sắn dây...
Thông thường, thời gian trưng bày hàng hóa tại các hội chợ, triển lãm
thường kéo dài từ 3-5 ngày. Cùng với việc trưng bày sản phẩm, Trung tâm
XTTM tỉnh còn tổ chức các hoạt động kết nối giữa các đơn vị sản xuất với
các siêu thị, cửa hàng tiện ích để hướng đến việc tiêu thụ sản phẩm lâu
dài.
Theo chị Nguyễn Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Công ty CP Mely Food Việt Nam
(TP Hải Dương), gần đây công ty đã đưa các sản phẩm giới thiệu, quảng bá
tại một số hội chợ ở Hà Nội và Nghệ An. Các hội chợ được tổ chức chuyên
nghiệp, việc sắp xếp, bố trí các gian hàng phân theo nhóm mặt hàng của
các tỉnh giúp khách hàng dễ tham quan, mua sắm. Tại đây, doanh nghiệp có
cơ hội được gặp gỡ đại diện một số tập đoàn bán lẻ nước ngoài, từ đó có
thể đánh giá về tiềm năng xuất khẩu của sản phẩm. Trung bình, Công ty
CP Mely Food Việt Nam bán ra khoảng 100 thùng sản phẩm mì, bánh đa ăn
liền/ngày tại mỗi hội chợ. Trước đây, công ty thường chỉ quan tâm tới
việc phát triển thị trường, tìm kiếm các nhà phân phối, hướng đến người
tiêu dùng ở miền Bắc. Việc tham gia hội chợ tại khu vực miền Trung đã
gợi mở hướng đi mới, từ đó thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, mở rộng thị
trường đến các tỉnh miền Trung và miền Nam.
Thời gian qua, Công ty CP Ong mật Việt Ý (Chí Linh) cũng đã tham gia một
số hội chợ, triển lãm. Theo đại diện công ty, đây là cơ hội mới hứa hẹn
khởi sắc sau một thời gian dài các hoạt động XTTM theo hình thức trực
tiếp bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Không chỉ có cơ hội
trực tiếp giới thiệu, quảng bá sản phẩm, đây cũng là điều kiện thuận lợi
để các đối tác chủ động tìm kiếm nguồn hàng.
Gian hàng của Hải Dương tại Phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền
các tỉnh đồng bằng sông Hồng năm 2022 thu hút đông khách tham quan, mua
sắm
Hiệu quả
Hằng năm, Trung tâm XTTM tỉnh đều thông tin, giới thiệu đến các doanh
nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX tham gia các hội chợ, triển lãm thuộc Chương
trình cấp quốc gia về XTTM. Việc XTTM chú trọng, quan tâm đến các tỉnh,
thành phố nơi chưa có nhiều sản phẩm, nông sản của Hải Dương. Tại các
hội chợ, triển lãm, Hải Dương thường có một gian hàng chung trưng bày
các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP, tiểu thủ công nghiệp. Ngoài ra,
khuyến khích các doanh nghiệp có các gian hàng riêng.
Năm 2022, các hoạt động XTTM hướng đến thị trường các tỉnh, thành phố
thuộc khu vực miền Trung-Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Theo
thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm XTTM tỉnh, từ tháng 4 đến hết tháng
6, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX trong tỉnh đã tham gia từ 14-16
hội chợ, triển lãm.
Hằng năm, Trung tâm XTTM tỉnh còn hỗ trợ cho các đơn vị tham gia trưng
bày các sản phẩm nông sản, thực phẩm, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp...
có thế mạnh của tỉnh tại các hội chợ quy mô lớn như: Hội chợ Thương mại
quốc tế Việt Nam, Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam, Hội chợ OCOP của
một số địa phương như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Ninh Bình… Những gian hàng
của tỉnh đã thu hút nhiều lượt khách tham quan, mua sắm, giao dịch và ký
kết hợp đồng. Đây cũng là dịp để người tiêu dùng và nhà sản xuất có thể
trực tiếp trao đổi với nhau, là cơ hội để doanh nghiệp trực tiếp tiếp
nhận ý kiến phản hồi của khách hàng thay vì thông qua nhà phân phối hoặc
nhân viên bán hàng. Các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất có dịp gặp gỡ,
giao lưu, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm trong việc nâng cao chất lượng
sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh.
Thời gian tới, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX được khuyến khích
tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm, hội chợ quy mô lớn với sản
phẩm là các mặt hàng chủ lực của tỉnh, các mặt hàng có lợi thế cạnh
tranh như nông sản tiêu biểu, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP…