Thủ
tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh cùng các doanh nghiệp có sản phẩm đạt
thương hiệu quốc gia năm 2022. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)
172 doanh nghiệp với tổng số 325 sản
phẩm đã được vinh danh tại Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia
Việt Nam năm 2022, do Bộ Công thương tổ chức tối 2.11, tại Hà Nội.
Đây là những sản phẩm đáp ứng hệ thống
các tiêu chí của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và là những
sản phẩm tiêu biểu, đại diện cho Thương hiệu Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính
phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, xây dựng thương hiệu quốc gia là một
nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa có tính cấp bách, vừa mang
tính chiến lược, có phạm vi rộng, nhiều việc phải làm, đòi hỏi sự vào
cuộc nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa
phương đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.
Thủ tướng nêu rõ, đây là nguồn lực của
từng doanh nghiệp nhưng cũng là của quốc gia nên việc xây dựng và giữ
gìn thương hiệu quốc gia có tầm quan trọng chiến lược đối với doanh
nghiệp và đất nước.
“Qua những con số ấn tượng về kim ngạch
xuất khẩu, thị phần, thứ hạng trong nhiều lĩnh vực và sự coi trọng của
các đối tác quốc tế, đây cũng chính là sự khẳng định đầy sức thuyết phục
về chất lượng hàng hóa, dịch vụ Việt Nam,” Thủ tướng Phạm Minh Chính
nêu rõ.
Cho rằng “tạo ra được thương hiệu rất
khó nhưng duy trì thương hiệu lại càng khó hơn,” theo Thủ tướng cần phải
xây dựng được niềm tin của xã hội, của nhân dân và cộng đồng quốc tế
với thương hiệu Việt Nam, niềm tin đó được kết hợp bởi nhiều nhân tố,
như chất lượng, giá trị sản phẩm, đạo đức kinh doanh, chuẩn mực, hình
ảnh người đứng đầu doanh nghiệp tốt, tính nhân văn của doanh nghiệp với
cộng đồng xã hội, với đất nước, các đối tác.
Trước những yêu cầu mới, Người đứng đầu
Chính phủ đề nghị các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia nói riêng và
cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung tập trung khai thác tốt hơn
tiềm năng, thế mạnh, tận dụng lợi thế để phát triển mạnh mẽ trong thị
trường nội địa và thúc đẩy xuất khẩu, thông qua biện pháp nâng cao giá
trị thương hiệu, tạo giá trị gia tăng cho xã hội.
Cùng đó, Thủ tướng lưu ý các doanh
nghiệp tiếp tục tìm kiếm mở rộng thị trường quốc tế và tham gia sâu hơn
các chuỗi cung ứng toàn cầu. Bảo đảm và không ngừng củng cố nâng cao uy
tín và sức cạnh tranh của sản phẩm thương hiệu thông qua hệ thống sản
xuất, quản trị tiên tiến và hoạt động tài chính công khai minh bạch, bền
vững.
Đồng thời, áp dụng công nghệ tiên tiến
để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh đặc biệt trong bối
cảnh kỷ nguyên số và cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tập trung đào tạo
nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập cũng như đi đầu
trong việc phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ thiên nhiên, môi trường…
“Sự thành công và phát triển của cộng
đồng doanh nghiệp, thương hiệu uy tín của sản phẩm-dịch vụ là thước đo
sự thành công của công tác điều hành quản lý của Nhà nước, Chính phủ
thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe và tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ nhằm
tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển,” Thủ
tướng nhấn mạnh thêm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)
Về phía Bộ Công thương, Bộ trưởng Nguyễn
Hồng Diên, cho biết sau gần 20 năm triển khai thực hiện, Chương trình
thương hiệu quốc gia đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trở thành bệ
phóng vững chắc cho các doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới, kiến tạo
những giá trị sức mạnh cho đất nước.
Thông qua chương trình, nhiều tập đoàn,
doanh nghiệp Việt đã ý thức được vai trò, tầm quan trọng của thương hiệu
như là “chìa khóa” để giúp gia tăng giá trị sản phẩm cũng như giá trị
doanh nghiệp để từ đó thúc đẩy quá trình xây dựng, phát triển và quản
trị thương hiệu của mình, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng
định vị thế của doanh nghiệp tại thị trường trong nước và quốc tế.
Ông nhấn mạnh, số doanh nghiệp có sản
phẩm đạt thương hiệu quốc gia liên tục tăng qua các kỳ xét chọn và đã
khẳng định được vai trò tiên phong, tạo hiệu ứng lan tỏa dẫn dắt, nâng
đỡ các doanh nghiệp khác cùng phát triển, góp phần thăng hạng mạnh mẽ
của thương hiệu quốc gia, đưa Việt Nam vào nhóm các nước có thương hiệu
mạnh trong khu vực và thế giới, đồng thời nâng cao hiệu quả cuộc vận
động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.”
"Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu
quốc gia Việt Nam là dịp ghi nhận và vinh danh các sản phẩm có chất
lượng hàng đầu, có hàm lượng khoa học công nghệ cao, có uy tín trên thị
trường và đại diện cho Thương hiệu quốc gia Việt Nam trên trường quốc
tế," Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)
Với chủ đề “Kiến tạo tương lai,” Chương
trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương
mại đặc thù, dài hạn và duy nhất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ
đạo thực hiện từ năm 2003 với mục tiêu xây dựng, phát triển thương hiệu
quốc gia thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các thương hiệu
mạnh trên thị trường.
Chương trình còn góp phần nâng cao năng
lực cạnh tranh quốc gia, nâng tầm vị thế của doanh nghiệp Việt Nam,
quảng bá hình ảnh Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng
cao trên thị trường trong nước và quốc tế.
Sau hơn 9 tháng phát động và triển
khai hoạt động xét chọn, Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam
đã ban hành Quyết định số 1977/QĐ-BCT công nhận 172 doanh nghiệp với
tổng số 325 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022, tăng 48
doanh nghiệp so với kỳ xét duyệt gần nhất.
Đây là minh chứng cho sức hút và tầm
ảnh hưởng của Chương trình đối với doanh nghiệp trong các hoạt động xúc
tiến thương mại trong và ngoài nước.
|
Theo TTXVN