Thương mại hai chiều đã gần cán mốc 100
tỷ USD, gần 10.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam, hai
nước hình thành nên các cộng đồng khoảng 200.000 người sinh sống ở nước
kia...
Hội
nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ
ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc vừa được tổ chức tại thủ đô Seoul (Hàn
Quốc) ngày 24.6.2022, thu hút sự quan tâm của số lượng lớn các doanh
nghiệp Hàn Quốc. (Ảnh: Khánh Vân/TTXVN)
Hội thảo học thuật quốc tế với chủ đề
“Mối quan hệ 30 năm qua và tương lai giữa Hàn Quốc và Việt Nam” đã diễn
ra tại Pusan (Hàn Quốc) ngày 30.6 nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ
ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc. Hội thảo do Hội nghiên cứu Việt Nam tại
Hàn Quốc chủ trì.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội nghiên
cứu Việt Nam tại Hàn Quốc, Giáo sư Bae Yang-soo cho biết quan hệ hợp tác
Hàn-Việt đã phát triển mạnh mẽ trong 30 năm qua trên hầu khắp các lĩnh
vực.
Thương mại hai chiều đã gần cán mốc 100
tỷ USD, gần 10.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam, hai
nước hình thành nên các cộng đồng khoảng 200.000 người sinh sống ở nước
kia...
Cùng với sự phát triển của quan hệ song
phương, việc nghiên cứu về Việt Nam cũng được đẩy mạnh với sự ra đời của
Hội nghiên cứu Việt Nam tại Hàn Quốc vào năm 2000.
Vượt qua nhiều khó khăn, hoạt động của
Hội ngày càng lớn mạnh. Các thành viên của Hội đa phần là các giáo viên
giảng dạy tại các trường đại học ở Hàn Quốc.
Trong tương lai, để thích nghi với tình
hình mới, cần đẩy mạnh việc xây dựng đội ngũ nghiên cứu Việt Nam học tại
Hàn Quốc đồng thời tăng cường giao lưu học thuật giữa giới học giả, nhà
nghiên cứu của hai nước.
Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ
Tùng đã tới dự hội thảo và bày tỏ cảm ơn Hội nghiên cứu Việt Nam tại Hàn
Quốc đã tổ chức buổi hội thảo ý nghĩa nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập
quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng cho rằng chủ đề
của hội thảo rất kịp thời và có ý nghĩa đối với sự phát triển quan hệ
giữa hai nước trong tương lai.
Có tổng cộng 12 tham luận được trình bày
tại hội thảo, trong đó tập trung vào chủ đề những chuyển biến trong
nghiên cứu Hàn Quốc học tại Việt Nam; vấn đề đào tạo tiếng Hàn ở Việt
Nam, Làn sóng Hàn (Hallyu); Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà cách mạng
Hàn Quốc ở Pháp vào đầu thế kỷ 20…
Tiến sỹ Nguyễn Thị Thắm, Viện Nghiên cứu
Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cho biết trước năm
2009, nghiên cứu về Hàn Quốc học ở Việt Nam tập trung vào nghiên cứu
kinh tế, chính trị, ngoại giao và an ninh.
Tuy nhiên, sau đó, các nghiên cứu liên
quan đến khoa học nhân văn xã hội ngày càng tăng. Các nghiên cứu hướng
tới nội dung chuyên sâu để tìm kiếm sự tương đồng giữa Việt Nam và Hàn
Quốc nhằm rút ra bài học cho Việt Nam từ kinh nghiệm thực tiễn của Hàn
Quốc.
Cùng với đó, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo liên quan đến Hàn Quốc học cũng tăng đáng kể và mở rộng từ công lập sang dân lập.
Tiến sỹ Trần Thị Lan Anh tại Đại học
Ngoại ngữ Đà Nẵng cho biết mặc dù việc đào tạo tiếng Hàn trong các
trường ở Việt Nam đã phát triển mạnh song đào tạo tiếng Hàn Quốc chuyên
ngành tại một số trường đại học thuộc khu vực miền Trung Việt Nam và
trên toàn quốc nói chung chưa có sự thống nhất về giáo trình, số giờ, số
tín chỉ, giáo viên đứng lớp đôi khi còn thiếu đào tạo chuyên ngành.
Trong khi đó Tiến sỹ Nguyễn Phạm Thu
Hương của Đại học Đà Lạt đề nghị sau nhiều năm giảng dạy, đã đến lúc cần
có sự đánh giá tổng thể lại về đội ngũ giảng viên, chương trình giảng
dạy, xây dựng sách giáo khoa, xây dựng các phương pháp đánh giá và vận
hành hệ thống đào tạo để từ đó đưa ra những cải tiến phù hợp với tình
hình mới.
Hội thảo lần này do Nhóm Dự án ngoại ngữ
đặc biệt của Trường Đại học Ngoại ngữ Pusan đồng chủ trì, và dự kiến sẽ
có một hội thảo khác được tổ chức vào nửa cuối năm nay thu hút sự tham
gia của các học giả hai nước.
TTXVN