Đêm 11.9 (tức ngày 16.8 âm lịch), lễ
khai ấn và ban ấn được tổ chức trang trọng tại đền Kiếp Bạc.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thực hiện nghi lễ ban ấn cho nhân dân và du khách thập phương
Đúng 22 giờ, các đồng chí: Lê Văn Hiệu,
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; một số đồng chí
trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh,
Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội mùa thu Côn Sơn-Kiếp Bạc cùng hàng nghìn nhân
dân địa phương và du khách tiến hành các nghi thức khai ấn.
Nghi thức diễn ra sau 2 năm gián đoạn vì
dịch Covid-19 nên có đông đảo người dân tham dự, nhiều người trong số
đó đến từ nhiều tỉnh, thành phố lân cận từ sáng cùng ngày.
Sau khóa Lễ Mật niệm (tắt đền) do các
nhà sư thực hiện, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đóng ấn, đặt lên bàn thờ
làm lễ. Vào lúc 23 giờ, nghi lễ ban ấn được tiến hành ở sân trước đền
Kiếp Bạc. Năm nay, Ban Tổ chức lễ hội mùa thu Côn Sơn-Kiếp Bạc đã chuẩn
bị hàng nghìn ấn phát cho nhân dân và du khách thập phương.
Đền thiêng Kiếp Bạc là một địa danh nổi
tiếng qua nhiều thế kỷ, nơi còn in dấu những kỳ tích của quân dân nhà
Trần 3 lần đánh tan giặc Nguyên Mông hung bạo, khẳng định sức mạnh của
quốc gia Đại Việt. Đây cũng là nơi lưu danh tên tuổi và sự nghiệp của
người Anh hùng dân tộc, Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc
Tuấn - linh hồn của quân và dân Đại Việt trong cuộc kháng chiến thần
thánh chống giặc Nguyên Mông.
Các giá đồng tại Liên hoan diễn xướng hầu Thánh đền Kiếp Bạc diễn ra trong không khí đậm chất lễ hội
Theo Ban Quản lý di tích Côn Sơn-Kiếp
Bạc, Đền Kiếp Bạc còn lưu giữ 4 phù ấn của Đức Thánh Hưng Đạo Đại vương
được làm bằng đồng.
Ấn thứ nhất có hình vuông (kích thước
10x10 cm) khắc chữ "Trần Triều Hưng Đạo Vương chi ấn" (ấn của Hưng Đạo
vương triều Trần). Đây là ấn phù quan trọng nhất, thể hiện quyền uy và
sức mạnh mà Đức Thánh Trần ban cho.
Ấn thứ hai hình vuông (kích thước 5,5x5,5 cm) khắc chữ "Quốc pháp Đại
Vương" (ấn phù Quốc pháp Đại vương hoặc Đại vương giữ phép nước), cầu
Đức Thánh ban sức mạnh uy quyền, bắt mọi thế lực phải tuân theo luật
pháp.
Ấn thứ ba cũng có hình vuông (kích thước 4,3x4,3cm) khắc chữ "Vạn Dược
linh phù" (phù ấn linh thiêng của đền Vạn Dược). Đây là phù ấn linh
thiêng cứu giúp mọi người được sống mạnh khỏe, không bệnh tật...
Ấn cuối cùng có hình chữ nhật (kích thước 5,2x7,8 cm) khắc chữ "Phi
thiên thần kiếm linh phù" (phù ấn linh thiêng của Phi thiên thần kiếm),
cầu bình an, sát quỷ trừ tà.
Theo quan niệm dân gian muốn cầu việc
lớn, cầu quan tước, thăng thưởng, cầu phải-trái phân minh thì xin ấn
“Trần Triều Hưng Đạo Vương chi ấn”, hoặc ấn “Quốc pháp Đại vương”; cầu
sinh con, tài lộc dồi dào, sự tốt lành phát triển thì xin ấn “Vạn Dược
linh phù”; còn xin ấn “Phi thiên thần kiếm linh phù” là để cầu tránh tà
ma, bệnh tật …
Hàng nghìn nhân dân và du khách dự Liên hoan diễn xướng hầu Thánh và nghi lễ ban ấn
Thông thường, khách thập phương xin được ban tấm lụa vàng in cả 4 phù
ấn nơi đền thiêng về treo tại nhà hoặc mang theo bên mình mong cầu được
Phúc-Lộc-Thọ và vạn sự tốt lành.
Trước đó, từ 20 giờ-21 giờ 30, Liên hoan
diễn xướng hầu Thánh được khai mạc tại sân trước đền Kiếp Bạc với sự
tham dự của hàng nghìn nhân dân địa phương và du khách.
Liên hoan năm nay còn có Nghệ nhân Ưu
tú Đặng Ngọc Anh đến từ TP Hà Nội (biểu diễn sau lễ khai mạc); nghệ nhân
Đào Đăng Long của TP Chí Linh (biểu diễn đêm 12.9) và nghệ nhân Trần
Thị Trung đến từ Bắc Ninh (biểu diễn đêm 13.9).
Theo ông Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban
Quản lý di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc, diễn xướng hầu Thánh là nghi lễ đặc
trưng ở đền Kiếp Bạc nhằm tôn vinh công lao, uy đức của Đức Thánh Trần
trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ đất nước cũng như sự nghiệp xây dựng,
phát triển đạo giáo Việt Nam (Đạo Nội). Đứng đầu canh hầu là Thanh đồng,
thực hiện nghi lễ hầu Thánh (hầu làm việc Thánh), thực chất là giúp tín
đồ tấu trình những sở nguyện: sát quỷ, trừ tà, cầu duyên, cầu tự… lên
Đức Thánh Trần cứu độ. Hằng năm, có hàng trăm Thanh đồng về đền Kiếp Bạc
"làm việc nhà Thánh". Vì vậy, tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần và nghi lễ
hầu đồng đã dần đi sâu vào tâm thức dân gian, trở thành sinh hoạt tâm
linh không thể thiếu trong đời sống của người dân Việt Nam.